Miền thơ Khúc Hồng Thiện

Năm 2008, Khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình văn học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho sinh viên sang học thêm tại Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi may mắn được học cùng các bạn trẻ. Tôi thích họ, vì họ tài năng, trong đó có Khúc Hồng Thiện.

Khi ấy, Khúc Hồng Thiện không còn mẹ, cha thì đau ốm, tôi thường hay động viên bạn Thiện cố gắng mà vươn lên. Năm tháng trôi, chúng tôi luôn theo dõi bước đi và sự trưởng thành của bạn học mà thầm kín vui mừng cho nhau.

Hai tập thơ cách nhau 8 năm của tác giả Khúc Hồng Thiện đến tay tôi trong niềm vui như thế. Tập thứ nhất: Chênh chao tích chèo với 33 bài thơ lục bát đầu tay, chàng sinh viên thật nhân từ mà nói lời kết: “Làng mình vào hội hay chưa/để cho tôi được lên chùa nhận con”.

Nhận con để giải oan cho Thị Kính đấy. Câu thơ nhân văn lấy nước mắt từ hai phía. Họ đều oan và sẵn sàng chịu oan để cứu rỗi. Người thơ trẻ này đứng trước biển đời, luôn ngẫm ngợi, soi quá khứ vào hiện tại để cảnh báo: “Ta về nhận mặt cha ông/trên từng viên gạch nửa hồng nửa đen” (Nhận) và anh Tâm sự với thần Kim Quy: “Dãi dầu từ bấy đến nay/ Cụ đêm yên tĩnh tôi ngày bão giông” bão giông từ trong cảm thức quá khứ mà trăn trở: “Gập ghềnh chín bậc lầu son/ trăm gian gác tía vẫn còn máu rơi” (Nghĩ từ Phố Hiến) để rồi những câu thơ lục bát yêu quê hương đất nước, yêu mẹ cha, anh chị em đằm thắm của chàng thi sĩ trẻ người mà sâu nghĩ: “Hão huyền thơ phú đôi vần/ tôi về nhận tội muôn phần trước quê” (Về làng). Một nét lạ là yếu tố phản biện. Tác giả bám vào ca dao, tích chèo để hỏi thật có lý mà lại cứ như không. Và có cái tếu táo: “Tò vò giết nhện lần hai/ còn dân gian vẫn rông dài thì sao?” (Đôi lời nhắn với ca dao) hoặc: “Sống cõi tục thác cõi tiên/ Ở lành thì sẽ gặp hiền chắc không? (Bập bênh).

Đến tập hai: Cùng nhau nhân từ. Theo tôi, tập thơ này sâu hơn, với nhiều thể thơ, cách cảm cách nghĩ chín hơn, rộng và xa hơn, bộc lộ cái tài hoa của người trẻ viết từ cuộc sống, cho cuộc sống quanh mình một cách táo bạo, dấn thân:

“Thôi đừng mưa, thôi đừng rơi

đừng nâng chén cạn để rồi long-đen

Tỉnh ra phố cổ đã đèn

đá và đá lại coi phên dậu này”

Câu thơ thứ tư thật hay, đá Đồng Văn đẹp, mơ màng nhưng hùng vĩ, đá như những đoàn quân tiến về biên giới, trấn giữ biên cương, phên dậu Tổ quốc. Đá hiện đại mà cổ kính. Gọi đá như gọi người hay gọi hồn nước: hãy lại “coi phên dậu này”. Bạn biết đấy, mỗi con người ở biên giới là một cột mốc sống, là phên dậu bảo vệ đất nước. Họ cạn chén say sưa thì lo quá đi chứ! Tác giả bằng ý thơ kín đáo, viết cứ như không, mà lo toan thế sự. Tình yêu trong tập thơ thứ hai cũng chững chạc, phóng khoáng và mới, đa diện hơn.

Với mẹ, anh nhớ khi mẹ lùa rơm nấu cơm, sắc thuốc: “Mã đề rau má một thang/ thức quê mộc mạc con mang bên lòng”.

Với tình yêu lứa đôi, người đọc lại được thưởng thức những câu thơ lung linh, mới, phóng khoáng: “Anh đánh mất mùa thu từ kiếp trước/em hóa thân thành nước/ triệu triệu giọt đời/trôi về phía đại dương…/Năm chỉ còn ba mùa/ lạc điệu đông-hạ-xuân/trật tự thiên nhiên đảo lộn/trật tự anh hoang hoải đi tìm/ trái tim hằn vết/chân trời rạn phía không thu/ ngày cạn nắng/Em đến như sự cứu rỗi/Em chêm vào anh/mùa linh” (Mùa linh).

Ở đây cái mới là “mùa linh”, mùa em chêm vào anh. Động từ “chêm” rất gợi, rất nóng bỏng, rất hiện đại, cho người đọc khát một tình yêu như tác giả đã yêu. Những phận đời cũng trở đi trở lại trong thơ Khúc Hồng Thiện. Ấy là em bé không nhà, là những cuộc lỡ hẹn,…

Gấp 88 bài của hai tập thơ lại, tôi mừng vì biết rằng, tin rằng cây bút trẻ này viết có nghề, có nghĩ ngợi suy tư, suy tưởng, có nội lực. Nhất định Khúc Hồng Thiện sẽ tiến xa bằng tấm lòng nhân từ và tư duy thơ mới lạ.

Trần Kim Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/mien-tho-khuc-hong-thien-93788.html