'Miếng bánh ngọt' của ngành bất động sản
Bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của ngành bất động sản. Sự hấp dẫn của phân khúc này khiến nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bị chinh phục…
Được giới chuyên gia đánh giá là phân khúc triển vọng suốt thời gian qua, bất động sản khu công nghiệp ngày càng được doanh nghiệp cả trong và ngoài ngành bất động sản đẩy mạnh đầu tư.
Theo báo cáo từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 1/2023, nhu cầu thuê đất công nghiệp rất lớn và trong xu hướng tăng. Kho bãi, nhà xưởng xây sẵn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất; thương mại điện tử; máy móc, linh kiện điện tử.
Về mặt bằng giá, tại miền Bắc giá trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê còn miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê. Đối với loại hình kho bãi, nhà xưởng xây sẵn từ 4-5 USD/m2/tháng.
Trong khi tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp trung bình khoảng 75%. Cụ thể, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%.
ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ
Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG), ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị HDG cho biết, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) trong đó chú trọng vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Điều này, nhằm gia tăng quỹ đất và tạo dòng tiền kinh doanh ổn định của Hà Đô trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, Tập đoàn đã mở rộng và bước chân vào các loại hình bất động sản mới là bất động sản khu công nghiệp, nước sạch tại Hưng Yên, Long An, Ninh Thuận với quy mô khoảng 1.000ha đang được nghiên cứu lập quy hoạch.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng sẽ đẩy mạnh Ủy ban chiến lược phát triển, hợp tác đầu tư để đầu tư và bất động sản khu công nghiệp hiệu quả bền vững. Đồng thời, hoạt động của Ủy ban thủ tục pháp lý đầu tư phát triển cũng được chú trọng nhằm hoàn thiện pháp lý các dự án.
Tương tự, ông Cao Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã chứng khoán: PHC) cho biết, công ty cũng hướng tới tập phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp. Hiện nay, công ty đã tiến hành đầu tư và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 cụm công nghiệp Đình Lập, Lạng Sơn và đang tìm kiếm thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp.
Việc nhiều doanh nghiệp bất động sản tập trung vào mảng khu công nghiệp để kinh doanh là điều dễ hiểu, bởi đây là mảnh đất đầy tiềm năng và có lợi nhuận tốt. Đối với các ông lớn đầu tư khu công nghiệp họ vẫn đang tiếp tục ráo riết triển khai nhiều dự án mới và nắm trong tay quỹ đất lớn.
Điển hình là Tổng công ty IDICO (mã chứng khoán IDC), chia sẻ về tình hình phát triển của công ty, ông Phan Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc Tổng IDC cho biết, doanh nghiệp sẽ đầu tư gần 1.580 tỷ đồng vào hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư và mục tiêu cho thuê 145ha, bao gồm 105 ha đất tại công ty mẹ và 40 ha đất còn lại tại các công ty con. Đây là diện tích thu hút đầu tư mới trong năm 2024, không tính các ghi nhớ thuê lại đất đã ký từ năm 2023 chuyển sang hợp đồng thuê đất trong năm 2024.
Đồng thời, Tổng Công ty IDICO sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý để được triển khai dự án Khu công nghiệp Tân Phước 1 (quy mô 470 ha, tỉnh Tiền Giang) trong năm nay. Song song với đó, loạt dự án khu công nghiệp mới tại Hải Phòng, Ninh Bình cũng sẽ được đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục và hồ sơ pháp lý nhằm tạo quỹ đất khu công nghiệp hơn 2.000 ha cho các năm tiếp theo.
Đáng chú ý trong năm 2024 và 2025, lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh, đây là là thời điểm thuận lợi để IDICO chuẩn bị điều kiện, nắm bắt cơ hội phát triển các dự án khu công nghiệp tại những vị trí tiềm năng. Lợi thế của IDICO là các dự án khu công nghiệp đang nghiên cứu phát triển ở các địa phương giai đoạn 2025 - 2030 đang bám sát với quy hoạch của các tỉnh.
Tính đến cuối năm 2023, quỹ đất khu công nghiệp chưa cho thuê của tổng công ty là 580 ha, với mục tiêu cho thuê khoảng 120 - 150 ha/năm thì quỹ đất này đủ để dùng trong từ 3 - 4 năm tới. Trong khoảng thời gian này, tổng công ty cũng đã có kế hoạch phát triển quỹ đất thêm.
