Minh triết của một người làm báo
Phản ánh sự thật, nói lên sự thật, phát hiện ra sự thật và bày tỏ chính kiến của mình trước sự thật đó là nhiệm vụ cơ bản của một người làm báo...
Nhưng, sự thật cũng có ba bảy đường. Có những sự thật vụn vặt, không phải là bản chất. Lại có những sự thật chỉ là hình thức bên ngoài, để che đậy một sự thật khác bên trong.
Và, nhiều khi đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác, không phải như sự thật mà ta nhìn thấy... Bởi vậy, tôi nghĩ rằng người làm báo cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có một cái nhìn minh triết. “Minh triết” nói nôm na là “sự sáng tỏ” trong cách nhìn nhận mọi vấn đề của cuộc sống.
1. Từ một trắc thủ phát lệnh tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ, sau khi nước nhà thống nhất (1975), tôi chuyển sang làm báo. Nhiều năm làm phóng viên, làm quản lý một tờ báo, rồi được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, nhiều năm phụ trách khối báo chí xuất bản của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho đến nay tôi đã trải qua gần 45 năm làm báo.
Qua nhiều vấp váp, nhiều bài học phải trả giá không nhỏ, tôi rút ra được những bài học cho mình, mà bài học lớn nhất ấy là người làm báo phải minh triết. Nói cụ thể là phải nhận thức được các quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội để từ đó có một cái nhìn minh triết, một cái nhìn khách quan, sáng tỏ, khi thực thi pháp luật trong lĩnh vực của mình cũng như khi viết báo hay quản lý một tờ báo.
Những điều tôi rút ra được ở khía cạnh triết học gần 45 năm làm báo đã phản ánh trong cuốn “Minh triết của tôi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019).
Có những vấn đề thuộc nguyên lý cơ bản như tính quy luật mà trước đây chúng ta thường coi nhẹ, thậm chí đi sai, đi ngược lại, mà không biết rằng không một ai có thể chống lại các quy luật khách quan mà không dẫn đến thất bại. Thực tế này có thời đã làm chúng ta phải trả giá, cái thời mà ta vẫn gọi là “quan liêu, bao cấp, duy ý chí”!
“Một cơn bão mạnh đang đi vào biển Đông, có sức mạnh nào của con người có thể bắt nó dừng lại hay quay sang biển Tây, chắc chắn là không. Không một sức mạnh nào của con người có thể làm được điều đó trừ phi cơn bão tự chuyển hướng. Thế giới tự nhiên và xã hội có những quy luật riêng của nó, tồn tại khách quan, ngoài ý muốn của con người. Con người chỉ có thể nhận thức và hành xử theo các quy luật đó chứ không thể chống lại, làm khác đi, làm ngược lại... Nếu không, sẽ gặp tai họa, nhiều khi tai họa đó không chỉ riêng cho một người, một gia đình mà còn là cả một cộng đồng, một đất nước..” (trích “Minh triết của tôi”).
Nhận thức được điều này để người làm báo không chủ quan, tùy tiện, duy ý chí, phản ánh sự thật một chiều trong các bài viết cũng như trong cung cách quản lý tờ báo của mình. Chính bản thân tôi cũng đã phải trả giá cho thời gian đầu khi bước vào nghề báo, suýt bị kỷ luật buộc thôi việc do phản ánh sự thật tùy tiện, một chiều, không dựa trên quy luật khách quan, thiếu những bằng chứng pháp lý.
2. Nhiều năm gần đây, có một vấn đề nổi cộm ấy là vấn đề về quyền lực. Chính vì kiểm soát quyền lực thiếu hiệu quả nên đã sinh ra hiện tượng tự tung tự tác, coi thường pháp luật của một nhóm người có quyền lực, từ đó tạo nên nhiều “nhóm lợi ích” dẫn đến những vụ án tham nhũng lớn, những vụ “đại án” này đang làm nhức nhối xã hội chúng ta. Chính đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã không ít lần nói đến cơ chế để kiểm soát quyền lực, “nhốt” quyền lực vào trong cái “lồng” cơ chế, luật pháp.
Người làm báo, trước hết là một người công dân, không chỉ gương mẫu trong việc thi hành pháp luật, mà còn phải hiểu sâu sắc vấn đề này để có cái nhìn khách quan, sáng tỏ khi viết báo cũng như khi quản lý tờ báo.
Thực tế cho thấy một số người, kể cả người làm báo khi có quyền lực thường chủ quan, tự mãn, tự cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm và thích xu nịnh. Chính điều này đã dẫn đến hậu quả nhiều khi là không lường. “Xưa nay viên mãn trên quyền lực là con đường dẫn đến tàn hại... Ở đâu có quyền lực, ở đó có người đến luồn cúi...” (trích “Minh triết của tôi”).
Chúng ta vẫn nói xã hội chúng ta chính quyền thuộc về nhân dân, quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng, thuộc về như thế nào? Và, bằng cách nào để những điều ghi trong Hiến pháp người dân có thể hiểu, có thể thực thi có hiệu quả đó là điều tôi đã suy nghĩ và viết ra trong cuốn “Minh triết của tôi”: “Quyền lực của những người không có quyền lực chính là quyền lực tối thượng, quyền lực của nhân dân. Quyền lực của nhân dân nằm trong pháp luật, quyền lực của mỗi người chính ở lương tâm” (trích “Minh triết của tôi”).
