Miền Trung mưa to, vừa ứng phó với bão số 5, vừa đảm bảo phòng chống dịch
Các tỉnh, thành phố miền Trung khẩn trương ứng phó với bão số 5, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng 11/9, tại thành phố Đà Nẵng mưa to, gió giật mạnh, một số công trình đang xây dựng ngập úng cục bộ. Chính quyền các địa phương huy động lực lượng vũ trang, vận động người dân giúp những hộ đi cách ly chằng chống nhà cửa ứng phó với bão. Ngành Y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm người dân vùng phong tỏa, các khu dân cư “vùng đỏ” trước khi đưa dân đi sơ tán tập trung. Người dân “vùng xanh” sống gần khu vực ven biển cũng chủ động chằng chống nhà cửa từ chiều qua.
“Chúng tôi đã xúc cát và đưa cây ra chặn cửa vừa chủ động phòng chống dịch vừa phòng chống bão. Khách sạn chúng tôi có công trình cũ, còn nhiều xà bần chưa đổ đi được nên giờ tận dụng lại đóng hết vào bao đưa lên chèn cửa để chống bão”- anh Nguyễn Đức Quân, nhân viên khách sạn Seldemer, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết.
Sáng 11/9, các chiến sĩ Vùng 3 Hải quân đã chủ động giúp dân khu vực ven biển thành phố Đà Nẵng phòng, chống bão số 5 theo phương châm “4 tại chỗ”. Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn công tác Vùng 3 Hải quân vừa tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Lực lượng này đang giúp đỡ nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Minh chằng chống nhà cửa, di chuyển hơn 50 thuyền, thúng đánh cá các loại về nơi trú bão an toàn.
“Chúng tôi được sự yêu cầu của các địa phương nên đã cử lực lượng tham gia trợ giúp ngư dân đưa thúng mủng, tàu thuyền về bờ an toàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia chằng chống nhà cửa cho bà con nông dân”- Đại úy Nguyễn Văn Hậu, Trợ lý kỹ thuật, Trung tâm đảm bảo kỹ thuật Vùng 3 Hải quân cho biết.
Sáng 11/9, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cử nhiều đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với bão số 5, kiểm tra phương án phòng chống dịch khi sơ tán dân đi tránh bão. Thành phố đã cho phép tạm thời mở cửa cảng cá Thọ Quang để đón tàu thuyền và ngư dân đánh bắt trên biển vào trú tránh bão.
Hiện tại Âu thuyền cảng cá Thọ Quang có khoảng 700 phương tiện với hơn 1000 ngư dân vào tránh trú. Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với Ban quản lý cảng cá dùng ca nô kêu gọi, hướng dẫn ngư dân đưa tàu tuyền vào neo đậu an toàn. UBND quận Sơn Trà phối hợp với Ban Quản lý Âu thuyền và Thọ Quang sử dụng trụ sở Ban quản lý cảng cá và 2 trường học gần đó để sẵn sàng sơ tán các thuyền viên lên bờ tránh bão; phối hợp với ngành y tế test nhanh Covid-19 đối với các thuyền viên trước khi đưa họ lên bờ tránh bão.
Sáng 11/9, đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại một số nơi trọng yếu của thành phố, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng phải đảm 2 mục tiêu vừa an toàn chống bão, vừa chống dịch Covid-19.
“Riêng tàu mới vào đề nghị phải bố trí một khu vực riêng, tổ chức test nhanh cho thuyền viên để đảm bảo an toàn. Trước mắt, giao cho họ tiếp tục ở dưới tàu để trông giữ tàu. Ban quản lý cảng cá phải đảm bảo các điều kiện lương thực, thực phẩm, nước uống cho họ. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, không để ngư dân tự ý lên bờ vào những thời điểm khi chưa có quyết định cho phép họ lên bờ.”- ông Nguyễn Văn Quảng cho biết.
Từ đêm qua đến sáng nay (11/9), tỉnh Quảng Bình có mưa nhỏ, gió nhẹ. Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh này có mưa lớn làm nhiều vị trí trên các Quốc lộ 12A, Quốc lộ 15, Quốc lộ 9C đi cửa khẩu Chút Mút bị sạt lở đất đá gây tắc đường. Lực lượng chức năng đang tập trung máy móc, thiết bị để đào phá đá, hốt dọn, thi công để thông tuyến.
