Miền Trung, gió mạnh dần lên, khẩn trương ứng phó mưa bão
Hiện gió tại các địa phương ở khu vực miền Trung đang mạnh dần lên, chính quyền và người dân khu vực này đang khẩn trương chuẩn bị ứng phó với tinh thần không chủ quan với bão.
Chiều 18/12, tại các tỉnh Trung Trung bộ trời mưa vừa, các tỉnh Nam Trung bộ, gió mạnh dần lên. Riêng đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh. Công tác ứng phó với bão số 9 được các tỉnh miền Trung triển khai khẩn trương. Người dân và chính quyền địa phương xác định không chủ quan với cơn bão này.
Khu vực quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có gió to, sóng biển dữ dội, quân dân trên các đảo khẩn trương ứng phó với bão. Trong đất liền, bên cạnh việc kêu gọi người dân trên các vùng biển di chuyển đến nơi an toàn, tỉnh Khánh Hòa đang rà soát các vùng xung yếu, sẵn sàng sơ tán dân để tránh sạt lở do mưa lớn.
Tại huyện Vạn Ninh, chiều nay, người dân tập trung gia cố, chằng néo lồng bè, chủ động nhấn chìm lồng nuôi cá tôm xuống đáy vịnh để tránh thiệt hại. Lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương vận động người dân từ các lồng bè vào bờ hoặc lên các đảo để trú ẩn.
Ông Đàm Ngọc Quang, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện xác định trên các vùng biển đang có khoảng 1.200 bè với hơn 2.200 người lao động nuôi trồng thủy sản.
Ông Đàm Ngọc Quang cho biết: “Trên toàn huyện đã kiểm tra tương đối kỹ về số lượng lồng bè và người nuôi trồng, các xã họ đều đã có danh sách. Giữa các chủ bè cùng với nhau, góp lại để xây 1 nhà thật kiên cố. Ở trong đó có đầy đủ nước uống, đồ ăn dự trữ lương thực. Khi có bão, lũ người dân ở ngoài lồng, bè đi vào tránh trú và sinh hoạt.
Chủ động ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, tỉnh Phú Yên chú trọng kiểm tra các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có phương án bảo vệ công trình đang thi công. Hiện nay, tỉnh Phú Yên có 4 công trình đê kè biển, cửa sông gồm: Cửa biển Đà Nông; cửa biển Đà Diễn; kè Xóm Rớ; kè Xuân Hải. Hiện, các công trình này hoàn thành từ 55% đến 90% khối lượng công việc. Chủ đầu tư đã đôn đốc các đơn vị thi công các công trình triển khai các phương án bảo vệ công trình, tài sản máy móc thiết bị và con người.
Đến chiều nay (18/12), hầu hết ngư dân các làng biển ở tỉnh Phú Yên đã đưa các loại tàu và thuyền thúng, ngư cụ vào khu vực an toàn để tránh bão số 9. Chiều nay, tại làng chài Xuân Hải, thôn 2, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, hàng chục hộ dân hỗ trợ nhau đưa 300 chiếc thuyền thúng từ khu vực bãi biển lên khỏi bờ kè Xuân Hải để tránh bão.
Ông Trần Cư, người dân làng chài Xuân Hải, tỉnh Phú Yên cho biết, hiện sóng biển rất to nên bà con chủ động đưa thuyền thúng và ngư cụ lên bờ để hạn chế thiệt hại.
“Giờ chúng tôi phải đưa thuyền thúng vào trong kè tránh bão. Giờ này các tàu lớn cũng đã vào trong sông tránh trú hết. Bão số 9 được dự báo sẽ không vào bờ, nhưng mình ở vùng bãi ngang thì cứ lo trước. Bà con mỗi người một tay, phụ nhau đưa tàu vào nơi tránh trú”, ông Trần Cư nói.
Hôm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại khu neo đậu tàu thuyền nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu các địa phương phân công lực lượng trực 24/24, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Các địa phương cũng đã lên kế hoạch sơ tán, di dời người già, neo đơn và người dân sống ở các khu vực trọng điểm, xung yếu đến nơi an toàn; Huy động lực lượng giúp đỡ người dân gia cố, chằng chống nhà cửa.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: “Qua kiểm tra các tàu thuyền, tính đến giờ này đã đi vào các khu neo đậu tránh trú bão an toàn. Đối với các vùng ven biển, các địa phương đã chỉ đạo, hỗ trợ người dân gia cố các nhà cửa đảm bảo không bị tốc mái trong bão số 9”.
Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi triển khai lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm soát các hoạt động của tàu thuyền ngư dân tại các cửa sông, cửa lạch, cảng cá; tuyên truyền, cảnh báo và ngăn chặn những phương tiện ra khơi trong thời gian cấm biển. Huyện đảo Lý Sơn đã lên phương án di dời 250 hộ dân với 590 nhân khẩu sống vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Bà Dương Thị Lệ ở Thôn Tây An Hải, huyện Lý Sơn cho biết: “Người dân ở đây rất chủ động ứng phó với cơn bão số 9. Từ trước đến nay ít có bão vào dịp cuối năm, mà bây giờ có bão, nhà tôi ở gần biển nên phải ra bờ biển lấy cát vào bao tải để chằng chống mái nhà, gia cố lại cửa nẻo để đề phòng bão đổ bộ gây lốc xoáy tốc mái làm hư hại tài sản”./.