Miền Trung, Tây Nguyên ứng phó sạt lở mùa mưa bão - Bài 2: Sẵn sàng di tản dân vùng sạt lở

Để hạn chế thương vong, các địa phương đã sẵn sàng di dời người dân vùng sạt lở đến nơi an toàn; kiểm soát chặt chẽ hồ đập; kiên cố hóa các điểm dễ sạt lở... Theo các chuyên gia, cần sớm có giải pháp căn cơ trong việc phòng ngừa, ngăn chặn sạt lở, giảm thiểu thiệt hại, trong đó phải đẩy mạnh trồng rừng nhằm giữ đất, bảo vệ dân cư.

 Lũ cát đỏ từ dự án Sentosa Villa đổ ập xuống đường ven biển Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận). Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Lũ cát đỏ từ dự án Sentosa Villa đổ ập xuống đường ven biển Mũi Né (TP Phan Thiết, Bình Thuận). Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Chủ động phòng ngừa

Bước vào mùa mưa bão, một số địa phương đã sẵn sàng di dời dân ở các điểm nóng sạt lở. Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) Võ Trung Mạnh cho biết, thời gian qua, huyện đã dành nguồn lực xây dựng khu tái định cư để ổn định đời sống cho hàng trăm hộ dân. Riêng một số điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, chưa có điều kiện bố trí tái định cư, huyện đã lên kế hoạch sẵn sàng di dời. Các phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm đã được chuẩn bị đầy đủ nhằm phục tốt nhất việc chăm lo cho người dân di dời, không để ai bị đói.

Còn theo UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), để phòng chống sạt lở vào mùa mưa, đơn vị đã yêu cầu các địa phương kiểm tra các công trình xây dựng, đặc biệt là những công trình nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao như taluy âm, taluy dương, sườn dốc. Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: kiên cố hóa taluy, sườn dốc; cấm xây dựng mới hoặc mở rộng các công trình; kịp thời di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Cũng tại khu vực Tây Nguyên, Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông Phạm Tuấn Anh, cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa và nguy cơ sạt lở đất tại các vùng xung yếu. Do đó, ban đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, cảnh báo người dân tại các điểm vùng trũng có nguy cơ ngập lụt, vùng xung yếu có nguy cơ sạt lở đất. Đối với các địa phương nằm ở vùng có nguy cơ sạt lở, địa phương phải lên kế hoạch ứng phó, sơ tán, di dời dân nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Trong khi đó, tại khu vực du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né, nơi có nhiều đồi cát có nguy cơ chực chờ sạt lở, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận Phan Dương Cường, cho biết, đã cảnh báo UBND TP Phan Thiết và đề nghị sớm có biện pháp di dời dân vùng bên dưới đồi cát. Tương tự, theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế Đặng Văn Hòa, toàn tỉnh hiện có 48 điểm thường xảy ra sạt lở đất. Riêng huyện miền núi A Lưới, khu vực Bốt Đỏ bị sạt lở đất dưới chân đồi, tạo các vết trượt dài xuống khu dân cư, nguy cơ xảy ra sạt lở lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân đang sinh sống tại khu vực này.

“Các khu vực nguy cơ sạt lở cao phải di dời dân, hạn chế xây dựng công trình nhà ở, hạ tầng đường sá, cầu đường. Đồng thời, xây dựng các công trình kè, neo và các giải pháp kỹ thuật khác để hạn chế sạt lở. Tuy nhiên, các giải pháp này cần kinh phí lớn và thực hiện theo lộ trình. Trước mắt, yêu cầu các địa phương tự rà soát các vị trí dễ xảy ra sạt lở để đưa ra cảnh báo, cần thiết có thể di dời dân cư sống dưới khu vực bị đe dọa bởi sạt lở đến nơi an toàn”, ông Hòa nói.

Nêu cao trách nhiệm

Các biện pháp dài hơi ngăn chặn sạt lở mùa mưa bão cũng đã được các địa phương tính toán đầu tư, triển khai. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cuối năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ tỉnh 280 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu do thiên tai gây ra. Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ kinh phí được hỗ trợ cho 11 dự án, công trình, trong đó phần lớn tập trung vào nâng cấp các khu vực đường giao thông tại quốc lộ 20, 27, khu dân cư dọc suối, bờ sông. Các dự án nếu sớm được triển khai xây dựng sẽ phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo lưu thông, ổn định đời sống người dân...

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum Phan Mười cũng cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị bảo dưỡng các tuyến đường, chuẩn bị sẵn phương tiện, vật tư để khi đường bị lấp do sạt lở, sẵn sàng điều động máy móc để thông xe sớm nhất, không để chia cắt giao thông. Đối với các tuyến đường do các huyện, thành phố quản lý, Sở GTVT có văn bản nhắc nhở, hướng dẫn địa phương chủ động phương án khắc phục khi xảy ra sự cố sạt trượt. Tại những dự án giao thông đang triển khai, sở đã yêu cầu chủ đầu tư nêu cao trách nhiệm, tuân thủ quy định đảm bảo giao thông mùa mưa bão.

Để ngăn ngừa hiểm họa “bom nước” từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum Lê Như Nhất, cho biết, sở đã yêu cầu các chủ đầu tư nhà máy thủy điện xây dựng và tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa vào mùa mưa bão. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư rà soát toàn bộ các hồ chứa để tu sửa; chuẩn bị sẵn sàng mọi phương tiện, vật tư để ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Nhằm đảm bảo các tuyến đường sắt thông suốt mùa mưa bão, tránh tình trạng sạt lở các hầm đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, bộ đang thực hiện dự án cải tạo, gia cố 11 hầm đường sắt Bắc Nam đang xuống cấp với kinh phí 7.000 tỷ đồng. Về lâu dài, Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị có trách nhiệm rà soát tổng thể các hầm đường sắt qua khu vực miền Trung, chủ động nắm bắt, xử lý các nguy cơ sạt lở vào mùa mưa.

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT, cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở đất ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua là do có quá nhiều công trình xây dựng ở khu vực xung yếu mà chưa tính toán đến kết cấu, hiện trạng đất. Vì vậy, để phòng chống sạt lở, cần tăng cường kiểm tra đối với những công trình xây dựng ở các vị trí xung yếu, dễ gây sạt lở để có phương án khắc phục. Bên cạnh đó, cần có giải pháp phủ xanh các thảm thực vật để tăng khả năng giữ đất, chống xói mòn; tăng cường các giải pháp phát triển rừng, đặc biệt là những khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra tình trạng đứt gãy, sạt lở để tăng khả năng giữ đất, đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường.

Nhóm PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-tay-nguyen-ung-pho-sat-lo-mua-mua-bao-bai-2-san-sang-di-tan-dan-vung-sat-lo-post744009.html