Miếng khi đói, gói khi no, của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng
Những ngày này, người dân cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu, không chỉ quyên góp tiền bạc, nhu yếu phẩm thiết yếu, mỗi người dân dù của ít lòng nhiều đều muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình.
Miếng khi đói
Gói bánh chưng vốn là công việc chỉ làm trong ngày Tết, nhưng những ngày này hơn 200 người dân ở xã La Phù - Hoài Đức - Hà Nội đã thức thâu đêm gói bánh chưng chuyển vào vùng lũ, với mong muốn những chiếc bánh thơm ngon này sẽ dễ sử dụng với bà con đang bị lũ lụt bủa vây. Tất cả nguyên liệu như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong đều do dân làng đóng góp. Gần 10 ngàn chiếc bánh chưng đầy đặn nghĩa tình này đã đến tay người dân vùng lũ. Nhiều người còn tự làm ruốc, muối vừng chuyển đến đồng bào miền Trung...
Nếu Hà Nội, nhiều tỉnh phía Bắc bà con làm bánh chưng ủng hộ miền Trung, thì ở Sài Gòn và nhiều tỉnh phía Nam, người dân gói bánh tét gửi đồng bào miền Trung đang trong cơn hoạn nạn. "Mình không có tiền thì góp công, bánh này bà con ăn được liền để có sức chống lũ"- cách nói chân tình, mộc mạc của người Sài Gòn như vậy đó.
Nơi hải đảo xa, những ngày này chị em phụ nữ huyện đảo Phú Quý - Bình Thuận đang tất bật rim mực, cá, soạn quần áo cũ chuyển vào đất liền 3.500 phần quà cho miền Trung thân thương. Chị em bảo nhau: đảo khó khăn, nhưng bà con miền Trung còn khó khăn hơn, nên chúng ta phải cố gắng... Chị em huyện đảo đã quyên góp được hơn 500 triệu đồng và hơn 300 kg cá khô, mực khô gửi tặng bà con miền Trung.
Ở TP Đông Hà - Quảng Trị có 240 chị em hội viên phụ nữ KP5 đã dùng tiền tổ chức liên hoan kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 để mua thực phẩm, nấu hơn 1.000 suất cơm cho bà con phải bỏ nhà cửa chạy lũ, đi sơ tán, không có điều kiện nấu ăn, nhiều người phải nhịn đói. Ngày phụ nữ 20/10 năm nay thật đặc biệt, không hoa, quà tặng, nhưng chị em đều vui vì được tự tay nấu các suất cơm nóng miễn phí cho bà con vùng lũ.
Tinh thần tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam ta luôn phát huy cao độ vào thời điểm khó khăn, nguy biến nhất. Trong đợt bùng phát dịch Covid - 19 vừa qua, đã nở rộ những cây: “ATM gạo", quán cơm 2.000 đồng, "siêu thị 0 đồng", những tủ bánh mì, nước uống miễn phí ven đường, nồi cháo, suất cơm từ thiện trong bệnh viện, hay vô vàn điểm phát khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn miễn phí... Lòng tốt, sự nhân ái của người Việt Nam gây ấn tượng mạnh với quốc tế, một người nước ngoài đã thốt lên: "Việt Nam không phải là đất nước phát triển nhất thế giới, nhưng chắc chắn là một trong những quốc gia nhân ái nhất".
Những ngày này, hàng triệu người Việt Nam từ tiểu thương, doanh nhân, nghệ sỹ, nhà sư, tăng ni phật tử, người lao động, cán bộ công chức và kiều bào ở nước ngoài, đang "nhường cơm xẻ áo" giúp miền Trung vượt qua trận lũ lụt lịch sử này.
Đặng Dũng