Miền Trung: Nỗi lo sạt lở, xâm thực bờ biển mùa mưa bão
Mùa mưa bão vừa qua, dọc bờ biển miền Trung xảy ra nhiều hiện tượng sạt lở, xâm thực nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Tại Quảng Ngãi, bờ biển thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vừa qua đã xảy ra sạt lở, xâm thực bờ biển. Cụ thể mới đây, triều cường dâng cao chưa từng thấy đã làm cho hàng trăm hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng.
Ông Bùi Ngọc (74 tuổi), trú xóm Châu Tân, thôn Châu Me cho biết, gia đình ông sinh sống ở vùng đất này từ lâu nhưng chưa năm nào thấy tình trạng biển xâm thực mạnh như năm nay. Cơn bão số 4 vừa qua, gây sóng to, gió mạnh, nước dâng cao và làm xói mòn bờ biển ngày càng nhiều hơn.
"Trước đây còn có một bãi cát dài. Mép biển lúc đó còn cách khu dân cư tới 300-400 m. Bây giờ, mép biển vào gần lắm và ngày càng lấn sâu vào khu dân cư. Tình trạng này làm người dân trong thôn rất lo lắng nên chỉ mong chính quyền địa phương sớm tìm giải pháp khắc phục, chống xâm thực biển để người dân yên tâm sinh sống", ông Ngọc mong muốn.
Cùng ở thôn Châu Me, chị Nguyễn Thị Tình (38 tuổi) cho hay, những năm gần đây, mỗi khi sắp có mưa bão, gia đình chị cũng như các hộ dân xung quanh phải dọn đồ đạc, sơ tán để đảm bảo an toàn. Riêng từ tối ngày 19/10 đến 20/10, thủy triều dâng cao, xâm thực sâu vào đất liền đến hàng trăm mét tính từ mép biển, cuốn trôi nhiều thửa đất canh tác của người dân.
"Năm ngoái, triều cường cũng đã cuốn gần 100m đất trong vườn nhà. Lo tình trạng này còn phức tạp, tôi vay mượn tiền để mua vật liệu xây bờ tường chỗ hàng rao gồm 5 lớp gạch, chạy dọc theo tuyến đường dẫn ra biển với chiều dài khoảng 90 m để ngăn sóng", chị Tình cho hay.
Ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước mắt địa phương sẽ tham vấn các cơ quan dự báo thời tiết để có cảnh báo sớm giúp người dân gia cố vườn tược và có giải pháp di dời khi biển có sóng cao. Còn về lâu dài phải xây dựng tuyến đê kè chắn sóng; địa phương sẽ có báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư để bảo vệ người dân, chống triều cường xâm thực.
Tại Hội An, tỉnh Quảng Nam, dù cơn bão NESAT (bão số 6) suy yếu trước khi vào bờ, tuy nhiên ảnh hưởng của bão khiến nhiều đoạn bờ biển bị xâm thực nặng nề.
Tại khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP. Hội An nhiều nhà dân và nhà hàng bị sóng đánh tan hoang, sóng biển khoét mạnh vào móng nhà, tạo thành hàm ếch sâu hơn 2 mét khiến nhiều ngôi nhà tại khu vực tiếp tục đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ghi nhận đã có 5 ngôi nhà tại khu vực này bị sóng biển đánh sập, thiệt hại.
Chị Nguyễn Thị Hường, một hộ dân sinh sống nơi đây cho biết: "Vào tối 19/10 tôi chứng kiến từng đợt sóng cao khoảng 3 m "ngoạm" vách nhà; lo sợ triều cường sẽ gây ngập sâu, gia đình tôi quyết định sơ tán đến nhà bà con trú tránh, sáng hôm sau quay trở về xem tình hình thì cảnh tượng trước mắt là căn nhà đã bị hư hỏng; nước biển ăn sâu vào bên trong, gây xói lở nền móng, gần như nhà nào cũng bị kéo sập một nửa".
Các hộ dân kinh doanh nơi đây cho biết, cách đây 3 năm về trước tại đây cũng đã bị sóng biển đánh vào nhà. Cụ thể, trong đêm 14, rạng sáng 15/11/2020, sóng to gió lớn liên tục công phá, quật sập dãy nhà của 7 hộ dân.
Ông Đinh Dũng, Chủ tịch UBND phường Cẩm An, TP. Hội An thông tin, hiện chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân sơ tán đến nơi tránh trú để đảm bảo an toàn tính mạng, đồng thời, địa phương cũng đã báo cáo chính quyền địa phương về kiểm tra nhằm sớm đưa ra phương án khắc phục tình trạng xói lở bờ biển.
Tương tự tại TP. Đà Nẵng, mới đây do ảnh hưởng bão số 6, triều cường dâng cao và sóng từ sông Hàn đánh mạnh vào khu vực bờ kè đường Như Nguyệt (quận Hải Châu) làm hư hại hạ tầng giao thông tại các tuyến đường ở bờ Tây sông Hàn, đặc biệt là các tuyến giao thông ở khu vực cửa biển. UBND quận đã phải thông báo cho người dân kê cao tài sản, dựng rào chắn cảnh báo nguy hiểm ngay trong đêm đề phòng nước lên gây ngập.