Miền Trung cần bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch bền vững

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung cần phát huy những ưu thế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chú trọng bảo tồn văn hóa, giữ gìn thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.

Sáng 1/8, tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng làm việc với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận).

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh, thành phố kiến nghị với đoàn công tác, đề xuất động lực phát triển mới và cách làm đột phá trong những năm tới.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu bày tỏ mong muốn địa phương này tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong tiến trình xây dựng và phát triển. Thừa Thiên Huế là một trong 14 tỉnh Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, thuộc tiểu Vùng Trung Trung bộ và một trong 4 tỉnh, thành phố của Vùng động lực miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Thừa Thiên Huế đề xuất Tiểu ban văn kiện Kinh tế - Xã hội nghiên cứu, đưa vào báo cáo Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 của cả nước nội dung: "Phát triển TP. Huế trở thành đô thị trung tâm của vùng, tiểu vùng; đô thị cấp quốc gia đặc trưng về di sản, văn hóa; là trung tâm công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa, đồng thời là một trong những trung tâm lớn của cả nước về dịch vụ cảng biển, khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, thương mại, tài chính tầm quốc tế cao".

Lãnh đạo một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát biểu tại buổi làm việc.

Lãnh đạo một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát biểu tại buổi làm việc.

Nhấn mạnh yêu cầu thắt chặt liên kết vùng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, phải giải quyết câu chuyện về cơ chế, vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội đồng điều phối vùng, nguồn lực cho việc triển khai quy hoạch vùng; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu, ưu tiên đầu tư đoạn đường sắt cao tốc đi qua địa bàn vùng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sớm xây dựng và ban hành thí điểm một số cơ chế đặc thù đã được thực hiện hiệu quả tại một số tỉnh, thành phố trong vùng để áp dụng cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nhằm khai thác, phát huy hơn nữa thế mạnh kinh tế biển, tạo lợi thế và tăng cường sức cạnh tranh của vùng...

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tham dự buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tham dự buổi làm việc.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trăn trở làm thế nào ghi nhận các ý kiến khác biệt, nói thật, nghĩ thật, không nói một chiều; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. "Việc triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức mới cần thận trọng, lấy ý kiến toàn diện, nhất là những mô hình còn ý kiến khác nhau, tránh tình trạng thí điểm một thời gian dài rồi lại như cũ", ông Hoàng Trung Dũng nói.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp làm mới những nội dung, nhiệm vụ đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, nhất là nhóm vấn đề mới đặt ra đối với cả nước, cũng như từ đặc trưng, thực tiễn của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, khác biệt của từng địa phương cũng như lợi thế chung của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Các địa phương cần đề xuất cụ thể về đổi mới thể chế, phát triển hạ tầng... để đạt mục tiêu phát triển trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, báo cáo của các địa phương cho thấy vẫn tồn tại những điểm nghẽn, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cả nước cũng như thế giới còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các địa phương cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Xu thế hội nhập là tất yếu nhưng vẫn phải độc lập, tự chủ. Vì vậy, các địa phương cần phối hợp giải bài toán quy hoạch vùng, làm rõ các mối quan hệ liên kết, những định hướng phát triển chung của vùng và định hướng riêng của mỗi tỉnh, thành phố.

Những năm tới, các địa phương khu vực miền Trung sẽ được kết nối chặt chẽ hơn về hạ tầng giao thông qua chủ trương đồng bộ các tuyến cao tốc, đầu tư đường sắt cao tốc, phát triển các tuyến đường thủy nội địa...

Bên cạnh đó, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cần có cách tiếp cận phù hợp để bảo tồn, khai thác, phát triển kinh tế từ tiềm năng di sản văn hóa, thiên nhiên. Cần phát huy các ưu thế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng bảo tồn văn hóa, giữ gìn thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng thể chế theo hướng tạo không gian mới phát triển, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ người quản lý đến doanh nghiệp, người dân./.

Đức Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/mien-trung-can-bao-ton-van-hoa-de-phat-trien-du-lich-ben-vung-20240801165739723.htm