Miền Trung vừa nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 5, vừa chủ động ứng phó với lũ quét và sạt lở
Các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả bão và tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra.
Đà Nẵng ngập sâu, ít nhất 4 người tử vong
Sáng 15/10, Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng thông tin, đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do mưa lũ tại địa bàn.
Bão số 5 đã gây mưa to nhiều giờ liền cũng khiến thành phố Đà Nẵng nhiều nơi bị ngập nặng, hàng trăm nhà dân bị ngập nước, nhiều tuyến đường bị ngập sâu không lưu thông được, nhiều xe cộ bị chết máy phải bỏ lại trên đường, nhiều khu dân cư bị mất điện.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện theo địa bàn quản lý trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại trên địa bàn do bão số 5 và mưa lớn gây ra; vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, lũ; chủ động thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phương án tổ chức dọn dẹp, xử lý vệ sinh môi trường, rác thải cây xanh, hoàn thành trước ngày 17/10. Sở Xây dựng chỉ đạo khắc phục hệ thống cấp nước sinh hoạt, đảm bảo sinh hoạt và phục vụ sản xuất trên địa bàn, hoàn thành trước 17 giờ ngày 15-10; chỉ đạo khắc phục thiệt hại hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên toàn địa bàn thành phố, hoàn thành trước 17 giờ ngày 16-10.
Sở Công Thương làm việc với Công ty Điện lực Đà Nẵng khắc phục sự cố hệ thống điện bị hư hỏng, hoàn thành trước 17 giờ ngày 15/10, trong đó ưu tiên các khu vực quan trọng; Chủ động làm việc với Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, Sở Tài chính kiểm tra, xử lý bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra trường hợp găm hàng trục lợi do thiên tai.
Quảng Trị bị chia cắt do mưa lũ, di dời hàng chục nghìn hộ dân
Sáng 15/10, lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Trị lên nhanh do có mưa to đến rất to, gây ngập lụt và chia cắt giao thông ở nhiều tuyến đường tại huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, huyện Hải Lăng,...
Trong sáng 15/10, tỉnh đã sơ tán di dời 161 hộ với 567 người ở vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất ở các huyện: Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa đến nơi an toàn.
Tỉnh đã lên phương án tổ chức sơ tán dân gồm: Dự kiến cần sơ tán tránh lũ, ngập lụt trên toàn tỉnh là 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu; sơ tán di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét là 2.243 hộ với 8.921 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các xã phía Tây của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng; sơ tán di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất là 1.718 hộ với 6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh.
Hiện nay, lũ trên sông Ô Lâu đang lên ở mức báo động 2 đến trên báo động 3. Các sông khác mực nước đang dao động ở mức báo động 1 đến trên báo động 2. Dự báo trong 24 giờ tới, lũ trên các sông Ô Lâu, Thạch Hãn tiếp tục lên sau đó đạt đỉnh ở mức từ báo động 3 đến trên báo động 3. Các sông khác tiếp tục lên mức từ báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.
Trên tinh thần chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra ở địa bàn các huyện miền núi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị các địa phương bám sát, cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết để có giải pháp chỉ đạo kịp thời.
Lực lượng biên phòng, các huyện Gio Linh, Triệu Phong ngoài việc phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn thì cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền người dân không ở lại trên các tàu thuyền để đảm bảo an toàn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý các địa phương không được chủ quan, tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn trong mưa lũ, tránh trường hợp xảy ra các tai nạn đáng tiếc.
Quảng Nam nhiều tuyến đường huyết mạch bị ách tắc do sạt lở, ngập sâu
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, từ 19 giờ ngày 14 đến 5 giờ ngày 15/10 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến mưa rất to: Đại Sơn 205mm, cầu Hà Tân 202mm, Đại Hiệp 199mm, Đại Đồng 170mm…
Ngoài ra, gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên đã làm hư hỏng một số công trình của Nhà nước và nhân dân trong tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông đi lại và đời sống sản xuất của nhân dân trong tỉnh.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều tuyến Tỉnh lộ, Huyện lộ cũng bị ngập sâu nhiều đoạn trong nước khiến giao thông bị ách tắc, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của bà con nhân dân.
Cụ thể là các tuyến đường trọng điểm, có đông người và phương tiện lưu thông như: tại Km8+500, Km29+850, Km59+450 của đường ĐT.606 đã bị sạt lở taluy đường, đất tràn xuống mặt đường, phương tiện và người không thể lưu thông; tắc đường đoạn Km3+590 - Km4+500 do bị nước ngập sâu của đường ĐT.608; tắc đường đoạn Km36+400 - Km37+700 tuyến đường ĐT.611 do bị nước ngập sâu từ 0,5 - 0,7 m…
Giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh cũng bị hạn chế, ảnh hưởng, trong đó, các tuyến Hội An - Cù Lao Chàm (thành phố Hội An), tuyến ven bờ phí Tây Cù Lao Chàm và tuyến quanh xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành) vẫn ngừng hoạt động.
Để sớm ổn định tình hình giao thông, phục vụ nhân dân đi lại, sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, hiện nay, chính quyền, Sở, ban ngành các cấp đã và đang cùng với các lực lượng, hội đoàn thể trong tỉnh khẩn trương tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, cùng người dân sửa sang lại nhà cửa, vườn tược.
