Miễn thuế nhiều dòng hàng nhập khẩu từ Campuchia

Các loại hàng hóa từ Campuchia được miễn thuế phải có tên trong Danh mục hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Campuchia cấp và chỉ được thông qua các cặp cửa khẩu quy định sẵn.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bộ Tài chính đang xin ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia được ký ngày 26-10-2016 giữa chính phủ hai nước.

Việt Nam dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia như: Gia cầm sống; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm; quả thuộc chi cam quýt, tươi hoặc khô; lúa gạo; thịt, các phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ hoặc tiết, đã chế biến hoặc bảo quản khác; thuốc lá lá chưa chế biến; phế liệu lá thuốc lá; xe đạp hai bánh và xe đạp khác (kể cả xe xích lô ba bánh chở hàng), không lắp động cơ.

Đối với mặt hàng gạo, trường hợp nhập khẩu nhiều hơn 300.000 tấn, số lượng hạn ngạch quy định, thì số lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ phải chịu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN) được ban hành tại Nghị định số 129/2016/NĐ-CP của Chính phủ hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) theo quy định hiện hành.

Còn đối với mặt hàng lá thuốc lá khô, trường hợp nhập khẩu nhiều hơn số lượng hạn ngạch nhập khẩu và số lượng nhập khẩu ít hơn tổng mức hạn ngạch chung của cả nước và đảm bảo các điều kiện quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về hạn ngạch thuế quan thì số lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).

Theo chiều hướng ngược lại, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép.

Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Campuchia được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước, bao gồm thương mại hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm công nghiệp với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực biên giới, và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Linh Hồ

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/mien-thue-nhieu-dong-hang-nhap-khau-tu-campuchia-94022.html