Mình trở lại Cầu Tình đi em...
Cứ mỗi lần có chiến tranh với nhau, tâm trí tôi lại hiện lên những hình ảnh hai đứa khoác tay nhau dạo bộ trên Cầu Tình - Charles bắc qua sông Vltava, ở Praha năm ấy... Để nghiệm rằng như lời truyền mấy trăm năm qua, những đôi uyên ương đã cùng nhau qua cầu sẽ có tình yêu vững bền mãi mãi. Nhưng lần này, không biết thế nào, khi nàng khác với mọi lần, không sôi lên sùng sục nhưng cũng chỉ hai, ba ngày mà lạnh lùng cắt mọi liên lạc. Đã hơn cả một tuần ...
Năm ấy, ngẫu nhiên tôi và nàng có 15 ngày cùng nhau trong một đoàn công tác châu Âu. Nàng là cán bộ một cơ quan trung ương ở Hà Nội, còn tôi ở thành phố cách đó hơn 100 km, nên trước chuyến đi chưa từng gặp nhau. Khi đoàn sang đến Đức, sau một hai ngày đầu tôi bắt đầu để ý đến nàng. Cũng là lẽ thông thường thôi vì đoàn có 20 người, nữ có 5, 6 người. Nàng trẻ nhất trong số đó, dáng lại cao ráo, trắng trẻo... còn lại toàn từ 40, 50 tuổi trở lên. Nhưng tôi chỉ thực sự để ý khi trông thấy sự săm sắn đi cùng, giúp người này, người kia trong đoàn đi mua thứ nọ thứ kia, vô tư chụp ảnh, cụng ly với các anh trong các cuộc vui của nàng. Thích thì thích thế thôi, chả sức đâu mà đua chen tìm hiểu những bóng hồng như thế... Hơn nữa, trong đoàn có một chàng ở tỉnh được mọi người đặt cho nickname Công tử vì sự sành điệu, mua sắm thoải mái tơi bời. Ai cũng thấy “công tử” luôn theo sát và rất ga-lăng với nàng, tặng nàng rõ nhiều thứ khi shoping...
Vậy mà không biết sao...!
Hôm đó là thứ Bảy của tuần cuối chuyến công tác, cả đoàn cùng nhau đi một chặng đường dài đến Praha, thành phố vàng, thủ đô của Nước Cộng hòa Sec. Chiều đó, nhận phòng xong cả đoàn thong dong tìm hiểu Praha. Chúng tôi đi vào trung tâm, tìm đến cầu Đá - cầu Charles có tuổi đời gần 700 năm bắc qua con sông Vltava, nối hai bờ đông, tây Praha.
Khi vừa từ khu phố cổ Stare Mésto, băng qua Quảng trường Old Town, đi qua tháp cổng bước lên cầu Charles, tôi sững người trước một không gian vàng mở ra trước mặt, vừa rực rỡ, vừa óng ả như mật thì nghe tiếng nàng ngay bên: Ôi đẹp quá anh ạ! Tôi quay sang, nàng chỉ tay qua thành cầu, hướng dọc theo hai bờ sông Vltava. Đẹp như hư ảo. Nắng chiều hoàng hôn đang phủ xuống làm muôn mái nhà cổ dát vàng ánh lên rực rỡ rồi soi xuống mặt nước sông trôi lấp loáng với những du thuyền , những đôi thiên nga dập dờn trên sóng. Trên bờ, dưới những tán cây cũng ngời sắc đỏ là những cặp đôi tay nắm tay ngồi bên những tách cà phê, những cốc bia vàng óng...Và nàng nữa, mái tóc đổ dài trên bờ vai mảnh, đôi mắt luôn biết cười giờ nhìn vào có thể trông thấy cả một khung trời vàng mật. Chợt nhiên lúc ấy, tôi dường như chỉ nhìn thấy Stare Mésto trong mắt nàng.
Trên cầu nườm nượp người dạo bước ngắm cảnh. Nhiều người còn đứng làm mẫu để các họa sĩ vẽ chân dung trong vòng mấy chục phút. Tôi tranh thủ nắm tay kéo nàng kề bên, sợ lạc... Tôi bảo, này em có biết sao, người Việt mình lại gọi đây là Cầu Tình không? Thế á, chắc là do nhiều đôi tình nhân đến đây. Đúng nhưng mà chưa đủ, hàng trăm năm nay tương truyền cứ đôi nào đến đây cùng nhau đi qua cầu, các vị thánh có tượng đặt trên thành cầu sẽ giúp cho cùng nhau được quay trở lại. Thật thế á? Thì anh cũng như em giờ mới đến. Hay mình thử làm một đôi? Nàng cười vang rồi khoác tay tôi, nào đi... Hai đứa đi thong dong, cầu dài gần cây số mà loáng cái đã sắp hết. Đây rồi tượng thánh John Nepopuk bằng đá sừng sững bên thành cầu bên phải. Tôi cùng nàng đặt tay vào chân tượng, nơi có tấm bảng đồng ánh lên nhẵn bóng. Nhất định có ngày cả hai sẽ cùng nhau trở lại nơi này...