Còn Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã chứng khoán: SIP) đang có quỹ đất cho thuê còn hơn 1.000ha, trong đó một số diện tích đang được đền bù, giải phóng mặt bằng, tập trung chủ yếu tại khu công nghiệp Phước Đông, giai đoạn 2; khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 và khu công nghiệp lộc An - Bình Sơn…
Trong năm nay, công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự án bất động sản và có kế hoạch cho thuê đất, thuê xưởng tại các dự án trên. Hiện Sài Gòn VRG sở hữu tổng diện tích cho thuê nhà xưởng là 110.000m2 và tỷ lệ cho thuê nhà xưởng đã xây dựng đạt 90%.
DOANH NGHIỆP NGOÀI NGÀNH CẠNH TRANH
Không chỉ các doanh nghiệp bất động sản rót tiền vào khu công nghiệp, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng nghiên cứu, định hướng phát triển vào phân khúc tiềm năng này.
Đơn cử, Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) đang phát triển các khu công nghiệp ở Huế, Vĩnh Long và dự định phát triển thêm 5 khu công nghiệp tại miền Bắc. Theo lãnh đạo của Gilimex, sản xuất sẽ là động lực tăng trưởng cốt lõi của nền kinh tế, nên việc đầu tư bất động sản công nghiệp có vai trò quan trọng. Hơn nữa, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn trong việc đón làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào lĩnh vực công nghệ cao. Điều này sẽ mở ra cơ hội lớn với chính phân khúc bất động sản trên.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MB) đưa ra nhận định, triển vọng của lĩnh vực bất động sản công nghiệp thời gian tới tiếp tục đến từ điều kiện vĩ mô ổn định. Bên cạnh đó, việc nâng tầm quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và mới đây là Australia… đã và đang giúp Việt Nam gia tăng thu hút vốn FDI. Khi dòng vốn chảy mạnh vào nền kinh tế, các khu công nghiệp được xem như “thỏi nam châm” hút mạnh dòng tiền.
Như “ông lớn” ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng nhận được nhiều quan tâm. Các dự án gồm: Cảng Bãi Gốc, Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) cũng lấn sân sang mảng bất động sản thông qua việc bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê” vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.
Đánh giá về thị trường bất động sản khu công nghiệp, báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (mã chứng khoán: MBS) nhận định, triển vọng của lĩnh vực bất động sản công nghiệp thời gian tới tiếp tục đến từ điều kiện vĩ mô ổn định.
Việc nâng tầm quan hệ với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và mới đây là Australia… đã và đang giúp Việt Nam gia tăng thu hút vốn FDI. Khi dòng vốn chảy mạnh vào nền kinh tế, các khu công nghiệp được xem như “thỏi nam châm” hút mạnh dòng tiền.
Song, MBS dự báo, các khu công nghiệp truyền thống sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Thay thế cho nhóm này là các khu công nghiệp hướng tới yếu tố xanh và bền vững, các dự án công nghệ cao sử dụng nguyên liệu sạch, giảm phát thải khí carbon ra môi trường. Bởi lẽ, dòng vốn FDI trong giai đoạn này mang một hình thái mới với lựa chọn điểm đến có điều kiện để chuyển đổi xanh, phát triển bền vững…
Về vấn đề này bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao, CBRE chi nhánh Hà Nội cho rằng, 3 năm tới dự kiến giá thuê đất công nghiệp tăng 3 - 9%/năm ở miền Bắc và tăng 3 - 7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1 - 4%/năm.
Với việc Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với các nền kinh tế lớn trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế nói chung và ngành sản xuất cũng như bất động sản khu công nghiệp Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi và tiếp tục xu hướng phát triển.
Ngoài ra, bà An cũng lưu ý: “Để tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong khu vực, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện hạ tầng về đường xá kết nối, điện lưới, khu công nghiệp cũng như nâng cao chất lượng lực lượng lao động và điều chỉnh các chính sách ưu đãi phù hợp”.
Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/mieng-banh-ngot-cua-nganh-bat-dong-san-post552001.html