Ứng phó với bão số 5, tỉnh Quảng Bình dự kiến sơ tán hơn 29.000 hộ với hơn 108.000 người dân ở các khu vực nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông khi bão mạnh đổ bộ. Tỉnh Quảng Bình cũng rà soát lại tình hình tại các khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến, thiết lập các phương án để bảo đảm phòng, chống dịch trên phương châm “4 tại chỗ”; các khu cách ly ở vùng thấp trũng, có nguy cơ bị ngập sâu đã dự phòng phương án di dời đến nơi an toàn. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đã chỉ chỉ đạo từng địa phương thiết lập, công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin, cứu hộ cứu nạn và có các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất.
“Phòng chống giảm nhẹ thiên tai lần này phải gắn chặt chẽ với phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối nhất cho nhân dân, cho lực lượng tuyến đầu, lực lượng làm nhiệm vụ. Hệ thống điều trị ngành y tế, hệ thống cách ly tập trung, ủy ban nhân dân các xã phường, thị trấn đảm bảo công yêu cầu phòng chống dịch nhưng cũng đảm bảo “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, không để sơ suất nhà cửa sập, tốc mái liên quan đến tính mạng của người dân và bệnh nhân đang điều trị.”- ông Trần Thắng cho biết.
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn gây sạt lở, cuốn trôi hệ thống cống đập tràn Sê Pu tại bản Sê Pu, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa làm ách tắc giao thông. Ngầm tràn trên tuyến đường vào thôn Tri và bản Cuôi, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa bị gãy và cuốn trôi.
Sáng 11/9, tại các vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa nhỏ. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương đang giãn cách xã hội khi triển khai phương án tránh bão, nếu trường hợp buộc phải di dời phải đảm bảo 5K. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận huyện Phú Vang cho biết: Để phòng chống bão số 5, xã Phú Thuận đã lên phương án di dời 150 hộ dân ở vùng xung yếu, sạt lở ven biển đến nơi an toàn.
“Đối phó với bão số 5, địa phương cũng đã sẵn sàng phương án di dời dân, trên cơ sở đó rà soát trên địa bàn có 151 hộ, 672 khẩu nằm trong vùng thấp trũng, xung yếu ven bờ, sông đầm để di dời. Phương án dchúng tôi sẽ di dời đến những địa điểm cố định như trường học, nhà văn hóa của các thôn. Trước mắt chúng tôi tập trung cho vùng xung yếu của thôn Tân An, ở đây có 21 hộ phải di dời khẩn cấp, trong sáng hôm nay chúng tôi đang tập trung vận động các hộ dân đến nơi an toàn.”- ông Đặng Tiến Tùy cho biết.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã sắp xếp các khu ở tạm cho ngư dân các nơi vào trú tránh. Nếu ngư dân ở lại nhiều ngày sẽ được triển khai xét nghiệm Covid-19. Từ 17h ngày 10/9, Quảng Nam cũng cấm mọi hoạt động trên biển. Tất cả chủ tàu và ngư dân đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và tránh trú an toàn.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ đêm qua đến sáng nay (10/9) có mưa to và gió lớn. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án ứng phó, đảm bảo an toàn cho người trong mưa bão, đặc biệt là các khu vực phong tỏa, điều trị bệnh nhân Covid-19. Riêng khu vực phong tỏa xã biển Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi có gần 20.000 dân, chính quyền địa phương chuẩn bị sẵn sàng di dời 50 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu khu vực nguy cơ cao đến nơi trú tránh an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch. Còn tại đảo Lý Sơn, rạng sáng 11/9 có mưa to, gió mạnh cấp 6-7 giật cấp 10. Hàng trăm tàu thuyền và lồng bè của ngư dân đã vào nơi neo trú an toàn.
“Hiện nay, ở Lý Sơn gió cấp 8 đến cấp 10, hoa màu của bà con cũng đã bị thiệt hại hơn 30% trong số 300 héc ta, chủ yếu là hành tỏi. Các công trình trên địa bàn qua kiểm tra thực tế đến sáng nay vẫn đảm bảo, tàu thuyền lồng bè nuôi trồng thủy sản đã vào bờ neo đậu an toàn. Hiện nay, bão đang còn diễn biến nên các lực lượng đang tiếp tục theo dõi"- bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết./.