Miền Trung hứng chịu thêm 2 đợt mưa lớn, hàng trăm hồ chứa nguy cơ bị tràn
Sau những ngày mưa liên miên gây ngập lụt nghiêm trọng, từ ngày 26 - 30/10, nhiều tỉnh, TP khu vực miền Trung sẽ tiếp tục hứng chịu 2 đợt mưa lớn diện rộng. Nguy cơ lũ, sạt lở đất và an toàn hồ chứa rất đáng lo ngại.
246 hồ chứa nguy cơ mất an toàn
Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 26/10, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, áp thấp nhiệt đới hiện cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 – 7, giật cấp 9. Dự kiến áp thấp nhiệt đới sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp trước khi đổ bộ đất liền.
Dù áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ suy yếu, tuy nhiên, tại các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên sẽ tiếp tục phải hứng chịu 2 đợt mưa lớn diện rộng. Trong đó, đợt mưa từ hôm nay (26/10) đến hết ngày 27/10 sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, với lượng mưa có nơi trên 300mm.
Từ ngày 27 – 30/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông, các tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ sẽ có mưa, có nơi mưa to và rất to. Lượng mưa phổ biến tại các địa phương từ 200 – 350mm, có nơi trên 400mm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định, mưa kéo dài diện rộng sẽ gây nguy cơ mất an toàn đối với các hồ chứa, khu công nghiệp khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên, các lồng bè nuôi trồng thủy sản ven biển, nhất là ở Khánh Hòa, Phú Yên. Cùng với đó là nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh Nam Tây Nguyên, thượng lưu sông Đồng Nai, từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Đặc biệt đáng lo ngại là nguy cơ từ mưa lớn diện rộng có thể làm tràn hàng trăm hồ chứa nhỏ đang thi công, hoặc đã đầy nước. Số lượng hồ chứa có nguy cơ mất an toàn của các tỉnh cụ thể là: Quảng Ngãi 112 hồ, Kon Tum 70 hồ, Quảng Nam 36 hồ, Gia Lai 17 hồ, Đà Nẵng 7 hồ, Thừa Thiên Huế 4 hồ.
Sẵn sàng di dời người dân vùng thiên tai
Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, tại nhiều địa phương miền Trung đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 26/10, cho biết cụ thể tại Thừa Thiên Huế bị sạt lở bờ biển ở TP Huế với chiều dài 250m, bờ sông Bồ sạt lở 7 điểm với tổng chiều dài 2.720m, bờ sông Hương sạt lở 3 điểm dài tổng cộng 1.200m; mái ta luy đường vào Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng bị sạt khoảng 100m.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, sạt lở đã diễn ra tại một loạt tuyến Quốc lộ 40b, 14H, ĐT 606, ĐT 617, ĐT 618, ĐT 611. Còn tại Quảng Ngãi, sạt lở bờ bờ sông cũng đã xảy ra trên các tuyến sông Trà Bồng, Phước Giang, Trà khúc, với tổng chiều dài khoảng 2.900m.
Phát biểu tại cuộc họp sáng 26/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhận định dù áp thấp nhiệt đới sẽ không mạnh lên thành bão, tuy nhiên 2 đợt mưa diện rộng có nguy cơ gây hậu quả lớn cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên do khu vực này đã trải qua nhiều ngày mưa kéo dài.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, trong đợt lũ vừa qua, Chính phủ và các bộ ngành đã chỉ đạo rất sát sao. Nhờ đó đến nay, thiệt hại được giảm ở mức tối đa. Tuy nhiên, tinh thần chung là không được phép chủ quan, bởi từ nay đến cuối năm, Việt Nam có khả năng hứng chịu thêm 1 – 2 cơn bão.
Trước mắt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương cần đề phòng nguy cơ lũ, sạt lở đất, nhất là ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. “Sau đợt mưa kéo dài, bà con hiện đã khá mệt mỏi, có thể dẫn đến chủ quan. Do đó các địa phương cần hết sức lưu ý, thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt tình hình mưa, lũ và chủ động phòng, tránh” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đặc biệt lưu ý an toàn cho các hồ chứa. Đối với tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Tây Nguyên, nhiều hồ chứa đã đầy nước nên cần theo dõi sát sao để thực hiện việc điều tiết, đưa mực nước về mức an toàn và dành dung tích cắt lũ cho hạ du.
“Sạt lở tại vùng núi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng là vấn đề đáng quan ngại vì 3 – 4 ngày qua mưa rất lớn, sạt lở nhỏ đã xảy ra ở nhiều tỉnh như: Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và khu vực phía Nam Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai). Do đó, các địa phương cần quan tâm, cảnh báo sớm và sẵn sàng di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.