Hay như vấn đề tự do, tự do công dân, tự do báo chí... Trước đây tôi hiểu điều này không thấu đáo, qua nhiều năm làm báo, qua nhiều trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày, tôi đã rút ra những điều cơ bản về tự do: “Người có tự do là người hiểu được các quy luật tự nhiên - xã hội và hành xử theo các quy luật đó... Tự do công dân khác hẳn với tự do muốn làm gì thì làm v.v...” (trích “Minh triết của tôi”).
Sinh thời cố nhà báo Hữu Thọ có xuất bản cuốn“Người hay cãi” tập hợp những bài viết của ông về một chủ đề mà theo tôi là ông muốn hướng đến một cái nhìn minh triết, một cái nhìn sáng tạo của người làm báo. Tuy nhiên vì điều kiện lúc đó nên ông chưa thể đi sâu vào những vấn đề triết lý nhân sinh mang đầy đủ tính quy luật. Và, chính câu nói của ông lúc sinh thời sau này được nhiều người nhắc đến: “Bút sắc, lòng trong, tâm sáng” đã trở thành tâm niệm của nhiều người làm báo, bởi phần nào đã nói lên được khía cạnh minh triết của người cầm bút.
Đối với người làm báo không chỉ chuyên sâu trong một lĩnh vực mà anh theo dõi, mà phải am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau, nói đúng hơn muốn chuyên sâu, phải biết rộng.
Khi về báo Tiền Phong làm phóng viên, tôi đã trải qua nhiều bộ phận như Ban kinh tế, Ban giáo dục, Ban bạn đọc, Ban đại diện tại TP Hồ Chí Minh... Tuy tôi chỉ chuyên sâu về kinh tế nhưng tôi đã cố gắng học những kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau để có một cái nhìn toàn diện, sáng tỏ trong chính lĩnh vực của mình.
Nhờ vậy khi viết “Minh triết của tôi”, nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều vấn đề khác nhau, ở rất nhiều nơi khác nhau, nhiều đất nước khác nhau mà tôi đã đến, đã tìm hiểu, đã ghi nhận, đã chiêm nghiệm để rút ra những vấn đề có ích cho chính bản thân mình và mong muốn có ích cho nhiều người trong nghề báo và cả trong hành xử của cuộc sống hàng ngày có được một cái nhìn sáng tỏ.
3. “Dựa vào núi, núi sẽ đổ/ Dựa vào người, người sẽ phản/ Khi ta dựa vào chính ta/ Mới hay cuộc đời vững như bàn thạch” (trích “Minh triết của tôi”). Dựa dẫm, không chỉ trong gia đình, con cái thường dựa dẫm vào bố mẹ, bố mẹ nhiều khi cũng tạo ra những thứ làm cho con cái dựa dẫm, tạo nên thói quen ỷ lại, thiếu năng động, sáng tạo, thiếu tính tự chủ... Mà, thực tế thời gian qua có những quan chức đã dựa vào người có quyền lực để tạo nên những thế lực tự tung tự tác, gây ra nhiều hậu quả tai hại cho đất nước mà ta đã thấy ở những vụ án ngàn tỷ, trăm tỷ! Người làm báo không chỉ phản ánh, đưa tin mà cao hơn là rút ra những bài học, những vấn đề thuộc tính quy luật từ những sự thật trong lịch sử.
Không phải đến bây giờ mà từ xa xưa ông cha chúng ta đã nói nhiều đến “lòng tham không đáy” của con người. Nhưng, để cảnh tỉnh con người không sa vào, người làm báo qua các bài viết của mình, nhất là những vụ án tham nhũng vừa qua cần rút ra những bài học có tính khách quan, như là một quy luật: “Mọi thứ trên đời này đều có giới hạn. Người khôn ngoan, biết dừng ở giới hạn cần dừng và biết đủ khi thấy mình như thế là đủ. Bởi đạo lý ở đời giống như chiếc bình đựng nước kia, đầy quá thì tràn, tràn là đổ...” (trích “Minh triết của tôi”).
“Minh triết của tôi” chính là những quy luật mà tôi nhận thức được, những vấn đề mà tôi chiêm nghiệm được trong gần 45 năm làm báo. Từ “Thế giới là vô cùng”; “Sự cân bằng”; “Những giá trị phổ quát của nhân loại”; “Bản năng”; “Giới hạn”; “Vật chất và tinh thần” ... đến “Hạnh phúc”; “Tình yêu”; “Tình bạn”; “Quyền lực”; “ Tự do”; “Cái đẹp”... tất cả đều cô đọng lại như là những châm ngôn của con người trong cuộc sống hàng ngày để trước hết giúp cho chính tôi, một người làm báo có được cái nhìn sáng tỏ.
Ấy là Minh triết của tôi!
Viết tại nhà vườn Sóc Sơn, Hà Nội, tháng 6/2019.
Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/minh-triet-cua-mot-nguoi-lam-bao-303170.html