Miệt mài cõng ước mơ con
Câu chuyện của Phạm Thị Nhí và mẹ đã trở thành câu chuyện đẹp nhất của Trường Cao đẳng Cần Thơ. Tình thương của mẹ, nỗ lực của con đã được đền đáp với tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng của Nhí
Nuôi con lớn khôn là một hành trình vất vả, đó là chưa kể không may trên cơ thể con có khiếm khuyết thì gánh nặng trên vai người cha, người mẹ lại càng tăng lên bội phần. Vậy mà đằng đẵng hơn 20 năm qua, có một người mẹ nghèo ở miền Tây Nam Bộ vẫn ngày ngày lặng lẽ là người bạn đồng hành cõng giấc mơ của cô con gái út nhiễm chất độc màu da cam, mắc chứng xương thủy tinh: hai chân co quắp, hai tay còng queo hoàn toàn không thể đi đứng, mong con nối dài giấc mơ con chữ.
Bóng ma da cam
Đó là cô Thị Ly (55 tuổi, quê Vị Thủy, Hậu Giang), người đã không quản nhọc nhằn cùng đi tìm ánh sáng tri thức cho con; là đôi chân, là nguồn động viên khích lệ giúp con đạt tới ước mơ chinh phục con đường học vấn trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Sống ở một làng quê nghèo gia cảnh khốn khó quanh năm làm mướn bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cô Thị Ly và chồng là chú Phạm Văn Ải chỉ biết chăm chỉ làm lụng. Ba đứa con đầu lần lượt chào đời khỏe mạnh nên hai vợ chồng càng cật lực sớm tối ai thuê gì làm nấy để kiếm tiền nuôi con.
Đến lần sinh thứ tư, may mắn đã không mỉm cười với gia đình khi em Phạm Thị Nhí (nay đã 22 tuổi) được chẩn đoán nhiễm chất độc da cam, hai chân còng queo không thể đi đứng còn hai tay co quắp vận động rất khó.
Thương con thiệt thòi bởi không thể sinh hoạt bình thường như những bạn bè đồng trang lứa, thân hình dị dạng chịu sự kỳ thị xa lánh của mọi người, cô Thị Ly nuốt ngược nước mắt phó mặc chuyện cơm áo cho chồng gánh vác, bồng con từ bệnh viện này đến thầy thuốc khác, xuôi ngược trên những chuyến xe khách từ quê lên Cần Thơ, TP HCM mong chạy chữa cho con với tâm nguyện: "Dù chỉ còn 1% cơ hội mẹ cũng ráng tìm lại đôi chân cho con đi lại, chạy nhảy".
Nhưng di chứng của chất độc hóa học đã ngấm sâu vào xương tủy Nhí không thể nào chữa khỏi. Nhiều lần hy vọng rồi thất vọng, hăm hở rồi dần buông xuôi. Mỗi lần nhìn những cơn đau hành hạ con mỗi đêm, chịu sự đọa đày về thể xác lẫn tinh thần, cô Thị Ly không thể nào cầm được nước mắt.
Thương con vẫn ham học và quyết lòng vượt lên số phận, cô Ly không chấp nhận để con sống cuộc đời của người tàn phế mà đã cùng con đấu tranh với hoàn cảnh nghiệt ngã, mạnh mẽ trở thành người bạn đồng hành của con trên hành trình sống và đi tìm chân trời mơ ước của mình.
Bạn đường của con
Để xin được cho Nhí vào lớp một, gia đình cô Ly đã phải dày công thuyết phục với nhà trường. Cơ thể Nhí yếu ớt thấp bé nhẹ cân, không thể vận động, không ai chắc rằng một cô bé như vậy có thể theo đuổi con đường chữ nghĩa. Nhưng cô Ly đã năn nỉ xin cho con nhập trường, cùng con đến trường.
Nhà nghèo không có phương tiện thuận lợi, mỗi ngày cô Ly đều phải dậy sớm chèo ghe đưa con đi học. Khi ghe tới nơi thì từ bến sông bồng con vào lớp. Những ngày Nhí học hai buổi, hai mẹ con phải nấu cơm mang theo. Giờ nghỉ trưa đậu lại đâu đó có bóng mát giở cơm ra ăn. Đến chiều, mẹ lại bồng con vào lớp rồi vạ vật chờ để đón con về.
Với thể trạng của mình, bản thân Nhí phải rất vất vả để theo kịp bạn cùng lớp trong khi phải chịu sự kỳ thị xung quanh. Không ít lần sức khỏe chống lại em, những tưởng con đường học vấn phải đành bỏ dở.
Đó là những lần gặp tai nạn do chứng xương thủy tinh dễ ngã, Nhí hết gãy tay phải lại gãy tay trái, những chấn thương liên tục phải nằm viện điều trị dài ngày. Tác dụng phụ của thuốc khiến trí nhớ em suy giảm dần đi, mỗi một lần từ viện trở về lại là một lần Nhí phải học làm quen lại với con chữ và cố gắng đuổi kịp bè bạn.
Không nản lòng, người mẹ vẫn động viên, ủng hộ và cùng con bước đi. Chỉ cần con còn muốn đến trường thì mẹ sẵn lòng bỏ hết mọi công việc để cùng con đến lớp. Cô Ly trở thành đôi chân của con, bất kể là học nhóm, học thêm, Nhí chưa bao giờ vì sự bất tiện của bản thân mà bê trễ.
