Miền Trung nỗ lực phòng chống cháy rừng
Miền Trung đang cao điểm mùa nắng nóng, nhiệt độ luôn ở mức 40oC, có nơi 41-42oC. Mới đây, một vụ cháy rừng bùng phát tại Hà Tĩnh khiến 15ha rừng trồng bị thiêu rụi. Trước tình hình này, các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã gấp rút triển khai nhiều giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ rừng.
Sẵn sàng “4 tại chỗ”
Trưa 31-5, khu vực núi Động Nỏ (xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bùng cháy, hơn 450 người cấp tốc được huy động đến hiện trường dập lửa. Do khu vực rừng xảy ra cháy trải dài, vị trí cao, địa hình đồi núi phức tạp, thực bì dày, gió thổi mạnh cộng với thời tiết nắng nóng gay gắt… khiến việc dập lửa gặp nhiều khó khăn. Mãi đến chiều tối cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt nhưng 15ha rừng trồng bị thiêu rụi.
Để tránh không có thêm vụ cháy rừng diễn ra, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, hiện đã có 21/21 chủ rừng, 112 xã có rừng và 19.454 chủ rừng hộ gia đình đã hoàn thiện xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) theo đúng quy định. Toàn tỉnh đã hoàn thiện việc củng cố, kiện toàn 179 Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững, thành lập 252 tổ đội bảo vệ rừng, PCCCR các cấp với 7.278 người tham gia và có phương án huy động lực lượng PCCCR cấp tỉnh với 500 người. Toàn tỉnh cũng đã làm mới, tu sửa được 189,13km đường băng cản lửa, 19 chòi canh lửa, 248 biển tường cố định; bảo dưỡng, mua sắm 603 máy thổi gió, 135 cưa xăng và các công cụ, dụng cụ khác sẵn sàng phục vụ công tác PCCCR...
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đến nay, ngoài chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”, duy trì trực ban, trực gác tại các điểm chốt, bám nắm địa bàn, ngành Kiểm lâm Hà Tĩnh cũng đã được đầu tư mua sắm, lắp đặt 4 bộ camera cùng 2 máy flycam chuyên dụng hàng trăm triệu đồng nhằm phát hiện sớm, giám sát lửa rừng. Hiện nay, đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thẩm định giá để mua sắm, lắp đặt thêm 6 bộ camera mới, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống (Nghệ An), cho biết, hiện đơn vị chưa có điều kiện ứng dụng công nghệ vào công tác PCCCR, lực lượng mỏng nên gặp không ít khó khăn. Trong khi đó tại Quảng Bình, ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, thông tin, hơn 500 ban cấp bách PCCCR được thành lập từ thôn bản đến các ban quản lý rừng, lâm trường, chủ rừng là hộ gia đình có từ 10ha trở lên nhằm tăng lực lượng PCCCR trước mùa nắng nóng. Ban cấp bách này là “tai mắt” giữ rừng rất hiệu quả.
Bảo vệ khu bảo tồn
BTTN Pù Huống là một trong 2 khu bảo BTTN của tỉnh Nghệ An. Địa bàn này rất rộng (thuộc các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương), chính vì vậy, công tác PCCCR luôn được đặt lên hàng đầu. Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ vùng trọng điểm cháy ở các tiểu khu thuộc xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông), xã Nga My và Xiêng My (huyện Tương Dương), xã Diên Lãm và Châu Hoàn (huyện Quỳ Châu), xã Quang Phong (huyện Quế Phong), khu vực vùng đệm tiếp giáp với vùng nghiêm ngặt thuộc huyện Quỳ Hợp…
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống, cho biết, đơn vị đã sớm xây dựng kế hoạch PCCCR gồm 1 đội và 6 tổ với 52 thành viên, do giám đốc ban quản lý làm trưởng ban chỉ đạo. Các đơn vị tổ, đội luôn đảm bảo ít nhất 70% quân số để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và PCCCR. Đơn vị đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương và đặc biệt là nhờ “tai mắt” nhân dân trong vùng để tạo thành “thế trận” PCCCR với phương châm phòng là trên hết, khi có sự cố xử lý tình huống nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trong khi đó, ông Phan Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tại di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, địa bàn còn 125.000ha rừng đặc dụng, 200.000ha rừng vùng đệm, cho biết, các đường mòn lối mở và rừng luôn có người trực canh 24/24 giờ; phối hợp bộ đội biên phòng để tuyên truyền người dân các xã biên giới Thượng Hóa, Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) về PCCCR một cách triệt để.
“70% kiểm lâm viên túc trực 24/24 giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật để phát hiện, ngăn chặn sớm nguy cơ cháy rừng. Ngoài 11 trạm quản lý bảo vệ rừng bố trí tại các vị trí phù hợp, 1 đội kiểm lâm cơ động, vườn còn phối hợp Nhóm Bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam để PCCCR. Thành viên của nhóm và kiểm lâm viên của vườn hợp thành từng nhóm 6-7 người đi tuần tra rừng thường xuyên, mỗi chuyến ít nhất 7 ngày, nhiều nhất 10-12 ngày nhằm bảo vệ cảnh quan rừng thường xanh khỏi giặc lửa mùa khô”, ông Thái cho biết.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-no-luc-phong-chong-chay-rung-post692249.html