Minh Hương, làng xa xứ...

Cuộc di tản của 10 hộ gia đình giàu có người nhà Minh ở phương Bắc để tránh sự trừng phạt của bạo quyền triều Mãn Thanh đã đưa đẩy họ đến vùng đất của xứ Quảng ngày nay. Sau vài lần di chuyển nơi cư trú, cuối cùng họ dời tới đất Lâm Sa để lập ra làng Minh Hương. Minh Hương có nghĩa là làng của người triều đại nhà Minh xa xứ sinh sống.

Cuộc di tản của 10 hộ gia đình giàu có người nhà Minh ở phương Bắc để tránh sự trừng phạt của bạo quyền triều Mãn Thanh đã đưa đẩy họ đến vùng đất của xứ Quảng ngày nay. Sau vài lần di chuyển nơi cư trú, cuối cùng họ dời tới đất Lâm Sa để lập ra làng Minh Hương. Minh Hương có nghĩa là làng của người triều đại nhà Minh xa xứ sinh sống.

Tụy Tiên đường.

Tụy Tiên đường.

Năm 1644 nhà Mãn Thanh lật đổ nhà Minh, đặt ách thống trị nghiệt ngã đối với những người theo chế độ Minh triều, xóa bỏ hoàn toàn cơ chế, quyền lực của nhà Minh, đồng hóa mọi tập tục, sinh hoạt theo nhà Mãn Thanh, còn gọi Thanh triều. Bị nhà Thanh đàn áp, nhiều người di tản đến các nước trong khu vực để cư trú chính trị. Thời gian đầu của cuộc chạy loạn này vào thế kỷ XVII, một đoàn người Hoa gồm 10 gia đình đã đến Quảng Nam, Đại Việt bằng đường biển và được chúa Nguyễn cho định cư. Theo văn tự khắc trên bia đá chùa Phúc Kiến, Hội An thì 10 gia đình (thập lão gia) lúc đầu vào Cửa Đại rồi ngược sông Thu Bồn đến tạm cư tại làng Trà Kiệu (nay thuộc H. Duy Xuyên), trồng dâu, nuôi tằm, khai hoang nông vụ và lấy nghề buôn bán làm kế sinh nhai. Một thời gian sau, thập lão gia thấy ở quá xa biển, gặp nhiều bất tiện trong giao thương, trao đổi hàng hóa nên quyết định dời xuống làng Trà Nhiêu (nay thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên) sát bên dòng Trường Giang, đóng tàu bè để vận chuyển hàng ra vào Cửa Đại. Thời gian sau, thập lão gia lại rủ nhau di dời nhà cửa về làng Thanh Hà, nơi có tam gia ba họ là Tẩy, Ngô và Trương đều có gốc ở Chiếu An, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) cũng là những người trốn tránh sự trừng phạt của triều Mãn Thanh đến sau cuộc ly hương của thập lão đang định cư tại đây để cùng nhau mưu sinh. Mảnh đất này khi ấy đã có ngôi chùa được xây dựng từ năm Bính Dần 1626 là Cẩm Hà Cung bị mục nát, hư hỏng nhiều nên thập lão gia bàn tính trùng tu lại chùa rồi đặt danh xưng là Cẩm Hải Nhị Cung. Thập lão gia là những người giàu có, của cải mang theo khi chạy giặc nhiều cùng với chính sách mềm dẻo, khôn ngoan, có tầm nhìn chiến lược của chúa Nguyễn nên họ được ưu đãi, được phép giao lưu, buôn bán với người Nhật, Y Pha Nho, Bồ Đào Nha... nên cuộc sống của họ ngày càng thịnh vượng. Thập lão gia lại tiếp tục một lần di chuyển nơi cư trú nữa đến vùng đất xứ Lâm Sa (nay là P. Minh An, Hội An). Khi thập lão gia tới làng Lâm Sa, họ được sự giúp đỡ rất nhiều của hòa thượng Huệ Hồng và ni cô Diệu Thành, tức bà Ngô Thị Lành. Bà Lành là người Đại Việt, lấy chồng họ Trịnh, người Hoa. Chồng bà là một thương gia giàu có bậc nhất ở Hội An lúc bấy giờ nhưng do chồng chết nên bà xuống tóc đi tu. Chính ni cô Diệu Thành đã hiến tặng cho thập lão gia toàn bộ đất đai rộng lớn do vợ chồng bà làm chủ sở hữu để thập lão gia lập ra làng Minh Hương, do ngài Trương Thừa Kim, một trong thập lão gia làm trưởng làng đầu tiên. Có nơi cư trú ổn định, họ bắt đầu xây dựng nhà thờ tiền hiền, chùa Ông, chùa Cầu và nhiều kiến trúc khác.

Mộ phần Chu Kỳ Sơn.

Mộ phần Chu Kỳ Sơn.

Theo tài liệu nghiên cứu của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích văn hóa Hội An, trong số thập lão gia từ đất nước Trung Hoa đến Hội An thì có hai lão gia được chúa Nguyễn trọng dụng làm quan, đó là Khổng Thiên Như và Chu Kỳ Sơn. Thời chúa Nguyễn, thương cảng Hội An có nhiều tàu buôn nên các quan chức liên quan về tàu vụ của triều đình cũng khác nhau như cai tàu, trị tàu, cai bạ tàu, cai phủ tàu, ký lục phủ tàu, mỗi chức hai viên quan. Sở dĩ chúa Nguyễn chọn Khổng Thiên Như và Chu Kỳ Sơn để giao chức cai phủ tàu bởi thời đó, người Đại Việt còn thiếu kinh nghiệm quản lý tàu thuyền, ngược lại người Trung Hoa rất giỏi giang trong việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập tại thương cảng. Đặc biệt, họ biết cách quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ngoại quốc, biết quy định phép cân, đo, định thuế lệ chiếu.

Khổng Thiên Như qua đời vào cuối thế kỷ XVII (không rõ năm cụ thể và ai lập mộ cho ông) còn Chu Kỳ Sơn mất vào năm 1694, được con trai Chu Thủ Nương phụng lập. Cuối năm 1725, dân làng Minh Hương xây dựng nhà thờ tiền hiền, còn gọi Tụy Tiên Đường (nay tọa lạc tại số 14 Trần Phú, P. Minh An) để thờ các bậc tiền nhân gồm thập lão gia, những đại lão có công lao to lớn lập làng Minh Hương, hòa thượng Huệ Hồng, ni cô Diệu Thành, người đã đóng góp nhiều đất đai màu mỡ từ của hồi môn để thập lão gia lập ra làng Minh Hương, tam gia kế thừa sự nghiệp của thập lão gia là Trương Hoằng Công, Ngô Đình Công và Tẩy Quốc Công...

Bây giờ, ngôi mộ của Chu Kỳ Sơn lặng lẽ tại khu đất bên con lạch chảy ra sông Hoài ở khối 2, P. Sơn Phong, mộ của Khổng Thiên Như nằm sát bên chùa Pháp Bảo, P. Minh An. Năm 2008, hai ngôi mộ cổ này được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Do bị thời gian tàn phá hư hỏng nặng nề, năm 2017, cơ quan quản lý đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp lại các ngôi mộ để giữ gìn di tích.

THÁI MỸ

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_228552_minh-huong-lang-xa-xu.aspx