Miếu Kim Hoàn - Tín ngưỡng thờ tổ nghề của người Hoa ở Sóc Trăng

Miếu Kim Hoàn (Tinh Bảo miếu) tọa lạc số 61 đường Lê Lợi, Phường 8 (TP. Sóc Trăng). Lễ giỗ tổ tại miếu Kim Hoàn Sóc Trăng diễn ra từ 14 giờ - 15 giờ ngày 11-2 (âm lịch), vật phẩm cúng tế được đặt trang trọng trước sân lễ, được gọi là lễ chấp minh hay tiên thường để ra mắt ban tế lễ và thỉnh tổ về dự lễ. Đến trưa ngày 12-2 là ngày giỗ chính (chánh tế); lễ tế tiên hiền, hậu hiền cũng tiến hành trong cùng ngày. Có đông đảo nghệ nhân, thợ kim hoàn, chủ tiệm vàng khắp nơi trong tỉnh tề tựu về dự.

Khoảng cuối thế kỷ 19, Sóc Trăng xuất hiện rất nhiều thợ gia công vàng người Hoa, họ đến lập nghiệp và sống rải rác tại Vĩnh Châu, Phú Lộc, Mỹ Xuyên… nhưng tập trung đông tại TP. Sóc Trăng. Phạm vi sinh hoạt, quan hệ đối tác làm ăn, truyền thụ nghề của họ chỉ gói gọn trong cộng đồng người Hoa. Ngày tháng dần trôi, những người thợ kim hoàn đã kết thành một tổ chức hội, họ cùng nhau lập bàn thờ tổ sư chung và làm giỗ tổ ngay trên khu đất gia đình của một người trong hội.

Dựa vào các câu chữ khắc trong miếu cùng lời kể của các vị cao niên địa phương, khẳng định miếu được xây dựng năm Canh Dần 1890 do một số người thợ gia công vàng người Hoa đóng góp, mục đích đoàn kết những người cùng nghề. Ngôi miếu này được hình thành sớm nhất Nam kỳ Lục tỉnh thời bấy giờ, trước cả Hội Quán Lệ Châu. Kiến trúc miếu, hình thức, nội dung tinh thần trong nghi thức cúng, đặc biệt đối tượng chính được thờ trong miếu cũng hoàn toàn khác với miếu Kim Hoàn ở những nơi khác - nơi đây thờ tổ nghề người Việt lẫn Hoa.

Miếu Kim Hoàn tọa lạc số 61 đường Lê Lợi, Phường 8 (TP. Sóc Trăng).

Miếu Kim Hoàn tọa lạc số 61 đường Lê Lợi, Phường 8 (TP. Sóc Trăng).

Kiến trúc miếu không khác mấy so với kiến trúc đình, chùa khác của người Hoa ở Sóc Trăng, nhưng nó đơn giản hơn, dù vậy vẫn không kém phần tôn nghiêm. Khánh thờ, bức hoành phi, trụ cột đề câu đối, toàn bộ đều khắc bằng Hán tự, cột kèo sử dụng danh mộc, mái lợp ngói âm dương, nền lót gạch thẻ, tường quét vôi. Cổng tam quan trang trí các biểu tượng lưỡng long tranh châu, bát Tiên thí võ, mai khai ngũ phước, phú quý hoa khai. Hai bên bức tường của tiền sảnh tạc hình tượng ngư hóa long... Ngoài ra trên những cánh cửa chính của miếu đều họa hình các ông quan, tướng xưa của Trung Hoa, hiển thần, hiển thánh hộ môn oai vệ. Khu chánh điện gồm 5 khánh thờ, trung tâm là 3 khánh thờ bài vị “Tổ sư lịch đại” ở giữa, “Tả ban chi vị” bên trái và “Hữu ban chi vị” bên phải; 2 khánh thờ còn lại bên trái là tiên hiền, bên phải là hậu hiền; phía sau ngăn vách khánh thờ là bài vị của 150 vị hậu hiền là những nghệ nhân kim hoàn có công đóng góp cho nghề, cho miếu.

Miếu Kim Hoàn sau khi xây dựng đã trở thành nơi ăn, chốn ở của những người thợ kim hoàn tứ xứ. Một trong số những người thợ kim hoàn khi đó có đồng chí Phan Văn Hoành và đồng sự của mình vừa hành nghề thợ bạc vừa bí mật tham gia cách mạng. Vì thế ngày nay địa điểm này được chính quyền địa phương công nhận là địa chỉ đỏ của tỉnh. Cuối thập niên 50 đến đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, có thêm nhiều tiệm vàng lớn nổi tiếng như Thái Hòa, Phước Hòa, Nam Mỹ, Kim Huê, Thái Hưng, Vĩnh Hưng. Mùa đông năm Kỷ Hợi 1959, miếu Kim Hoàn được trùng tu lần đầu tiên.

Năm 1986, khi Nhà nước có chính sách phát huy các thành phần kinh tế, cùng với đó nghề kinh doanh vàng bạc phát triển lại. Năm 1989, được một số bà con kiều bào ủng hộ sửa chữa, tôn tạo lại miếu thờ, từ đây những người theo nghề kim hoàn bắt đầu bước sang một trang sử mới, nhiều thợ gia công lần lượt mở tiệm vàng mới. Các gia đình tiểu thương người Hoa lúc bấy giờ cho con em của họ theo học nghề thợ bạc, chỉ riêng những người thợ gia công, lúc bấy giờ TP. Sóc Trăng có khoảng 50 người.

Năm 1992, miếu được giao về cho Hội Kim Hoàn quản lý, với diện tích 1.000m2. Năm 1996, hội trùng tu toàn bộ miếu dựa trên hiện trạng ban đầu. Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 2006. Hội Kim Hoàn ngày nay có khoảng 30 thành viên nòng cốt.

Trong suốt thời gian dài 128 năm, trải qua những bước thăng trầm, biến cố của lịch sử, tín ngưỡng thờ tổ của những người theo nghề vàng bạc ở Sóc Trăng cũng dựa theo nó mà tồn tại và phát triển. Mặc dù mạng lưới tiệm vàng ngày nay lan tỏa rộng khắp đến tận xã, ấp (toàn tỉnh có tổng cộng trên 200 tiệm vàng) nhưng nghề vàng truyền thống có nguy cơ bị mai một. Dù vậy trong tâm niệm của họ lúc nào cũng tôn kính và nhớ ơn những vị khai nguyên mô phạm của nghề. Điển hình là những năm gần đây, hội đã tập hợp, vận động được các chủ tiệm vàng trong tỉnh ủng hộ cho ngày giỗ tổ, song song với việc đẩy mạnh công tác xã hội từ thiện, mỗi năm đóng góp cùng với địa phương hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó ngày giỗ tổ hàng năm tại đây được tổ chức long trọng, khách đến tham dự ngày một đông hơn.

Dương Ngọc Nhân

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/mieu-kim-hoan-tin-nguong-tho-to-nghe-cua-nguoi-hoa-o-soc-trang-34913.html