Miệt mài tìm kiếm đồng đội

Ròng rã hơn 20 năm nay, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Tiến Đãi cùng các đồng đội và cộng sự đã lặng lẽ tìm kiếm thông tin và hài cốt liệt sĩ trên mọi miền đất nước, hàng ngàn bộ hồ sơ đã được tìm kiếm, xác minh, trong đó có trên 300 liệt sĩ đã được đưa vào yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ.

Nỗi niềm với đồng đội

Cũng như bao lớp thanh niên ngày ấy, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Đãi từ miền quê quan họ Bắc Ninh, gác bút tình nguyện lên đường nhập ngũ vào chiến trường Khu 5, cùng đồng đội tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc.

Chiến dịch Hè Thu 1974, trong trận đánh cụm cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước (Quảng Nam), anh bị thương nhưng vẫn tự cho mình may mắn hơn nhiều đồng đội vì vẫn được chứng kiến lá cờ chiến thắng của Sư đoàn 2 trao cho Trung đoàn 31 mang dòng chữ “Đoàn dũng cảm đánh hăng”.

Đất nước thống nhất chưa được bao lâu, người lính Nguyễn Tiến Đãi tiếp tục tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc trong đội quân tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia thuộc Mặt trận 579, Quân khu 5. Cùng đoàn chuyên gia trong đội hình Thông tin Quân khu 1, Quân đội Hoàng gia Campuchia, góp phần giúp nước bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng, hồi sinh đất nước Chùa Tháp.

Lẽ thường, ai cũng nghĩ sau những năm cống hiến phải nghỉ ngơi, nhưng anh luôn đau đáu trong lòng rằng sẽ phải "trả những "món nợ” với đồng đội, nên chưa được phép nghỉ ngơi”. Trải qua nhiều đơn vị và đã từng công tác ở Phòng Tác chiến Quân khu 5, với đặc thù của chuyên ngành nên người lính này đã đi hầu hết các tỉnh, các đơn vị trên địa bàn Quân khu 5 và lân cận. Tích lũy được kinh nghiệm về bản đồ, địa hình, phiên hiệu, ký hiệu đơn vị, thời gian và vị trí đóng quân nên khi xác minh hồ sơ của liệt sĩ và phần mộ ở thực địa có nhiều thuận lợi.

Vận dụng kiến thức và thực tế được đào tạo trong Quân đội, anh tự học hỏi và trang thêm thiết bị về công nghệ thông tin đủ để đáp ứng cho công việc. Vận dụng kết hợp nhiều phương pháp “thô sơ - truyền thống - hiện đại” nên khả năng lưu trữ dữ liệu, xử lý, truyền tải, phối hợp hỗ trợ xác minh, kết nối thông tin liên quan đến hồ sơ và phần mộ liệt sĩ rất hiệu quả.

Vẫn tác phong của người lính, năng lượng của CCB này khiến ai từng gặp đều ngưỡng mộ, một con người của công việc. Với vai trò Trưởng ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5 tại Đà Nẵng, anh đã cùng Ban liên lạc vận động kinh phí từ nhiều nguồn, đóng góp lập hồ sơ xây dựng 3 công trình “Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hỗ trợ Hội CCB huyện Nông Sơn, thân nhân gia đình liệt sĩ và học sinh nghèo một số huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tổ chức các chuyến đi thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cùng đồng đội thắp hương tri ân và đến các địa chỉ đỏ trên mọi miền.

 Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi. Ảnh do nhân vật cung cấp

Giữ vững lời thề với đồng đội

Nhóm tìm thông tin và mộ liệt sĩ của CCB Nguyễn Tiến Đãi không có tên gọi, không quy chế trong hoạt động, nhưng đến với nhau cùng mệnh lệnh từ trái tim, vẫn giữ nguyên lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các thành viên trong nhóm đến với nhau ở đủ mọi lứa tuổi, vùng miền và địa vị công tác nhưng có điểm chung là “Tự nguyện, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm trong công việc”.

