Miền Trung mưa lớn dồn dập, nhiều hộ dân phải sơ tán

Những ngày qua, tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Bình Định đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, ngập lụt cục bộ, chia cắt giao thông. Một số khu dân cư vùng thấp, trũng, ven sông suối bị cô lập do ngập sâu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Trong khi đó, theo dự báo, trong 2-3 ngày tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh có thể xảy ra gió mạnh trên biển, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Trung Bộ. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ.

Đất đá sạt lở làm hư hại cơ sở vật chất tại điểm trường Răng Chuỗi, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quangnam.gov.vn

Đất đá sạt lở làm hư hại cơ sở vật chất tại điểm trường Răng Chuỗi, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: quangnam.gov.vn

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lũ làm ngập một số tuyến tỉnh lộ 1, 2, 3, 5, 8A, 12B, 12D, 15B, 19 và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại thành phố Huế, huyện Hương Thủy và huyện Quảng Điền. Do ngập lụt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 25/11. Mưa lớn trong nhiều ngày cũng khiến đất đá bão hòa nước, một số khu vực xảy ra sạt lở, làm 2 người bị thương. Qua kiểm tra, rà soát, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải sơ tán 174 hộ/507 người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu đến nơi an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, tình hình mưa lũ trên địa bàn vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Qua theo dõi ở thượng nguồn, mưa rất to, lưu lượng về hồ tăng nhanh, các hồ chứa hầu như đã đạt mực nước dâng bình thường, đang thực hiện chế độ vận hành lưu lượng đến hồ tương đương lưu lượng vận hành về hạ du. Đặc biệt, hiện nay, một số người dân dùng phương tiện nổi tự chế, ghe, thuyền di chuyển qua các đoạn đường ngập nước; trên thuyền không có trang bị vật nổi, người không mặc áo phao; bơi lội, di chuyển qua các khu vực ngầm tràn, ngập lũ, nước chảy xiết. Các vùng ngập lụt nước dâng cao, chảy mạnh, gió lớn, gây nguy cơ mất an toàn, xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước.

Để đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa lũ, ngày 26/11, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai các nội dung Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 25/11/2024 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền cho nhân dân về đảm bảo an toàn khi di chuyển trên sông, hồ và vùng ngập nước trong thời gian mưa lũ.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn đã làm sạt lở 25 điểm đường (quốc lộ 40B, 24C, đường huyện và một số đường liên xã). Các lực lượng chức năng đang tập trung máy móc để sửa chữa. Tính đến chiều 25/11, một số tuyến đường đã được lưu thông trở lại nhưng còn khó khăn. Bên cạnh thiệt hại về giao thông, mưa lớn trên diện rộng đã khiến nhiều khu vực dân cư ở Quảng Nam bị đe dọa mất an toàn do sạt lở. Nhằm chủ động ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn cho người dân, ngay trong đêm 24/11, chính quyền huyện Bắc Trà My đã huy động Công an, Quân đội triển khai sơ tán 138 hộ dân/523 người sống tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Trong khi đó, tại huyện Nam Trà My, mưa lớn nhiều ngày qua khiến một phần công trình điểm trường Răng Chuỗi (thôn 2, xã Trà Tập) bị sập tường do sạt lở taluy dương. Sự việc xảy ra chiều 24/11, đất đá từ taluy dương phía sau tràn xuống làm sập một mảng tường lớn, sau đó tiếp tục tràn vào lớp học, gây hư hại nhiều đồ dùng học tập.

Sau 3 ngày hứng chịu mưa lớn, nhiều tuyến đường, bờ kè tại tỉnh Quảng Ngãi đã bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Trong đó, mực nước trên sông Trà Câu, thị xã Đức Phổ lên trên mức báo động 3, gây sạt lở, hư hỏng kè sông Trà Câu, đoạn qua tổ dân phố 1, phường Phổ Minh với chiều dài 15m; khoảng 70 nhà dân tại khu vực này bị ngập sâu cục bộ từ 0,5 đến trên 1m. Trước tình hình trên, ngay trong chiều tối 23/11 và sáng 24/11, thị xã Đức Phổ đã huy động các lực lượng tổ chức di dời, sơ tán 15 hộ/30 khẩu vùng ngập sâu đến nơi an toàn. Thống kê sơ bộ, mưa lũ những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã làm hư hại 1 kè, 10 tuyến kênh, 2 cống, 16 đập dâng, 1 nhà văn hóa. Hiện, chính quyền địa phương và người dân đang tập trung khắc phục hậu quả.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 25/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 120/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Trung Bộ tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận các khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị thiếu đói. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chủ động cảnh báo, tổ chức di dời dân cư, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, các đối tượng yếu thế ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập; sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp, vệ sinh môi trường, khôi phục nhanh các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất, kinh doanh ngay sau mưa lũ.

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng huy động thiết bị bay không người lái hỗ trợ địa phương khảo sát các khu vực xung yếu để kịp thời phát hiện vết nứt, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét nhằm cảnh báo sớm và có biện pháp phòng ngừa, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương chỉ đạo vận hành khoa học, an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, đồng thời lưu ý chủ động tích đủ nước cuối mùa lũ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mien-trung-mua-lon-don-dap-nhieu-ho-dan-phai-so-tan-post483935.html