Mình ăn Tết hay Tết 'ăn' mình?
'Nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái mỗi ngày và mỗi lần cúng phải đủ món, đủ mâm, kết quả là nguyên Tết chỉ làm bạn với ông Táo, rót nước, thắp nhang, rửa chén suốt ngày'.
Chỉ sau thời gian ngắn đăng tải trên diễn đàn mạng, bài viết về những mệt mỏi, lo toan ngày Tết khiến rất nhiều người đưa ra ý kiến trái chiều.
VTC News xin được đăng tải nguyên văn bài chia sẻ:
"Thứ nhất, có nhiều gia đình cả năm không dọn dẹp nên bắt tay trang hoàng nhà cửa dồn hết vào những ngày trước Tết. Mệt mỏi, lu bu, đầu bù tóc rối, vợ chồng cáu giận, hò hét con cái…đến tối 30 Tết, thậm chí sáng mồng một thì ai nấy đều đuối. Hết Tết.
Thứ hai, có những gia đình cứ quần quật, đầu tắt mặt tối làm mứt kẹo, gói bánh…vô tình tạo áp lực công việc cho cả nhà đến phút cuối cùng. Hết tết.
Thứ ba, nhiều gia đình giữ truyền thống cúng bái mỗi ngày (sáng, chiều, tối). Mỗi lần cúng là phải đủ món, đủ mâm. Kết quả là nguyên Tết chỉ làm bạn với ông Táo, rót nước, thắp nhang, rửa chén suốt ngày.
Thật không may cho những ai làm vợ, làm dâu những gia đình này, cộng thêm một chút gia trưởng của nhà chồng nữa thì chỉ có hát bài: 'Xuân này con không về'. Hết Tết.
Thứ tư, có nhiều người thích sĩ diện, luôn sợ bà con, hàng xóm, bạn bè sẽ bình luận về mình: "Ăn Tết có lớn không? Lì xì có nhiều không? Phải trái với họ hàng thế nào"… kết quả là ném tiền qua cửa sổ hoặc luôn căng thẳng, stress, đóng cửa trốn Tết luôn.
Thứ năm, chính là những gia đình suốt ngày bày biện mọi thứ ra để tiếp khách. Ngày Tết, khách đến nhà chơi là chuyện quý hóa, thế nhưng cứ mỗi khi có khách đến thì lại hò hét vợ con rót nước, pha trà, bày rượu, tét bánh… khách chỉ nhấm môi một tí ra về. Sau đó lại dọn bàn, lau bàn, rửa ly, khách mới lại tới.
Thứ sáu, có nhiều ông chồng cứ lang thang tất niên hết nhà này nhà khác. Hết tất niên thì đi chúc Tết. Rượu chè bê bết, về nhà đầu năm gây gổ vợ con. Người hôi hám, mỏi mệt lăn ra ngủ... mất tư cách, phong độ đàn ông khiến cả nhà mất vui. Mối quan hệ nào với họ cũng quan trọng, điều ấy chỉ toàn là ngụy biện.
Cuối cùng nhưng chưa phải là hết. Cờ bạc, chạy nhanh phóng ẩu…cũng dễ làm Tết trở thành những "kinh nghiệm" – viết tắt của cụm từ "những trải nghiệm phát kinh". Hết Tết.
Tóm lại: Ngoài một chút theo tâm linh, cổ truyền dân tộc, có lẽ chúng ta nên thay đổi...Tết chỉ có vài ngày, hãy du xuân đâu đó, vui là chính. Nhưng phải được thoải mái!"
Bạn có đồng tình với quan điểm của bài viết?
Bài viết của tác giả nhận được gần 100 lượt chia sẻ sau chưa đầy 1 tiếng đăng tải và nhận được nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng. Trong khi số ít đồng tình với quan điểm của người viết thì đa số đều cho rằng, đây là những suy nghĩ phiến diện và ích kỷ của tác giả.
"Đúng. Nhưng cái cập rập bận rộn nó là đặc trưng của ngày Tết. Nhà ai cũng dọn nhà làm cơm cúng bái, tiếp khách, đi chơi thăm hỏi họ hàng. Còn như tác giả nói là không làm gì nữa, đi du lịch xa theo xu hướng hiện đại", tài khoản Lê Đức Tôn bình luận.
Tài khoản Đỗ Đạt viết: "Theo lý luận này thì tết xách ba lô đi du lịch hết Tết rồi về. Còn không dọn dẹp chuẩn bị Tết thì còn gọi gì là Tết. Chỉ đúng với những người không sắp xếp được thời gian, công việc".
"Tôi không đồng tình với bài viết này lắm. Có vẻ tác giả là đàn bà phải làm dâu và không được chồng san sẻ giúp đỡ gì. Tết sum vầy, bà mẹ con cháu cùng nhau làm mứt gói bánh thì quá vui luôn rồi. Còn bàn thờ dọn dẹp có ông lo, cây cối hoa hoét có bố tụi nhỏ lo. Không lẽ Tết ngồi không làm gì?", Lê Vân nêu quan điểm.
"Có nhiều người mong được sum vầy bên gia đình dọn dẹp, cực mà vui, cả năm hiếm lắm mới có dịp tụ họp đông đủ, dọn tý thì có chết ai, tôi còn mong được quây quần nấu bánh, gói mứt,...nhưng không có điều kiện để thực hiện đây, lý luận bài này cùn thật sự", Lê Châu Mẩn thẳng thắn bình luận.
Văn Hùng viết: "Làm gì đến nỗi làm mấy việc đó mà hết Tết. Có làm mứt kẹo hay dọn dẹp thì cùng lắm đến 30 thôi. Bài viết không thuyết phục, nói chung bày vẽ nhưg cân đối có thời gian đi chơi, không tạo cảm giác tết ăn mình thì cũng được mà".
Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn TẠI ĐÂY.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/lam-dep/minh-an-tet-hay-tet-an-minh-ar522901.html