Mitsubishi Heavy dừng tham vọng máy bay chở khách sau khi 'đốt' hàng tỉ đô la để phát triển

Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản hôm 7-2 thông báo 'khai tử' dự án phát triển máy bay phản lực chở khách chặng ngắn đã tiêu tốn khoảng 7 tỉ đô la Mỹ trong 15 năm qua. Trước đây, dự án nhiều lần bị trì hoãn do sự thiếu kinh nghiệm trong ngành công nghiệp hàng không cũng như sự thay đổi lãnh đạo của Mitsubishi Heavy.

SpaceJet bay thử nghiệm vào năm 2020. Ảnh: AP

SpaceJet bay thử nghiệm vào năm 2020. Ảnh: AP

Dự án sụp đổ vì thiếu năng lực kỹ thuật

Máy bay chở khách của Mitsubishi Heavy, ban đầu được gọi là Mitsubishi Regional Jet và sau đó là SpaceJet, được thiết kế có 90 chỗ ngồi và có thể bay các tuyến bay chặng ngắn phổ biến ở Mỹ và Nhật Bản.

Mitsubishi Heavy, đã tao dựng được danh tiếng với việc phát triển máy bay chiến đấu Zero trong Thế chiến thứ hai, quyết định triển khai dự án máy bay chở khách vào năm 2008 và nhận được trợ cấp từ chính phủ Nhật Bản.

Đợt giao hàng đầu tiên của Mitsubishi Heavy được lên kế hoạch vào năm 2013, cho hãng hàng không All Nippon Airways của Nhật Bản.

SpaceJet được kỳ vọng là chiếc máy bay chở khách đầu tiên được sản xuất và phát triển trong nước kể từ chiếc máy bay phản lực cánh quạt YS-11, do Nihon Aircraft Manufacturing Corporation sản xuất, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1962. Tuy nhiên, thời hạn đó đã bị hoãn lại sáu lần do Mitsubishi Heavy đối mặt với các vấn đề bao gồm việc thiếu năng lực kỹ thuật. Vào thời kỳ đỉnh cao, Mitsubishi Aircraft Corp, đơn vị phát triển máy bay của Mitsubishi Heavy, sử dụng khoảng 1.000 nhân viên, bao gồm cả các kỹ sư từ nước ngoài, nhưng con số đó hiện nay giảm xuống còn khoảng 100 người.

Dự án của Mitsubishi Heavy bị trì hoãn nhiều lần một phần là do những sai lầm trong thiết kế máy bay cho thị trường Mỹ. Mitsubishi Heavy cho biết một số hãng hàng không khu vực nhất định ở Mỹ không thể vận hành mẫu 90 chỗ ngồi của công ty vì họ đã ký kết các thỏa thuận với các công đoàn đoàn phi công về kích thước máy bay. Mitsubishi Heavy cũng nhận ra rằng hệ thống dây điện chính và dự phòng của máy bay SpaceJet chạy quá gần nhau, không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quy định của Mỹ và buộc phải thiết kế lại.

Seiji Izumisawa, Giám đốc điều hành của Mitsubishi Heavy, nói vào hôm 7-2: “Có lẽ Nhật Bản thiếu các kỹ sự giàu kinh nghiệm”.

Ông cũng cho biết vì dự án không đủ lớn, Mitsubishi Heavy rất khó để có được những điều khoản tốt từ thỏa thuận hợp tác với các đối tác hàng không tiềm năng.

Trước đó, dự án SpaceJet đã nhận được đầu tư từ các công ty lớn của Nhật Bản bao gồm Toyota, Sumitomo, Mitsui và các đơn bị thành viên khác thuộc tập Mitsubishi Heavy.

Izumisawa nói với các phóng viên rằng dự án đã bị tàn phá bởi cú sụp đổ trên thị trường máy bay chở khách sau khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại hàng không bị đình trệ.

“Chúng tôi không thể tìm thấy đủ tiềm năng kinh doanh để tiếp tục phát triển”, ông nói đồng thời cho biết thêm rằng Mitsubishi Heavy sẽ tập trung vào dịch vụ bảo dưỡng máy bay khu vực mà họ mua lại từ Bombardier.

SpaceJet đã tiêu tốn của Mitsubishi Heavy hơn 7 tỉ đô la

Các nhà phân tích ước tính tổng chi phí phát triển máy bay phản lực chở khách của Mitsubishi Heavy là hơn 7 tỉ đô la. Mitsubishi Heavy từ chối xác nhận con số đó. Nhưng Mitsubishi Aircraft Corp đã báo cáo khoản lỗ hàng năm tương đương 4,9 tỉ đô la vào năm 2020 khi dự án đang dần đến hồi kết.

Mitsubishi Heavy, với các hoạt động kinh doanh trải rộng từ tuốc-bin khí, đóng tàu, động cơ tăng áp, tên lửa vũ trụ và máy bay chiến đấu, đã mua lại bộ phận máy bay phản lực khu vực của hãng sản xuất máy bay Bombardier (Canada) với giá 550 triệu USD vào năm 2019.

Đến năm 2020, Mitsubishi Heavy đóng băng dự án phát triển máy bay SpaceJet với lý do cơn bùng phát Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại hàng không trên toàn cầu. Vào thời điểm đó, Mitsubishi Heavy để ngỏ khả năng khởi động lại dự án khi đại dịch qua đi.

Nhưng vào hôm 7-2, khi du lịch hàng không gần như trở lại bình thường trên toàn cầu, Mitsubishi Heavy thông báo dừng dự án máy bay phản lực chở khách vĩnh viễn.

“Đó là một ngày buồn”, Ulrike Schaede, giáo sư kinh doanh Nhật Bản tại Đại học California ở San Diego (Mỹ), nói. Bà cho biết Mitsubishi Heavy đáng lẽ có thể nắm bắt “một thị trường ngách toàn cầu thực sự tốt” nhưng công ty này luôn hành động chậm trễ.

Izumisawa cho biết Mitsubishi Heavy đã ước tính mất vài năm nữa, với chi phí khoảng 1 tỉ đô la/năm, để công ty ông giành được giấy phép chứng nhận an toàn bay cho một loại máy bay chở khách. Izumisawa cho biết ông đã tin tưởng rằng công ty ông có năng lực kỹ thuật để chế tạo một chiếc máy bay có thể vận hành thương mại chứng kiến máy bay SpaceJet thực hiện các chuyến bay thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, ông thừa nhận: “Chúng tôi thiếu sự chuẩn bị và kiến thức đầy đủ để biến dự án thành một mảng kinh doanh”.

Theo Izumisawa, Mitsubishi Heavy thiếu hiểu biết về quy trình để chứng nhận một chiếc máy bay thương mại tinh vi, chậm trễ đáng kể trong quá trình phát triển do những sửa đổi lớn trong thiết kế. Ngoài ra, Mitsubishi Heavy còn thiếu nguồn lực để tiếp tục phát triển dự án.

Tin tức dừng vĩnh viễn dự án SpaceJet không hoàn toàn xấu đối với hoạt động kinh doanh máy bay của Mitsubishi Heavy, vốn tham gia trong một dự án hợp tác giữa Nhật, Anh và Ý để chế tạo mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới dự kiến sẵn sàng ra mắt vào thập niên 2030. Mitsubishi Heavy tiết lộ một số kỹ sư của dự án máy bay chở khách SpaceJet sẽ được điều chuyển sang làm việc ở dự án phát triển chiến đấu cơ này.

Theo WSJ, Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mitsubishi-heavy-dung-tham-vong-may-bay-cho-khach-sau-khi-dot-hang-ti-do-la-de-phat-trien/