Minh bạch từ nguồn, nỗ lực cho một ngành Gỗ 'sạch'
Gỗ Cameroon, Campuchia đang là một trong những nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho ngành gỗ Việt Nam, nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn. Ngành gỗ đang cần bằng chứng hợp pháp về gỗ nhập khẩu từ các thị trường này nhằm hướng đến minh bạch từ nguồn.
Gỗ Cameroon, Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam cần bằng chứng hợp pháp
Để thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp giữa Campuchia và Việt Nam và đảm bảo các nhà nhập khẩu Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về tính hợp pháp từ cả hai nước, mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã có Công văn đề nghị Bộ Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia chỉ đạo cơ quan chức năng chia sẻ danh sách, nội dung cơ bản các văn bản, tài liệu pháp lý cần thiết cho xuất khẩu gỗ tại Campuchia (bao gồm cả các quy định liên quan đến các sản phẩm gỗ hạn chế và các loài cây được bảo vệ); các giấy tờ cần thiết mà doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam cần phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi đưa gỗ Campuchia vào Việt Nam.
Trước đó, VIFOREST cũng đã có thư gửi Bộ Lâm nghiệp Cameroon, đề nghị cung cấp thông tin về bằng chứng gỗ nhập khẩu hợp pháp. Theo đó, VIFOREST đề nghị phía Bộ Lâm nghiệp Cameroon phản hồi trong thời gian sớm nhất có thể các thông tin, tiêu chuẩn xác định gỗ nhập khẩu từ Cameroon hợp pháp thì các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam cần có những loại giấy tờ gì, được cấp bởi cơ quan chức năng nào của chính phủ Cameroon.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch VIFOREST- nhận định, các thông tin này có vai trò quan trọng, góp phần loại bỏ các rủi ro về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia và Cameroon vào Việt Nam.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Lập, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ loại trừ gỗ bất hợp pháp khỏi tất cả các chuỗi cung ứng gỗ của Việt Nam. Cam kết này được thể hiện cụ thể trong Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT), được ký kết vào năm 2019.
Thực hiện VPA/FLEGT về các yêu cầu tính hợp pháp được áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu và cả các sản phẩm trong thị trường nội địa, tháng 9/2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP về Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ Việt Nam (Nghị định VNTLAS), nhằm đảm bảo tính hợp pháp của toàn bộ chuỗi cung ứng gỗ.
Kiểm soát tính hợp pháp của việc nhập khẩu gỗ là trọng tâm của Nghị định VNTLAS. Trong đó, quy định khi đưa gỗ có rủi ro cao vào trong nước, các nhà nhập khẩu Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm giải trình để đảm bảo hàng nhập khẩu được xác minh là có nguồn gốc hợp pháp. Để làm được điều này, các nhà nhập khẩu phải chứng minh các tài liệu chính thức do cơ quan Chính phủ có liên quan tại quốc gia xuất khẩu cấp để xác minh tính hợp pháp của nguồn hàng xuất khẩu, hoặc chứng nhận bền vững từ các bên thứ ba.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nhiệt đới cho biết, họ đang gặp khó khăn trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình theo Nghị định VNTLAS. Cụ thể, các doanh nghiệp chưa biết đâu là bằng chứng/giấy tờ được cấp bởi cơ quan quản lý của Campuchia, Cameroon để xác nhận gỗ nhập khẩu từ các quốc gia này là hợp pháp. Điều này hiện đang gây khó khăn rất lớn cho cả doanh nghiệp nhập khẩu lẫn cơ quan kiểm soát gỗ nhập khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các quy định của Nghị định VNTLAS.
Đáng chú ý, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiệt đới trong đó có nguyên liệu từ Cameroon, Campuchia không nắm được các quy định của thị trường nhập khẩu, hoặc là họ không quan tâm đến việc thị trường đó yêu cầu như thế nào. Có một thực tại, các giấy tờ đảm bảo nguồn cung gỗ hợp pháp do bên xuất khẩu chịu trách nhiệm chứ không phải phía doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chiếu theo Nghị định VNTLAS thì điều này là không đủ. Cần có đủ bằng chứng để minh chứng gỗ đó là hợp pháp.
Nỗ lực cho một ngành Gỗ "sạch"
Theo VIFOREST, trước 2017 Campuchia là nguồn cung gỗ nhiệt đới lớn cho Việt Nam, với lượng cung từ nguồn gỗ này chiếm 9-13% trong tổng lượng gỗ nhập khẩu vào Việt Nam, tương ứng khoảng 500- 600 nghìn m3 gỗ quy tròn/năm. Kể từ năm 2018, Chính phủ Campuchia siết chặt kiểm soát xuất khẩu, cộng với sức ép của cộng đồng quốc tế, lượng gỗ nhập từ Campuchia đã giảm mạnh. Năm 2020, nguồn gỗ này chỉ cung cấp 1,49 nghìn m3 gỗ tròn và 27,49 nghìn m3 gỗ xẻ, tương đương 7,36 triệu USD, chiếm 1% trong tổng lượng và giá trị gỗ nhập khẩu từ tất cả các thị trường vào Việt Nam.
Gỗ nhập khẩu từ Cameroon là một trong những nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam. Hiện có trên 200 doanh nghiệp của Việt Nam hiện đang nhập khẩu gỗ từ Cameroon. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập trên 400.000 m3 gỗ tròn từ Cameroon. Đây là quốc gia cung gỗ tròn lớn nhất, chiếm gần 60% tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu từ châu Phi và trên 21% lượng gỗ tròn nhập khẩu vào Việt Nam từ tất cả các nước. Các loài gỗ nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường này gồm: lim, chiếm 67% lượng nhập, xoan đào (12%), gõ (6%) và sến (7%).
Nhằm tăng cường tính xác thực của hồ sơ giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất /nhập khẩu, ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập kết nối chính thức với Chính phủ của các quốc gia cung gỗ nguyên liệu rủi ro cho Việt Nam. Kết nối này giúp cho các cơ quan chức năng của Việt Nam nắm rõ được quy trình trong chuỗi cung xuất khẩu, các yêu cầu pháp lý có liên quan tới các hoạt động của chuỗi và tính xác thực của các giấy phép, tài liệu nằm trong bộ hồ sơ xuất khẩu. Đồng thời, tiếp cận đối với nguồn thông tin về các doanh nghiệp được phép khai thác, chế biến và được phép xuất khẩu tại quốc gia xuất khẩu. Thông tin này cho phép tăng cường kiểm tra về tính xác thực của các hồ sơ, tài liệu trong bộ chứng từ nhập khẩu.
Trong khi Cameroon là quốc gia cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam, còn nguồn cung từ Campuchia luôn tiềm ẩn các rủi ro rất lớn. Đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện các kết nối, nhằm giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu, nhiều ý kiến cho rằng, VIFOREST cũng nên thực hiện các hoạt động yêu cầu thông tin và các kết nối tương tự đối với các quốc gia khác hiện đang cung gỗ tự nhiên cho Việt Nam, đặc biệt là Lào và một số quốc gia châu Phi khác bên cạnh Cameroon, Campuchia.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/minh-bach-tu-nguon-no-luc-cho-mot-nganh-go-sach-158443.html