Minh bạch thông tin
Kết quả quan trắc 10 ngày sau sự cố có thể ở ngưỡng an toàn nhưng điều đó không có nghĩa 10 ngày trước, thời điểm đám cháy mù mịt, không khí cũng ở ngưỡng an toàn đó.
Hậu vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Cty Rạng Đông), đến nay cơ quan hành xử chuyên nghiệp có trách nhiệm nhất chính là UBND phường Hạ Đình. Chính quyền phường đã ban hành văn bản khuyến cáo người dân chủ động ứng phó sự cố, theo dõi sức khỏe một cách kịp thời, có trách nhiệm.
Một chuyên gia môi trường nhận xét, nếu đặt mục tiêu an dân lên từ đầu mọi chuyện đã không rối ren như bây giờ. An dân, theo cách diễn giải của anh là cung cấp đủ thông tin để dân hiểu đúng sự việc. Ai nằm trong vùng ảnh hưởng biết mình phải làm gì, ai không trong vùng ảnh hưởng yên tâm sinh sống.
Trong sự cố vừa rồi, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã làm rất tốt nếu như không có thông tin điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty phía trước khu cháy và trong nhà kho có giá trị thủy ngân vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR (Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ) từ 10-30 lần...
Dù thông báo có chút vấn đề nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia môi trường, những khuyến cáo của Bộ là có cơ sở và tính khoa học. Việc Tổng cục Môi trường ngay sau sự cố đã giúp Bộ đưa ra khuyến cáo nguy cơ nhiễm thủy ngân với người dân, cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đến hiện trường lấy mẫu phân tích, đưa ra các giải pháp xử lý sự cố một cách khoa học là điều đáng ghi nhận.
Sự cố Cty Rạng Đông, trước hết là câu chuyện của thành phố Hà Nội. Có một sự thật không thể tranh cãi là vào thời điểm cháy, thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường, giữa một khu vực dân cư đông đúc, gồm cả trường tiểu học. TP Hà Nội có biết điều này không? Nếu biết tại sao không khẩn trương khuyến cáo người dân thực hiện phòng ngừa rủi ro, thậm chí yêu cầu di dân quanh khu vực cháy để đảm bảo yếu tố giảm thiểu rủi ro tối đa do ô nhiễm thủy ngân, khói độc.
Mười ngày sau sự cố, những gì nhận được từ Hà Nội là “Hàm lượng thủy ngân trong ngưỡng an toàn”. (Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân). “Kết quả test nhanh cho thấy ngủy ngân bằng 0” (thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội). Sau đó là cuộc họp do Chủ tịch thành phố Hà Nội chủ trì ngày 5/9 đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giám định để xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước, không khí trong vùng ảnh hưởng khu vực xung quanh vụ cháy.
Kết quả quan trắc 10 ngày sau sự cố có thể ở ngưỡng an toàn nhưng điều đó không có nghĩa 10 ngày trước, thời điểm đám cháy mù mịt, không khí cũng ở ngưỡng an toàn đó.
Quan trắc để đánh giá hiện trạng môi trường chứ không phải bắt bẻ anh sai, tôi đúng. Việc cấp bách nhất bây giờ là triển khai các giải pháp mà Bộ TN&MT khuyến nghị. Một số đồng nghiệp của tôi khi tác nghiệp hiện trường về gặp những vấn đề sức khỏe. Họ đang sống trong lo âu khi chờ kết quả xét nghiệm mà phải 15 ngày sau mới có kể từ lúc làm xét nghiệm.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/minh-bach-thong-tin-1461786.tpo