Miền Trung: Đưa ẩm thực thành sản phẩm du lịch

Bên cạnh xây dựng những điểm đến, sự kiện mới, các địa phương của miền Trung đang chú trọng đưa ẩm thực, đặc sản địa phương thành sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút và níu chân du khách trong nước và quốc tế.

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh giới thiệu sản phẩm ẩm thực OCOP đặc trưng của tỉnh đến du khách. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh giới thiệu sản phẩm ẩm thực OCOP đặc trưng của tỉnh đến du khách. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Món bún bò Đức Thọ không còn bó hẹp ở địa bàn vùng quê huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) mà đã đi vào nhà hàng Bình Minh (đường Trần Phú) ngay trung tâm TP Hà Tĩnh để phục vụ du khách trong tỉnh và khu vực.

Chị Nguyễn Thị Huyền (du khách Hà Nội) kể, bún bò Đức Thọ có những nét độc đáo riêng, từ sợi bún, rau ăn kèm cho đến nước lèo. Anh Hồ Quang Thành (48 tuổi, bếp trưởng nhà hàng Bình Minh) cho biết, từ nhiều năm trước nhà hàng đã lựa chọn bún Đức Thọ làm hương vị chủ đạo phục vụ du khách. “Lúc cao điểm, nhà hàng bán được khoảng 500-600 suất, thấp nhất cũng khoảng 180-200 suất”, anh Thành nói…

Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, nhìn nhận, các khu, điểm du lịch cần có sự bứt phá, sáng tạo khi vừa kết hợp nguồn lực tự có như khu nông trại, vườn cây ăn trái, ruộng lúa… tạo nên không gian trải nghiệm, khám phá. “Du khách sẽ thích thú các đặc sản hơn nếu chúng ta tạo cơ hội để họ có thời gian biết và hiểu về sản phẩm, có thể tận mắt, tận tay học và làm, nấu các món ăn đơn giản mà độc đáo, ấn tượng”, ông Sáng nói.

Thời gian gần đây, khu ẩm thực chợ Cồn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trở thành điểm đến của du khách, bởi nơi đây có nhiều món ăn mang đậm hương vị địa phương. Khu ẩm thực bày biện sạch sẽ, các món ăn được niêm yết giá cả rõ ràng. Vào các dịp lễ, khu ẩm thực có khoảng 5.000-6.000 lượt khách/ngày. Anh Kim Kyoung Jun (43 tuổi, du khách Hàn Quốc) kể, anh dành thời gian hiếm hoi trên hành trình di chuyển liên tục theo đoàn để đến thưởng thức món ăn tại khu ẩm thực chợ Cồn sau khi đọc các chia sẻ của bạn bè trên các trang review về ẩm thực tại Hàn Quốc. Anh đã được thưởng thức những món ăn như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo…, và hơn hết là qua ẩm thực, anh hiểu thêm về văn hóa, con người Việt Nam.

Hiện Đà Nẵng có hơn 4.000 cơ sở ăn uống và 200 nhà hàng, trong đó hơn 2.000 cơ sở ăn uống có quy mô nhỏ và vừa phục vụ món ăn các vùng miền Việt Nam. Để Đà Nẵng trở thành điểm đến có ẩm thực hấp dẫn, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết, các đơn vị du lịch đã thiết kế các tour ẩm thực có chất lượng, hợp lý về giá cả, thời gian, không gian, thực đơn để nâng tầm ẩm thực địa phương; gìn giữ, phát huy các yếu tố truyền thống trong văn hóa ẩm thực Việt.

XUÂN QUỲNH - DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-dua-am-thuc-thanh-san-pham-du-lich-post679603.html