Am hiểu địa bàn, lịch sử truyền thống, địa giới - tổ chức hành chính, tận dụng thế mạnh của từng người ở các vùng miền, cương vị, kinh nghiệm công tác của các thành viên đã từng chiến đấu, sinh sống để khai thác thông tin có hiệu quả. Ngầm chia công việc cho nhau, nhưng phối hợp rất nhịp nhàng chính xác đến từng chi tiết.

Vận dụng “Sức mạnh tổng hợp” của các thành viên trong từng hoàn cảnh để trợ giúp thân nhân liệt sĩ với tiêu chí “Việc làm phải cụ thể - thiết thực, cách làm phải thận trọng - tỉ mỉ - chính xác”; “Mắt thấy - tay sờ, khoanh vùng - thu hẹp và kết luận các nguồn thông tin một cách khách quan, khoa học”.

Cùng Ban liên lạc, CCB, các đơn vị và các tình nguyện viên trên mọi miền… ở Quảng Nam và các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 5. Đặc biệt những con người còn rất trẻ như kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng ở TP Hồ Chí Minh, kỹ sư Lâm Hồng Tiên (Kỷ vật kháng chiến) tại Hà Nội… và cả những cựu binh Mỹ, Úc đã từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam, CCB của nước bạn Campuchia… Đam mê công nghệ hình ảnh, bản đồ và lịch sử chiến tranh, các bạn trẻ trong nhóm cùng CCB Nguyễn Tiến Đãi lưu trữ hàng chục ngàn những dữ liệu liên quan đến hồ sơ, phần mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều ngôi mộ tập thể.

Sự cộng hưởng từ anh và cộng sự đã gần như thành lập một đội quân “nghiên cứu hồ sơ và mộ liệt sĩ”. Nhóm các anh đã và đang tiếp tục hợp tác, chia sẻ thông tin và mở rộng địa bàn tìm kiếm những hố chôn tập thể trong chiến tranh ở các tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, An Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế…

Không kể ngày hay đêm, mưa nắng, dù tốn khá nhiều thời gian, công sức…, nhưng dường như anh và các thành viên chưa bao giờ tỏ ra mệt mỏi, chán nản với công việc của mình. Họ luôn miệt mài âm thầm đến những nơi diễn ra các trận đánh phù hợp với nơi hy sinh, mai táng ban đầu của liệt sĩ. Đến tận vị trí mộ tập thể, từng nghĩa trang, tìm nhân chứng trận đánh, nơi quy tập, nhân chứng am hiểu lịch sử địa phương… để đối chiếu, củng cố hồ sơ nhằm rút ngắn thời gian thân nhân liệt sĩ mong ngóng đón chờ tin.

Phối kết hợp tốt với các cơ quan, đơn vị làm công tác chính sách trong và ngoài quân đội, với CCB, cựu du kích, các tổ chức đoàn thể… Được tin tưởng, ủng hộ về cách làm, được tạo điều kiện tốt nhất có thể cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Vì vậy, gia đình liệt sĩ ở mọi miền luôn coi các anh là một địa chỉ tin cậy, từ khắp nơi kết nối, tin tưởng để tìm kiếm người thân.

 Ông Nguyễn Tiến Đãi (thứ hai, bên phải) và các đồng đội tại các hòn đá khắc tên liệt sĩ ở Khe Hương, Hiệp Đức, Quảng Nam.

Ông Nguyễn Tiến Đãi (thứ hai, bên phải) và các đồng đội tại các hòn đá khắc tên liệt sĩ ở Khe Hương, Hiệp Đức, Quảng Nam.

Địa chỉ tin cậy

Trong nhật ký đi tìm đồng đội của các anh mới thấy rằng, dấu chân các anh có mặt trên mọi miền đất nước và một phần nước bạn. Lật giở từng trang cuốn sổ cũ ghi chép rất cẩn thận về thông tin các liệt sĩ, CCB Nguyễn Tiến Đãi chia sẻ về các chuyến hành trình đầy ắp những kỷ niệm thuận lợi và khó khăn vất vả để tìm mộ liệt sĩ. Không phải chờ đến tháng 7 là để tri ân, bất cứ khi nào xác định được thông tin về liệt sĩ, các anh lại tức tốc lên đường, thời tiết nắng hay mưa, tận vùng núi cao hay biên giới, từ tỉnh này đến tỉnh kia...

