Miền Trung: Khẩn trương chủ động ứng phó với mưa lũ
Ngày 12-10, các tỉnh miền Trung đã có chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân.
* Tại Bình Định, Sở Công Thương tỉnh Bình Định đã có công văn gửi các chủ đầu tư, ban quản lý các hồ chứa thủy điện trên địa bàn chủ động theo dõi mưa lũ, vận hành điều tiết mực nước trong hồ để đảm bảo cắt, giảm lũ hạ du. Đặc biệt, các chủ đầu tư thủy điện cần có phương án đảm bảo an toàn, chủ động ứng phó với các nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.
Đối với các công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa thủy điện và các công trình thủy điện đang thi công dở dang cần có phương án đảm bảo an toàn, cương quyết không để người, vật tư, thiết bị ở khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở mất an toàn.
Sở Công thương Bình Định đề nghị các nhà máy thủy điện cần tổ chức trực ban 24/24 để theo dõi thường xuyên tình hình, diễn biến mưa lũ để chủ động có phương án phối hợp với chính quyền đảm bảo an toàn.
Chiều cùng ngày (12-9), ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết, dự báo ngày 13 đến 14-10, tại địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục đón đợt mưa lớn với lưu lượng kỷ lục có thể đạt trên 500–600mm. Đây được dự báo là đợt mưa lịch sử tại Bình Định, nguy cơ sạt lở, ngập lụt được cảnh báo rất cao.
Ngay trong ngày 12-10, ngành thủy lợi Bình Định yêu cầu hồ thủy điện, thủy lợi Định Bình duy trì xả nước 900m³/s để đưa mực nước hồ này về mức an toàn nhất để đón mưa lũ mới. “Các hồ chứa đều nhận lệnh chuyển sang vận hành để điều tiết lũ, giảm và cắt lũ hạ du không được tự ý tích nước”, ông Chương cho biết.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cũng phát đi thông báo lũ trên sông Kôn duy trì dưới báo động 3, cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét tại các địa phương miền núi, trong đó huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh… Các địa phương vùng thấp trũng hạ du sông Kôn, sông Hà Thanh cần có phương án sơ tán dân, thông báo tình hình mưa lũ để kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó.
Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định cho biết, ảnh hưởng của mưa lũ nên trong ngày toàn tỉnh có khoảng 42.200 học sinh không thể đến trường; trong đó: tại TP Quy Nhơn có 14.449 học sinh, thị xã An Nhơn có 7.370 học sinh, huyện Tuy Phước có 6.173 học sinh, thị xã Hoài Nhơn có hơn 3.000 học sinh, huyện Vân Canh có 6.241 học sinh.
Bà Nguyễn Thị Mộng Loan, Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, do nước lũ rút quá chậm nên nhiều khu vực dân cư của phường này vẫn còn bị ngập lụt, chia cắt. Một số tuyến đường, ruộng đồng, nương vườn của người dân đang ngập sâu nên chưa thống kê thiệt hại cụ thể sau trận mưa lớn gây ngập lụt vào chiều tối 11-10.
Theo bà Loan, trận mưa vừa qua khiến cho khoảng 5.000 hộ dân (trên 23.000 người dân) có nhà bị ngập nước, cô lập. Thời điểm mưa lớn nước lên cao, có nhiều vị trí ngập sâu từ 1–2m. Tại sông Hà Thanh nước lũ chảy mạnh địa phương phải sơ tán khẩn cấp hàng chục hộ dân ven sông.
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, mưa lũ đã khiến 1 nhà dân ở phường Quang Trung bị sập 1 phần, không thiệt hại về người. Tại huyện Vân Canh, mưa lũ gây sa bồi thủy phá diện tích ruộng đất khoảng 3.500m² (xã Canh Vinh), gây sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến đường, tràn với chiều dài khoảng 170m, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng khoảng 90m.
Tại huyện An Lão có 4 hộ dân nguy cơ cao trong vùng sạt lở phải sơ tán khẩn cấp. Mưa lũ cũng gây sạt lở 635m³ đường giao thông, hư hỏng 45m³ đường bê tông. Mưa lũ cũng gây sạt lở nặng nề cho huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định).
* Tại Quảng Ngãi, chiều ngày 12-10, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi có báo cáo nhanh số 4 về tình hình triển khai công tác ứng phó mưa lũ tính đến 17 giờ cùng ngày.
Theo đó, hồ thủy điện Đakđrinh có mực nước hồ chứa đang ở cao trình 407.52m/410m (mực nước dâng bình thường), dung tích khoảng 227,08 triệu m³ (91,38%). Hồ chứa nước Nước Trong cũng có mực nước đang ở cao trình 125.26m/129.5m (mực nước dâng bình thường), dung tích đạt khoảng 242,96 triệu m³ (83,92%).
Hiện, cả 2 hồ chứa đang thực hiện vận hành điều tiết để đưa dần mực nước hồ về giá trị mực nước cao nhất trước lũ theo chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tại Lệnh vận hành số 156/PCTTTKCN hồi 10 giờ 30 phút ngày 12-10.
Mưa lớn kéo dài từ ngày 9-10 đến 11-10 dẫn đến lũ trên các sông lên nhanh, đến hiện tại thì lũ trên các sông đã xuống mức báo động 1.
Tổng số hồ chứa thủy lợi hiện có là 126 cái gồm 121 hồ chứa có tràn tự do, 5 hồ có cửa van điều tiết. Tính đến 15 giờ ngày 12-10, dung tích các hồ chứa thủy lợi đạt trung bình khoảng 75,2% (hồ có tràn tự do khoảng 72,3%, hồ có cửa van điều tiết khoảng 75,5%). Trong đó, có 57 hồ có tràn tự do đạt 100% dung tích, 1 hồ chứa có cửa van điều tiết đạt 100% dung tích.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có công điện ứng phó vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, lúc 13 giờ ngày 12-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,2-14,2 độ Vĩ Bắc, 116,3-118,3 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên thành ATNĐ. Vùng biển Quảng Ngãi khả năng từ đêm 13 đến 14-10 có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, vùng ven biển cấp 6-7, giật cấp 8. Đồng thời, khả năng từ chiều tối ngày 13 đến 16-10 trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một đợt mưa to đến rất to và dông, với tổng lượng mưa phổ biến 200-500mm/đợt, có nơi trên 600mm/đợt.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cảng vụ Hàng Hải, Chi cục Thủy sản, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến vùng áp thấp, thông báo kịp thời cho tàu thuyền chủ động phòng tránh, neo đậu an toàn.
Các địa phương lưu ý trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất lớn, hiện mực nước trên các sông đều ở mức cao, do đó nếu có xảy ra mưa lớn vào thời gian tới, nguy cơ trên các sông sẽ xảy ra lũ lớn, trên vùng núi sẽ tiếp tục gia tăng nguy cơ sạt lở, lũ quét.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức khắc phục các thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở đất thời gian qua, ưu tiên khắc phục về dân sinh và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo ổn định đời sống người dân.
Các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà, khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Vệ, Trà Câu, Phước Giang, Thoa, Trà Bồng tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn và thị xã Đức Phổ.
Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn, chỉ đạo các chủ đầu tư các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình trên sông, suối, vùng ven biển chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình, người lao động.
Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi, Chủ các hồ chứa thủy điện theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trong lưu vực công trình, triển khai vận hành hồ chứa theo đúng quy định vận hành đã được phê duyệt.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//mien-trung-khan-truong-chu-dong-ung-pho-voi-mua-lu-848478.html