Theo Defence Blog, các quan chức của Lực lượng Không quân Ba Lan đang tiến hành điều tra một sự cố nghiêm trọng liên quan đến việc một chiếc tiêm kích MiG-29 của nước này vô tình khai hỏa pháo 30mm bắn thẳng vào một máy bay chiến đấu khác trong cuộc tập trận ở Nadazice, địa phận thuộc tỉnh Wielkopolska phía Trung - Tây Ba Lan vào ngày 14/5.
"Ủy ban Điều tra tai nạn Hàng không Quốc gia đang xem xét sự việc liên quan đến hư hại khung thân của một tiêm kích MiG-29 thuộc Căn cứ không quân số 22 trong đợt diễn tập ở Nadazice", Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo hôm 8/6, nhưng không cho biết thêm chi tiết
Không có thiệt hại về người, nhưng chiếc MiG-29 trúng đạn đã bị hư hại và phải đưa đi sửa chữa.
"Chúng tôi không biết tình trạng thời tiết vào thời điểm đó, nhưng chắc chắn có vấn đề với quy trình huấn luyện và tuân thủ quy tắc an toàn của các phi công", tướng Tomasz Dvreniak, cựu thanh tra không quân Ba Lan, nhận xét.
Dù là thành viên NATO nhưng Ba Lan đang là quốc gia vận hành nhiều MiG-29 với 28 chiếc, gồm 23 chiến đấu cơ một chỗ ngồi và biến thể huấn luyện MiG-29UB hai chỗ ngồi.
Các máy bay MiG-29 Ba Lan đã trải qua nhiều đợt nâng cấp để bảo đảm khả năng hoạt động đến năm 2025, trong khi vai trò tác chiến chủ lực hiện được giao cho phi đội 48 tiêm kích F-16 Block 52+ và tương lai là 32 chiếc F-35A.
MiG-29 là tiêm kích hạng nhẹ thế hệ 4 được Liên Xô phát triển vào thập niên 1970 và biên chế năm 1982.
Ra cùng thời với Su-27 trong vai trò là tiêm kích hạng nhẹ cạnh tranh trực tiếp với F-16 Mỹ, tuy nhiên hiện tại tương lai của MiG-29 lại không tươi sáng bằng Su-27.
Trong khi Su-27 và các biến thể nâng cấp như Su-30/35 liên tục cháy hàng thì MiG-29 và biến thể nâng cấp MiG-35 lại khá ế ẩm trên thị trường xuất khẩu.
MiG-29 được trang bị 2 động cơ Klimov RD-33, sức đẩy 81.4 kN mỗi chiếc, tuy nhiên động cơ này được cho là hoạt động không hiệu quả với độ bền thấp và chi phí khai thác cao.
Tiêm kích MiG-29 có tốc độ tối đa 2.400 km/h, trần bay 18 km, tuy vậy chúng lại có tầm bay khá ngắn dưới 1.000 km, trong khi ở F-16 là 1.300 km.
Về trang bị vũ khí, MiG-29 được trang bị 1 pháo GSh-30 cỡ nòng 30 mm với cơ số đạn 150 viên. Nó có thể mang được trọng lượng vũ khí 3.500 kg bao gồm 6 tên lửa không đối không loại AA-8 Aphid, AA-10 Alamo, AA-11 Archer, AA-12 Adder, bom FAB 500-M62, FAB-1000, TN-100, ECM Pods, S-24, AS-12, AS-14…
Một hạn chế khác của MiG-29 là hệ thống radar. Radar của MiG-29 có màn hình hiển thị kém, do đó nhận định tình huống không tốt.
Đã có trên 1600 chiếc MiG-29 được Nga sản xuất trong 29 năm, riêng xuất khẩu đạt gần 1.000 chiếc sang khoảng 30 nước.
Việt Hùng