Chuyến công tác kết thúc. Cả một năm sau, tôi chỉ lên ngồi ăn cơm với nàng và mấy anh em cùng đoàn được một lần. Mọi người đều bận. Nhưng trên sóng thì các cuộc trò chuyện mở ra gần như hàng ngày. Đến mức lúc nào đó, tôi lại cảm thấy thiếu vô cùng khi trên màn hình nhỏ xíu không có tín hiệu gì từ nàng.
Mùa hè năm sau, tôi dự sự kiện ở Hà Nội. Có nàng. Tin nhắn đến khi cuộc họp chưa bắt đầu “Hôm nay em chiêu đãi anh nhé!” Hôm đó, chúng tôi đã nói, cứ như là không thể nào hết chuyện. Đến mức không nhớ đêm đã rất muộn.
“Nếu hôm trên Cầu Tình, chúng mình là người tình thì sao em nhỉ” - tôi hỏi nhỏ vào tai nàng trước khi chia tay. “Em không biết nữa”. Tiếng nàng nhẹ như hơi thở. Và gió đêm mềm trên tóc nàng làm tim tôi rối tung.
Hai tuần sau đó, tôi đi công tác liên miên vào miền Trung. Những cuộc trò chuyện với nàng đã xuyên không gian suốt ngày đêm. Có một đêm trắng, tôi đã nói cho nàng nghe, sẽ như thế nào nếu mình là người tình của nhau... Nàng nhắn lại, “ôi thật không anh?”...
Sau chuyến công tác, tôi lao ngay lên Hà Nội, đợi đón nàng ở cơ quan ra. Rồi sau đó, mọi chuyện cứ như một giấc mơ. Khi tỉnh lại, chỉ thấy đời thực là nàng đang trong vòng tay tôi.
Nàng không phải là người đàn bà đầu tiên của tôi. Nhưng chưa ai nồng nàn như thế và ghen như thế. Hầu như các cuộc giận hờn, cãi vã bắt đầu những cơn bực bõ, “đay nghiến” của nàng từ việc ai gọi điện công việc mà thánh tha thánh thót thế? Sao mà nhiệt tình thế? Anh có hết lòng với em không? Sao lâu thế rồi mà không thấy bóng dáng anh? Lại quên người ta rồi đấy à...? Hay lại tít mít với cô nào ở đâu rồi...?
Lần này thì khởi sự cũng là như thế. Sốt ruột, tôi ngắt điện thoại trước. Và sau đó, là sự im lặng dài từ phía bên kia.
Tôi đã gọi liên tục, bằng các số khác nhau sau đó nhưng chỉ thấy máy báo bận. Lúc nào cũng thế. Máy cơ quan thì chuông réo không nghe. Tin nhắn thì không nhận. Hay nàng có việc gì ...? Làm sao thì cũng phải nhắn được một câu chứ? Kiểu này có ai rủ đi chơi đâu mấy ngày, cắt máy cho bõ tức...!
Tháng trước gặp nhau, nàng ngúng nguẩy “anh lúc nào cũng bận lắm, lâu rồi chả có cho người ta đi đâu”. Bây giờ đã lên kế hoạch cho cả một chuyến đi mà cứ như thế này, đúng là điên hết cả người. Mà sao hai đứa lúc bận rộn công việc không gặp nhau mấy tuần là phát rồ lên, dù vẫn lắm khi chủng chà chủng chẳng… Gọi hỏi người nọ người kia cũng ngại, mà sao phải thế cơ chứ! Nhưng đúng là chờ đợi thế này không thể chịu được.
Thôi, lần này hòa bình trở lại không chấp cái tính hoạn thư của nàng nữa... Mà là tại hôm đấy trên cầu Charles, mình chưa hôn nhau như những cặp tình nhân khác...?
Nếu như vậy, mình trở lại Cầu Tình đi em!
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202103/minh-tro-lai-cau-tinh-di-em-3047061/