Miền Trung đang 'hứng' mưa lớn diện rộng: Liệu có lặp lại lũ lịch sử?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế mưa lớn ở khu vực miền Trung đang rất nguy hiểm, cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét lên tới cấp 4.
Trước tình hình mưa lớn, lốc, sét đã và đang diễn biến phức tạp ở miền Trung, chiều 14/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 lần đầu tiên về mưa lớn với trọng tậm là 2 tỉnh, thành phố gồm Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về lý do đưa ra cảnh báo trên, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhấn mạnh xu thế mưa lớn ở khu vực miền Trung đang rất nguy hiểm.
Cấp độ rủi ro thiên tai rất cao
- Đầu tiên, xin ông cho biết xu thế mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Đợt mưa lũ ở khu vực miền Trung bắt đầu từ đêm 10/10 và kéo dài đến nay (ngày 14/10), tức là đã diễn ra trong 4 ngày liên tiếp. Lượng mưa phân bố không đều ở các khu vực. Trong đó khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi là những vùng bắt đầu xảy ra hiện tượng mưa lớn.
Tuy nhiên, trọng tâm của đợt mưa lớn trên là các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với lượng mưa lớn phổ biến từ 400-800mm; thậm chí có những điểm, tổng lượng mưa lên tới trên 1.000mm.
Trong ngày hôm nay (14/10), ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có mưa to đến rất to; lượng mưa tính từ 7 giờ đến 14 giờ có nơi trên 100mm như: Cương Gián (tỉnh Hà Tĩnh) 124mm; Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) 186mm; Hòa Sơn (thành phố Đà Nẵng) 148,2mm; Đại Hiệp (tỉnh Quảng Nam) 156,2mm...
Dự báo trong 24 giờ đến 48 giờ tới (từ chiều 14-16/10), ở khu vực từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm. Riêng khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm. Ở khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, ở khu vực phía Nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm; các nơi khác ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và tối).
Cảnh báo giai đoạn từ đêm 16-17/10 mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc; khu vực từ Nam Nghệ An đến Bình Định có mưa lớn 100-300mm, có nơi trên 500mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Với diễn biến trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét tại khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng là cấp 4; tại tỉnh Quảng Nam cấp 3; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi, dự báo ở cấp 2; còn các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định cấp 1.
- Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới đợt mưa lũ đang diễn ra tại khu vực miền Trung, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Nguyên nhân của đợt mưa là hình thế điển hình của mùa mưa ở miền Trung, đó là tác động của không khí lạnh, giải hội tụ nhiệt đới cùng với gió đông.
Gió đông di chuyển từ Biển Đông vào đã phát triển lên độ cao từ 1.500m đến 5.000m, sau đó gió đông bắc đẩy độ ẩm lên cao, khiến mây đối lưu mạnh, đã gây ra mưa lớn trong suốt những ngày vừa qua ở Trung Bộ.
- Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ đang diễn ra tại khu vực miền Trung, nhiều người cũng băn khoăn đặt câu hỏi liệu xu thế mưa trên có lặp lại lịch sử, khốc liệt như năm 1999?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Mưa lớn ở khu vực miền Trung thực sự đang rất nguy hiểm. Điều này đã được thể hiện bằng cấp độ rủi ro mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đang đưa ra ở khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là cấp 4. Đây là cấp độ rủi ro cao nhất đối với mưa lớn.
Tuy nhiên, qua đánh giá, so sánh hình thế mưa hiện tại với các hình thế gây ra mưa lớn ở khu vực Trung Bộ trong giai đoạn mưa kỷ lục vào năm 1999, chúng tôi nhận thấy về cơ bản xu thế mưa là tương tự như nhau. Thế nhưng, cường độ mưa ở khu vực Trung Bộ vào thời điểm từ ngày 1-6/11/1999 mạnh hơn hiện tại.
Vì thế, có khả năng đợt mưa lớn đã, đang và còn diễn ra ở khu vực Trung Bộ, cường độ sẽ không khốc liệt, không gay gắt bằng giai đoạn năm 1999.
Cảnh báo lũ quét và trượt lở đất
- Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thì khả năng mưa lớn còn kéo dài ở các tỉnh khu vực miền Trung, vậy ông có lưu ý gì đối với người dân những ngày tới?
Ông Nguyễn Văn Hưởng: Chúng tôi nhận định hình thái gây mưa lớn ở khu vực miền Trung trong những ngày qua (như không khí lạnh, giải hội tụ nhiệt đới và đới gió đông), hiện tại vẫn đang tiếp tục hoạt động. Trong đó, không khí lạnh trong các ngày 15-16/10, dự báo còn tăng cường lên.
Ngoài ra, hiện nay chúng tôi cũng đang theo dõi thêm một vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông. Vùng áp thấp này đang có xu hướng dịch chuyển từ Đông sang Tây, hướng về khu vực đất liền khu vực Trung Bộ. Vì thế, tương tác của không khí lạnh (có giải hội tụ nhiệt đới), cộng thêm đới gió đông sẽ tiếp tục gây ra mưa lớn ở khu vực miền Trung trong những ngày tới.
Theo đánh giá của chúng tôi, mưa lớn ở khu vực miền Trung trong những ngày tới sẽ có sự thay đổi về vùng tâm mưa; trong đó khoảng từ ngày 14-15, mưa lớn vẫn tập trung ở khu vực các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Tuy nhiên, xu thế mưa sẽ có xu thế mở rộng sang các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.
Tiếp đó, giai đoạn từ ngày 16-17/10, vùng áp thấp ở giữa Biển Đông sẽ di chuyển vào đất liền nên có thể sẽ gây ra mưa lớn trên phạm vi sâu và rộng hơn. Hiện tại, mưa đang tập trung ở các vùng ven biển cũng như vùng trung du. Thời gian tới, mưa có khả năng sẽ xảy ra ở các khu vực vùng núi phía Bắc của các tỉnh miền Trung.
Trong giai đoạn trên, khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có mưa lớn từ 100-300mm, có nơi trên 500mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Với xu thế mưa đó, chúng tôi nhận định tình trạng ngập úng sẽ tiếp tục duy trì ở các tỉnh khu vực Trung Bộ.
Đáng chú ý, với quá trình mưa lấn sâu trên, ở khu vực miền núi (đặc biệt là các tỉnh Kom Tum, Gia Lai) trong thời gian tới có khả năng sẽ xảy ra hiện tượng lũ quét và trượt lở đất - đây là loại hình thiên tai người dân cần hết sức lưu ý.
Ngoài ra, khu vùng áp thấp dịch chuyển từ Tây sang Đông, cũng không ngoại trừ trường hợp vùng áp thấp này có khả năng mạnh thêm, gây ra các hiện tượng gió giật mạnh ở các vùng ven biển (khu vực các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định), gây ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền, tàu cá vùng ven.
Việc mưa lớn dài ngày cũng sẽ làm cho tình trạng ngọt hóa ở các vùng ven biển, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy-hải sản…
- Trân trọng cảm ơn ông!