Có những hành trình đem lại nhiều cảm xúc để lại những ấn tượng khó quên. Từ những manh mối rất nhỏ tưởng như quên lãng, nhưng biết cách khai thác lại mang đến nhiều niềm vui đến bất ngờ. Và cũng gặp không ít thất vọng đến bất lực đành chia sẻ cùng gia đình liệt sĩ và để lại cho các anh cảm giác như có lỗi đến nhiều đêm mất ngủ. Từ những kỷ vật rất mong manh như những bức ảnh, lá thư thời chiến tranh, trang nhật ký, chiếc bi đông, dây thắt lưng được chôn cùng liệt sĩ… đã giúp xác định được danh tính để nhận và đưa hài cốt liệt sĩ trở về với quê hương.

Sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát thực địa, mới đây từ những dữ liệu chia sẻ của những cựu binh Mỹ, và kết hợp kỹ thuật công nghệ định vị ảnh vệ tinh... đã cung cấp thông tin vị trí một số ngôi mộ tập thể ở các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định… Cảm ơn tấm lòng của CCB Nguyễn Tiến Đãi, nhiều thân nhân liệt sĩ chia sẻ cảm nhận từ những chuyến đi "Đi tìm đồng đội” bằng những vần thơ, câu hát: “Người ta siêu thị, nhà hàng/ Còn anh thì cứ nghĩa trang đêm ngày”. “Cứ lặng thầm tìm bạn trong cỏ cây/ Ngày qua ngày lặng lẽ đi tìm/Những cái tên im lìm trong lòng đất/ Nghỉ hưu rồi các chú vẫn tất bật/ Làm việc quên thân, danh lợi cũng chẳng cần”…

Thân nhân của liệt sĩ Trương Minh Hảo viết từ Hà Tĩnh: “Gia đình cháu không bao giờ quên, 50 năm đã tìm thấy mộ bố cháu, như một giấc mơ, hồi hộp quá cháu đang chờ bố cháu về. Các chú cũng như bao lớp cha ông lên đường nhập ngũ, không vì bổng lộc, chức quyền, không vì lợi ích cá nhân”. Chị Lê Thúy ở Thủ đô Hà Nội có chú ruột hy sinh ở Quế Sơn đã gửi tâm tình “Các chú rất nhiệt tình chu đáo đưa đón gia đình và đi làm thủ tục rất nhanh gọn. Tấm lòng cao cả của các chú đúng với bản chất “Người lính Cụ Hồ”.

Anh Huỳnh Tiến Nam là con của liệt sĩ Huỳnh Thanh Phong (nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 2, hy sinh trong trận quân địch tập kích vào Sở chỉ huy Sư đoàn) đã xúc động viết: “Gặp được những con người quanh năm không quản gian nan vất vả đi tìm đồng đội, ngay cả trong giấc ngủ họ cũng mong có điều kỳ diệu.... Tôi thầm cảm phục họ, những con người luôn sống mãi với tình đồng đội - đồng chí và cao cả hơn là tình người".

Đã gần 50 năm sau ngày hòa bình, cũng từng ấy thời gian, hàng trăm ngàn câu chuyện đi tìm mộ đồng đội được viết nên giữa cuộc đời. Dù dấu tích của địa hình, địa vật đã biến đổi theo thời gian, nhưng nỗ lực, ý chí vẫn luôn bền bỉ theo tâm nguyện. Bao nhiêu bằng giấy khen của các cấp trao tặng cho CCB Nguyễn Tiến Đãi và nhóm “Đi tìm đồng đội” nhưng hơn cả vẫn là niềm tin của thân nhân liệt sĩ dành cho anh và các thành viên trong nhóm. Bởi họ thật sự là những tấm gương bình dị mà cao quý! Góp phần xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh, tạo sức lan tỏa về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Bài và ảnh: QUẾ HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/miet-mai-tim-kiem-dong-doi-799902