Miếng ngon lại nhớ về ba
Chị sinh ra trong gia đình đông con. Hồi đó kinh tế còn khó khăn, lo được bữa cơm no đâu phải dễ. Ba bị cụt mất một chân trong một trận đánh, thương binh, được xuất ngũ về, từ đó phải đeo chân giả.
Vậy mà má vẫn thương vì cái tính cần cù, nết ăn ở hiền lành của ba. Biết sức khỏe mình không bằng người ta, ba chọn nghề đan lưới, kéo chài kiếm cá, tôm bán nuôi con. Giờ rảnh, ba mua tre về chẻ, vót nan đan thúng, rổ… nhập cho mấy tiệm tạp hóa kiếm thêm ít đồng. Nhờ bàn tay khéo léo, thúng rổ ba đan luôn đắt hàng, cũng kiếm thêm được chút đỉnh mua gạo lo cho bầy con.
Mỗi ngày, ba canh con trăng, hễ trăng mọc là xách chài đi quăng. Anh hai theo ba, phụ gỡ cá, tôm. Hai ba con cần mẫn dọc theo con sông kiếm cá, tôm không kể ngày mưa gió hay đêm khuya. Chẳng hiểu vì sao ba luôn bắt được nhiều tôm cá hơn người ta, có lẽ nhờ tính cần cù chịu thương chịu khó. Mỗi lần ba về, má chong đèn dầu gọi mấy chị em gái dậy lựa cá, tôm phân loại. Mấy con tôm càng xanh, tôm sú to đùng nhìn phát ham. Má lựa riêng tôm to ra để bán, còn lại mấy con tôm nhỏ thì dành phần năm đứa con. Má biểu: ráng ăn tôm nhỏ đi, tôm to bán có tiền hơn dành mà đong gạo. Nghe má nói vậy mấy chị em dù thèm lắm cũng chỉ dám nuốt nước miếng dòm chừng chứ không dám khóc đòi ăn. Lựa cá tôm xong, mấy chị em người xách một mớ dò đường lên nhà bà Hai mé bên sông để bán. Bà Hai chuyên thu mua tôm cá, bây giờ người ta hay gọi là vựa chứ hồi đó thì còn nhỏ lẻ, manh mún, mua đi bán lại thôi.
Mớ tôm nhỏ rang lên, ba má dành phần cho năm anh em. Gạo đâu đủ để nấu cơm, má phải độn thêm bữa thì khoai lang, bữa thì khoai mì. Bữa cơm nào cũng vậy, má gạt phần cơm độn phía trên để riêng ba má ăn, còn phần cơm trắng phía dưới thì bới cho lũ con. Cả dĩa tôm ram cũng phần năm đứa con nốt. Hai vợ chồng chỉ ăn canh hay rau luộc chấm chút nước muối. Mấy anh em đang tuổi ăn tuổi lớn, lùa cơm cho thiệt nhanh sợ hết phần chứ đâu đứa nào quan tâm xem ba má ăn cái gì. Nồi cơm hết veo nhanh thiệt nhanh, có đứa còn thòm thèm liếm quanh cái chén. Má xoa đầu biểu ráng đi con, gạo nay mắc lắm hổng đủ tiền mua mà ăn no cành bụng được.
Cực khổ là vậy mà ba chẳng cho má làm gì nặng nhọc. Tất cả công việc ba đều giành làm hết. Thức khuya dậy sớm không quản nắng mưa, lúc nào hai tay ông cũng liên tục làm việc. Năm đứa con mình anh hai là con trai thì ông cho theo phụ, còn bốn chị em gái chỉ quanh quẩn làm việc nhà, phụ má trồng liếp rau dành ăn. Thời đó rau nhiều, nhà ai cũng trồng nên không mang chợ bán như bây giờ. Tới mùa giặm ruộng, có ai gọi thì má đi, phụ ba kiếm thêm ít đồng lo con cái.
Làm cực lại ăn uống kham khổ nên ba lâm bệnh mất sớm. Năm đó chị mới lên mười. Chị khóc cả tháng vì nhớ ba. Chị là con út nên được ba thương nhất, đi đâu cũng cồng kênh lên cổ, có gì ngon cũng dành phần cho chị trước. Cả khi đánh đòn mấy anh em, bao giờ đánh tới chị ba cũng cất roi mây đi thôi không đánh nữa. Giờ đột ngột ba mất, chị lăn lộn khóc gào gọi ba, bỏ cả ăn, cả chơi. Má phải dỗ hoài chị mới thôi khóc.
Sau khi ba mất, má thành trụ cột gia đình. Má theo người ta đi làm cỏ thuê, giặm ruộng, gặt lúa. Anh hai cũng đã lớn, nhờ học được nghề của ba nên đi chài lưới kiếm tôm, cá. Có điều anh không nhiều kinh nghiệm bằng ba nên tôm, cá ít. Thấy không ăn thua, anh bỏ nghề chài theo má đi làm mướn, phụ lo mấy đứa em. Thành ra năm đứa con mà chẳng đứa nào theo nghiệp của ba, cái nghề đan lưới chài cá, tôm, đan thúng rổ theo ba mất luôn từ ngày đó…
Thời gian cứ thế trôi nhanh thiệt nhanh, mới đó đã mấy mươi năm. Chị giờ đã ngót nghét năm mươi. Mỗi năm tới ngày giỗ ba, làm gì làm, má dặn tụi bây nhớ kiếm con tôm sú bự bự về luộc cúng ba bây, hồi đó ổng thích ăn tôm sú nhất. Mỗi lần nghe má dặn là chị ứa nước mắt, thương ba cả đời cực khổ, tôm sú chài về quá trời mà không dám ăn để dành bán kiếm tiền nuôi con, giờ không còn nữa bữa cơm cúng mới có tôm sú luộc. Bao giờ nhớ ba chị cũng thấy buồn, phải chi ba còn sống có miếng ngon ù té chạy qua cho ông nhấp nháp ly rượu. Ba mất sớm quá con cái còn chưa kịp báo hiếu. Mỗi lần ăn miếng ngon, lại thương nhớ ba, nước mắt tự nhiên rơi đầy, thầm gọi “Ba ơi!”. Ở trên cao đó, ba có nghe không?
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mieng-ngon-lai-nho-ve-ba-103670.html