Và kỳ tích đã xuất hiện khi ba năm trước Nhí thi đỗ vào Trường Cao đẳng Cần Thơ, chuyên ngành hệ thống thông tin. Với hoàn cảnh của Nhí, đó là giấc mơ đẹp nhất mà em chưa từng dám mơ tới. Đi trên đôi chân của mẹ, cuối cùng em đã vượt qua mười hai năm đèn sách mà những khó khăn gian khổ hai mẹ con đã trải qua không thể kể hết bằng lời.
Nhí đậu cao đẳng đi học xa nhà, gánh nặng lại càng đổ oằn trên vai chú Ải và cô Ly. Nhưng nhìn con hăm hở lạc quan với niềm tin phía trước là có một nghề nghiệp bàn giấy để tự lo được cho bản thân, cô Thị Ly đã khăn gói cùng con lên Cần Thơ nhập học. Lắm sự cảm thông nhưng cũng không ít lần chịu sự dè bỉu. Cô Ly mặc dù ít chữ nghĩa nhưng vẫn nhủ lòng: "Thà bồng con một đoạn để con có kiến thức và tự lập vẫn tốt hơn là để con ở nhà rồi bồng con cả đời".
Bồng con trên mọi nẻo đường
Vậy là từng ngày người mẹ miền Tây Nam Bộ ấy lại lặng lẽ bên con. Đều đặn mỗi ngày mấy lượt bất kể mưa nắng, cô Ly bồng con từ giảng đường này qua giảng đường khác. Có những lúc lớp học Nhí ở tầng cao, cô Ly vẫn không nề hà.
Để tiện bề chăm sóc cho đứa con nhỏ đặc biệt của mình, cô Ly xin nhà trường được vào ký túc xá ở luôn với con. Những giờ Nhí không phải lên lớp, cô xin chân lao công phụ việc quét dọn phòng ốc và sân trường để có thêm một chút thu nhập mua cho Nhí vài miếng ngon ở đất thị thành.
Dù mỗi sớm mát trời hay giữa trưa nắng nóng nhễ nhại mồ hôi, thầy và trò Trường Cao đẳng Cần Thơ đã dần quen thuộc với hình ảnh mẹ bồng con qua những hành lang, đợi đặt con vào đúng chỗ ngồi thì người mẹ ấy lại kiên nhẫn ngồi chờ con tan học để bồng con về ký túc xá.
Nghị lực của con, sự kiên cường của người mẹ đã kết nối những điều tốt đẹp để con đường chinh phục giấc mơ con chữ của Nhí bớt chông chênh. Thương hoàn cảnh và khâm phục sức mạnh ý chí của hai mẹ con, ban giám hiệu Trường Cao đẳng Cần Thơ đã khéo léo sắp xếp lớp học của Nhí ở tầng trệt, lại kết nối nhà hảo tâm tặng xe điện, cho xây lối đi riêng để tiếp sức cho việc đi lại của hai mẹ con đỡ vất vả hơn.
Câu chuyện của Nhí và mẹ đã trở thành câu chuyện đẹp nhất của Trường Cao đẳng Cần Thơ trong ba năm qua. Năm 2020, Phạm Thị Nhí vinh dự trở thành một trong 5 sinh viên được biểu dương "Sinh viên Cần Thơ - Những câu chuyện đẹp" do Hội sinh viên Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức.
Nhưng có lẽ thành quả đẹp nhất, ý nghĩa nhất là vừa qua Nhí đã chính thức tốt nghiệp với tấm bằng được đánh đổi bằng rất nhiều ý chí, nghị lực và một hành trình gian nan có lúc bế tắc không sao tả xiết của em và mẹ Ly. Ước mơ trở thành một lập trình viên của em cuối cùng đã trở thành sự thật.
Nhí tâm sự rằng em chọn ngành hệ thống thông tin vì phù hợp với điều kiện sức khỏe của em. Nói là nói vậy, nhưng để tập đánh máy trên đôi bàn tay còng queo bất thường của mình với Nhí là cả một đoạn đường thử thách.
Nhưng mỗi lần thất vọng, bất lực muốn buông xuôi thì Nhí lại nghĩ về những giọt mồ hôi của cha và nhất là tất cả sự lo âu trong đôi mắt người mẹ. Vậy là quên hết mệt mỏi, Nhí lại miệt mài qua tháng qua năm rèn luyện, học tập, dành nhiều thời gian và sức lực hơn để theo kịp bạn bè.
Mở ra cuộc đời mới
Hiện giờ Nhí đã tốt nghiệp và làm việc tại Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang. Vậy là những cố gắng không bỏ cuộc của hai mẹ con cuối cùng đã được trái ngọt, cũng tròn thỏa nguyện của Nhí là tìm được một công việc ổn định để tự lập.
Nhí nói: "Em tin khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra". Em đã nỗ lực hết mình để mọi người có cái nhìn khác về em, rằng em vẫn có thể học tập và làm việc như bao nhiêu người bình thường khác.
Chính tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ đã lần hồi mở ra ánh sáng cho đứa con yêu dấu của mình.