Thừa Thiên - Huế hàng nghìn nhà bị ngập, giao thông bị chia cắt nhiều đoạn
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, lượng mưa cực lớn từ ngày 14/10 đến sáng 15/10 đã gây ngập lụt sâu trên diện rộng, khoảng 11.200 ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng, giao thông nhiều đoạn bị chia cắt cục bộ.
Trên Quốc lộ 1A có 6 điểm bị ngập, đoạn qua xã Lộc Trì, Lộc Thủy (huyện Phú Lộc); Thủy Dương, Thủy Phương (thị xã Hương Thủy); đoạn Cống Bạc 1 (thành phố Huế). Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở tại xã A Roàng, huyện A Lưới. Ngoài ra, Quốc lộ 49B, các tỉnh lộ 4, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 19 bị ngập nhiều đoạn, từ 0,3-0,4m…
Mưa cường độ lớn cũng đã làm sạt lở đất vào 1 nhà dân tại xã Lộc Trì; 1 nhà dân bị đất đá chảy vào nhà xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, người dân trong nhà trước đó đã được đi sơ tán.
Trưa 15/10, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phan Thanh Hùng cho biết, dù mực nước đang có xu hướng giảm nhưng những địa bàn trọng yếu, thấp trũng như thành phố Huế, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Thủy vẫn còn ngập, nhiều điểm ngập nặng.
Ở các vùng bị ngập, cô lập, lực lượng công an, quân đội đã tiếp cận hiện trường để hỗ trợ người dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai công tác ứng phó với mưa lũ; tăng cường tuyên truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh phòng tránh tai nạn thương tích đuối nước có thể xảy ra trong và sau lũ; nghiêm cấm người không có áo phao cứu sinh lưu thông trên các phương tiện nổi trên sông, hồ, đầm phá; bố trí lực lượng kiểm soát, rào chắn, đảm bảo an toàn giao thông…
Khẩn trương thông tuyến đường sắt Bắc Nam qua miền Trung bị chia cắt bởi mưa lũ
Bão số 5, áp thấp nhiệt đới đã gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, chia cắt tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Nhiều vị trí kết cấu hạ tầng đường sắt bị hư hỏng nặng, sạt ta luy nền đường... khiến ngành Đường sắt phải phong tỏa khu gian dừng tàu, để sửa chữa, khắc phục hậu quả.
Đến trưa 15/10, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại. Cụ thể, nhiều đường ga bị nước ngập trên đỉnh ray trên 100 mm, hiện chưa rút, có nguy cơ ảnh hưởng đến nền đá và trạng thái đường sắt và đã được phong tỏa. có khu vực nền đường bị xói lở vào đến chân nền đá;...
Khu vực Km733+159 cửa Nam hầm Hải Vân có tình trạng đất đá, cây cối trôi lấp 12 m ngoài cửa hầm và tràn vào trong hầm. Lượng đất đang tiếp tục tràn xuống theo nước mưa.
Tình trạng sạt lở đất đá cũng khá nghiêm trọng. Tại Km766+936, đất đá sạt lở dài 20 m, cao 1,5 m, lấp đầy ghi N1+N3 ga Hải Vân; Km767+770, sạt lở, đất đá trôi vào lòng đường, chiều dài 15 m, cao 1,2 m khoảng 100 m3;...
Do mưa to, nước lớn, nên từ tối 14/10, tuần đường từ Lăng Cô đến Lệ Trạch không đi được, bị chia cắt.
Ngoài ra, các ga Văn Xá đã đình chỉ toàn bộ thiết bị điện, chuyển đổi phương pháp đóng đường do mức nước dâng cao ngập các hộp cáp, đã tháo toàn bộ các thiết bị tại 2 tủ ra ga, 2 tủ vào ga và 2 hòm biến thế để duy tu sửa chữa.
Về Vận tải, để đảm bảo an toàn cho hành khách và hàng hóa, VNR đã chủ động cho dừng tàu tại các ga dọc đường. Cụ thể: Dừng tàu SE7 tại ga Huế; dừng tàu SE1, SE3, SE5 tại ga Đông Hà; dừng tàu SE8 và SE22 tại ga Tam Kỳ. Các tàu hàng được giữ tại các ga dọc đường để đảm bảo an toàn...
Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố và mức độ hư hỏng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn VNR đã chỉ đạo các đơn vị tại chỗ chủ động giữ tàu khách, tàu hàng tại các ga dọc đường đảm an toàn; bãi bỏ 1 số đoàn tàu khách xuất phát tại Sài Gòn và Hà Nội ngày 15/10/2022.
Dự kiến phải chuyển tải hành khách một số đoàn tàu bằng ô tô trong khu vực từ Huế - Đà Nẵng; cử cán bộ trực tiếp kiểm tra thực tế hiện trường, xây dựng phương án cứu chữa khắc phục hậu quả thiệt hại theo đúng các quy định hiện hành.
VNR đã chỉ đạo các đơn vị ngay sau khi nước rút, khẩn trương cứu chữa, khắc phục hậu quả mưa bão, trả đường trong ngày 15/10. Khu gian từ Hải Vân Bắc – Hải Vân Nam do có địa hình phức tạp, phương tiện đường bộ không tiếp cận được hiện trường sạt lở, đây là vùng hay mất sóng điện thoại, nên công tác cứu chữa gặp nhiều khó khăn, VNR đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp đưa nhân lực và máy móc tiếp cận vị trí sạt lở, khẩn trương cứu chữa khắc phục trả đường.