Miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu theo điều ước quốc tế?

Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 5538/TCHQ-TXNK trả lời Công ty Trigon Associates, LLC (tỉnh Đồng Nai) về việc hàng hóa nhập khẩu theo điều ước quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trước đó, Tổng cục Hải quan nhận được Công văn số 1507/20208/Trigon ngày 15/7/2020 của Công ty Trigon Associates, LLC đề nghị giải đáp về hồ sơ, thủ tục miễn thuế nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Trả lời những vấn đề mà Công ty này băn khoăn, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 5538/TCHQ-TXNK để giải đáp những vấn đề liên quan. Cụ thể:

Đối với hồ sơ miễn thuế

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ vào khoản 4 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về hồ sơ miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế thì hồ sơ hải quan phải thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan. Riêng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế, người nộp thuế phải nộp thêm: 01 bản chụp xuất trình bản chính để đối chiếu, khi nộp hồ sơ miễn thuế lần đầu; 01 bản chụp Hợp đồng ủy thác, hợp đồng cung cấp hàng hóa theo văn bản trúng thầu hoặc văn bản chỉ định thầu ghi rõ giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu ủy thác, đấu thầu có đóng dấu sao y bản chính của cơ quan.

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 3 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy hoặc chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định là bản chụp thì người khai hải quan, người nộp thuế có thể nộp bản chính hoặc bản chụp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan.

Trường hợp bản chụp hoặc các chứng từ do người nước ngoài phát hành bằng hình thức điện tử, thư điện tử, fax, telex hoặc các chúng từ, tài liệu do người khai hải quan, người nộp thuế phát hành thì người khai hải quan, người nộp thuế phải xác nhận, ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của các chúng từ đó. Trường hợp bản chụp có nhiều trang thì người khai hải quan, người nộp thuế xác nhận, ký tên, đóng dấu lên trang đầu và đóng dấu giáp lai toàn bộ văn bản.

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, người khai hải quan, người nộp thuế thực hiện xác nhận, ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực và hợp pháp của bản chụp điều ước quốc tế cung cấp cho cơ quan hải quan trong trường hợp không xuất trình được bản chính điều ước quốc tế để đối chiếu.

Hiện nay, theo Tổng cục Hải quan, Hợp đồng dịch vụ giữa USAID và Công ty Trigon Associates, LLC không thể hiện chi tiết giá cho phần hàng hóa, thiết bị cần thiết để thực hiện dịch vụ, đồng thời cũng không quy định “giá cung cấp hàng hóa không bao gồm thuế nhập khẩu” nên chưa đáp ứng quy định về hồ sơ miễn thuế tại khoản 4 Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP...

Đối với danh mục hàng hóa miễn thuế

Ngày 22/6/2005, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ ký Hiệp định về hợp tác kinh tế và kỹ thuật quy định việc miễn các loại thuế nhập khẩu theo các luật hiện hành của Việt Nam đối với bất kỳ hàng tiếp tế, nguyên vật liệu, thiết bị, hàng hóa, tài sản, dịch vụ hoặc tiền viện trợ được nhập khẩu vào hoặc xuất khẩu từ Việt Nam để thực hiện các chương trình, dự án hoặc hoạt động được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ theo Hiệp định này. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, trong đó khoản 1 Điều 29 của Nghị định này nêu rõ: Trường hợp điều ước quốc tế không quy định cụ thể chủng loại, định lượng miễn thuế thì Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủng loại và định lượng hàng hóa miễn thuế.

Tuy nhiên, Hiệp định về hợp tác kinh tế và kỹ thuật không quy định chủng loại, hàng hóa miễn thuế nên căn cứ quy định nêu trên, chủ dự án xây dựng danh sách hàng hóa đề nghị miễn thuế nhập khẩu, lấy ý kiến của cơ quan chủ quản dự án về việc các hàng hóa dự kiến nhập khẩu thuộc danh sách là phù hợp với quy định tại Điều 5 Hiệp định này. Đồng thời, có số lượng và chủng loại phù hợp với mục tiêu, quy mô của dự án trước khi gửi danh sách hàng hóa đề nghị miễn thuế nhập khẩu theo điều ước quốc tế đến Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để thống nhất với Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về chủng loại và định lượng hàng hóa miễn thuế.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về chủng loại, định lượng hàng hóa được miễn thuế theo điều ước quốc tế và Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo về chủng loại, định lượng hàng hóa nhập khẩu miễn thuế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì người đề nghị miễn thuế thực hiện cung cấp danh mục hàng hóa cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính để được cấp Phiếu theo dõi trừ lùi hàng hóa nhập khẩu miễn thuế.

Đối với thủ tục hoàn thuế

Theo khoản 1 Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp hàng hóa nhập khẩu của Công ty Trigon Associates. LLC thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu nhưng đã nộp thuế nhập khẩu thì số tiền thuế nhập khẩu đã nộp được xử lý theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, khoản 64 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC. Do vậy, Công ty Trigon Associates. LLC liên hệ với cơ quan hải quan nơi mở tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/mien-thue-doi-voi-hang-hoa-nhap-khau-theo-dieu-uoc-quoc-te-327102.html