Mike Lynch, tỷ phú 'lừa đảo' mất tích trong vụ chìm siêu du thuyền là ai?
Mike Lynch, triệu phú phần mềm mất tích sau vụ chìm siêu du thuyền ngoài khơi bờ biển Sicily, Italy, được gọi là 'Bill Gates của nước Anh,' bởi ông đã gây dựng nên một công ty công nghệ toàn cầu.
Mike Lynch, triệu phú phần mềm mất tích sau vụ chìm siêu du thuyền ngoài khơi bờ biển Sicily, Italy, được gọi là “Bill Gates của nước Anh,” bởi ông đã gây dựng nên một công ty công nghệ toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện về sự nghiệp của Mike Lynch rất khác so với câu chuyện của nhà sáng lập Microsoft.
Cách đây chưa đầy ba tháng, người đàn ông 59 tuổi này đã được xóa 15 tội danh về gian lận mà ông phải đối mặt ở Mỹ trong vụ bán công ty Autonomy của mình với giá 11,1 tỷ USD cho “gã khổng lồ” Hewlett-Packard (HP) vào năm 2011, một vụ án mà ông đã từng lo sợ mình sẽ phải kết thúc cuộc đời trong tù vì bệnh lao phổi.
"Tôi mắc nhiều bệnh lý khác nhau khiến tôi rất khó có thể sống sót," Lynch nói với tờ Sunday Times vào tháng trước. “Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng không như mong đợi, thì đó sẽ là hồi kết của cuộc đời tôi theo bất kỳ nghĩa nào.”
Lynch sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ là người gốc Ireland, sống gần Chelsford, hạt Essex, Anh. Mẹ ông là một y tá, còn bố là lính cứu hỏa.
Ông đã học Vật lý, Toán học và Hóa học tại Đại học Cambridge, sau đó học chuyên ngành Xử lý nhận biết mẫu thích ứng. Luận án tiến sỹ của ông được cho là một trong những tài liệu nghiên cứu được tìm đọc nhiều nhất trong thư viện của trường.
Sau này, ông đã thành lập một số công ty khởi nghiệp ban đầu về công nghệ, trong đó có một công ty chuyên về phần mềm nhận dạng biển số xe tự động, dấu vân tay nhằm cung cấp cho cảnh sát, ông đã thành lập Autonomy vào năm 1996.
Phần mềm của công ty này được các công ty sử dụng để phân tích các kho dữ liệu khổng lồ. Và nó hoạt động hiệu quả một phần nhờ suy luận Bayesian, một kiểu suy luận thống kê mà trong đó các quan sát hay bằng chứng được dùng để cập nhật hoặc suy luận ra xác suất cho việc một giả thuyết có thể là đúng.
Và chiếc siêu du thuyền bị chìm ngoài khơi Sicily trong một cơn bão dữ dội vào sáng sớm 19/8 có tên là Bayesian.
Autonomy đã thành công ngay lập tức trong kinh doanh. Công ty niêm yết tại Brussels, Bỉ vào năm 1998, và sự bùng nổ của dotcom đã khiến công ty tăng trưởng nhanh chóng và chuyển tới Sàn giao dịch chứng khoán London, nơi Autonomy gia nhập FTSE 100 của các công ty niêm yết hàng đầu tại Vương quốc Anh.
Những thành công này đã đưa Mike Lynch vào vị trí cố vấn khoa học cho David Cameron thời ông này làm thủ tướng, và làm giám đốc không điều hành của BBC, đồng thời cũng nhận được Huân chương Hiệp sỹ của Anh (OBE) vào năm 2006 vì các dịch vụ dành cho doanh nghiệp.
Sau đó, Autonomy đã gây ấn tượng với HP đủ để tập đoàn này trả hơn 11 tỷ USD cho thương vụ mua lại vào năm 2011. Tuy nhiên chỉ sau 1 năm, gã khổng lồ máy tính của Mỹ này đã phải bút toán giảm 8,8 tỷ USD cho thương vụ này, và cho biết họ đã phát hiện ra “những sai phạm nghiêm trọng về kế toán” tại công ty này.
HP đã cáo buộc Autonomy cố tình "thổi phồng" giá trị của công ty trước khi vụ mua bán diễn ra và việc này đã khiến cho HP phải chịu lỗ 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, Mike Lynch ngay lập tức thẳng thừng bác bỏ cáo buộc của HP và cho rằng tập đoàn này đã "nghiên cứu kỹ lưỡng" trước khi quyết định mua lại Autonomy,
Trong khi đó, Giám đốc điều hành HP, Meg Whitman, khẳng định HP đã xem xét kỹ lưỡng tình hình tài chính của Autonomy nhưng vì các lãnh đạo của Autonomy cố tình nói dối nên tập đoàn không phát hiện được điều này.
Bà Whitman cho rằng "Autonomy có quy mô nhỏ hơn và mang lại lợi nhuận ít hơn" HP nghĩ. Theo bà Whitman, các cuộc điều tra của HP cho thấy Autonomy đã trình bày sai doanh thu và tốc độ tăng trưởng của tập đoàn.
Cựu giám đốc tài chính của Autonomy, Sushovan Hussain, đã bị kết án 5 năm tù tại Mỹ sau khi bị kết tội gian lận liên quan đến thỏa thuận với HP vào năm 2018.
Năm 2022, Lynch đã thua trong một vụ kiện dân sự về gian lận do HP đệ trình tại Anh, trong đó có thông tin cho rằng doanh nhân này đã kiểm soát cựu giám đốc Hussain, HP đồng thời cho rằng “không thể tưởng tượng được rằng” người sáng lập Autonomy lại không biết gì về các hành vi gian lận đã diễn ra trong chính công ty của mình.
Thẩm phán Hildyard, thẩm phán tòa án cấp cao trong vụ án, đã phải ra phán quyết yêu cầu Lynch bồi thường thiệt hại cho HP. Lynch đã cho biết ông có ý định kháng cáo phán quyết.
Tại các công ty do mình điều hành, Lynch được cho là đã để lại dấu ấn cá nhân của mình với niềm yêu thích đối với nhân vật James Bond. Các phòng họp được cho là được đặt tên theo các đối thủ của Bond, như Tiến sỹ No và Goldfinger, và Autonomy thậm chí còn có một bể cá piranha trong tiền sảnh, gợi nhớ đến tập phim “You Only Live Twice.”
Bức chân dung này có vẻ như hơi trái ngược với những gì người ta thường biết về Lynch, một người đàn ông giàu có đã kết hôn, có 2 cô con gái, và thường dành thời gian rảnh rỗi để làm các mô hình đường sắt và nuôi cá chép Koi.
Kể từ khi được tuyên trắng án tại Mỹ, Lynch thậm chí còn cho biết ông đang lên kế hoạch giải quyết tình trạng mất cân bằng mà ông nhận ra trong hiệp ước dẫn độ giữa Anh và Mỹ. Ông nói rằng “thật sai lầm khi một công tố viên Mỹ có nhiều quyền lực hơn cả cảnh sát Anh đối với một công dân Anh đang sống ở Anh.”
Theo danh sách những người giàu nhất của tờ Sunday Times năm nay, Lynch và vợ mình, Angela Bacares, được cho là có giá trị tài sản lên tới 500 triệu bảng Anh.
Một trong những cô con gái của Lynch, 18 tuổi, cũng được cho là nằm trong số bốn người Anh mất tích sau khi du thuyền bị chìm. Hai người Mỹ và một người Canada cũng mất tích./.