Minh bạch thông tin là nền tảng thực thi hiệu quả phòng vệ thương mại
Trong các vụ kiện phòng vệ thương mại, thông tin được minh bạch và công khai sẽ là cơ sở giúp doanh nghiệp tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp, góp phần duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh của thị trường.
Bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, hiện tại Việt Nam đang có 13 hiệp định tự do thương mại (FTA) đã đi vào hiệu lực và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, ký kết.
Mới đây, sự kiện Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực được đánh giá là một điểm nhấn quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vươn mình ra thế giới.
Tuy nhiên, khi hàng hóa ngoại nhập tràn vào Việt Nam do không vướng phải những rào cản thuế quan, các doanh nghiệp nội địa vốn yếu thế về công nghệ và kinh nghiệm, lại còn có nguy cơ gặp phải những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.
Trước tình hình này, Cục Phòng vệ thương mại đã quyết định triển khai nhiều phương án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như tính chủ động của doanh nghiệp về các công cụ phòng vệ thương mại, từ đó điều tiết thị trường theo hướng lành mạnh và công bằng.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, xây dựng cơ chế công khai, minh bạch về thông tin, dữ liệu cũng như hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp thực thi phòng vệ thương mại sẽ là nền tảng tiên quyết để thực hiện mục tiêu này.
Cụ thể, theo bà Trang, trong những vụ kiện phòng vệ thương mại, thông tin được yêu cầu cụ thể tới giá của từng lô hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy việc truy xuất những thông tin này không hề dễ dàng, thậm chí có sự khác biệt giữa số liệu của Bộ Công thương và Bộ Tài chính.
Tôi chỉ muốn tìm số liệu rằng trong 2 tháng vừa rồi, việc xuất khẩu tăng như thế nào so với giai đoạn trước mà cũng không làm được, vậy doanh nghiệp khi cần những thông tin chi tiết hơn thì họ lấy ở đâu ra”, bà Trang đặt vấn đề.
Sự minh bạch về thông tin cũng là cơ sở bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia lạm dụng phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, bà Trang cũng gợi ý về cơ chế cảnh bảo sớm rủi ro, xây dựng hệ thống một cửa, tinh gọn thủ tục hành chính, tránh tạo ra các giấy phép con gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của bà Trang, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ tiến hành xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn doanh nghiệp về phòng vệ thương mại.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhận định, những năm gần đây, việc thực thi các công cụ phòng vệ thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực, cho thấy nhận thức của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực từ phía chính phủ, doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu về những biện pháp phòng vệ thương mại để có thể tự bảo vệ mình khi có dấu hiệu bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp.
Ông Dũng khuyến khích các doanh nghiệp, văn phòng luật và những cá nhân liên quan tham gia khóa học trực tuyến có cấp giấy chứng nhận về phòng vệ thương mại trên trang chính thức của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).
“Khóa học về phòng vệ thương mại của WTO là miễn phí và có thể đem đến nhiều lợi ích cho sự nghiệp của mỗi cá nhân cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dũng cho biết.