Mớ cá suối của người thầy vùng cao

Hình ảnh những ngày nghỉ, các thầy giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Nhé (Điện Biên) cùng nhau xuống suối bắt cá, hay nhiều cô giáo cắm bản tự cải tạo mảnh vườn sau trường để trồng rau cải thiện bữa ăn là một 'lát cắt' phần nào nói lên những khó khăn trong đời sống của các thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Khó khăn là vậy nhưng phần lớn thầy, cô vẫn yêu nghề, bám lớp, miệt mài với nghiệp 'đưa đò'.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu tình yêu, sự đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề sẽ kéo dài được bao lâu khi gánh nặng mưu sinh vẫn đè nặng lên vai người thầy?

Thực tế, năm học 2021-2022, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục. Trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là hơn 10.000 người. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do thu nhập từ công việc giảng dạy không đủ cho các giáo viên bảo đảm cuộc sống; nhiều thầy cô phải làm nghề phụ ngoài giờ để trang trải sinh hoạt, trong khi vừa phải soạn đủ loại giáo trình, giáo án, bài giảng, tập huấn, kiểm tra; vừa phải nêu gương mẫu mực, chăm sóc, dạy bảo học sinh “như mẹ hiền”... Có quá nhiều áp lực và tác động xã hội đan xen vào đời sống giáo viên. Vậy, còn đâu không gian sáng tạo, còn đâu lòng nhiệt huyết để thầy cô cống hiến với nghề?

 Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Cha ông ta có câu: "Có thực mới vực được đạo". Vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi đặc biệt cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, trong đó có giáo viên vùng cao được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị nhiều lần, cần được Trung ương quan tâm một cách cấp bách, thiết thực, hiệu quả để giải quyết phần nào khó khăn trong đời sống giáo viên hiện nay. “Làm sao tiền lương đủ trang trải cuộc sống, để thầy cô yên tâm gắn bó với nghề?”, câu hỏi của các thầy cô cắm bản vùng sâu khiến chúng tôi day dứt nhiều điều. Quả thực, không thể có chuyện sự đãi ngộ ở mức bình thường, trong khi lại mong muốn thầy cô phải cống hiến phi thường!

Song song với việc chờ cơ quan chức năng Trung ương có quyết sách chung, thiết nghĩ, mỗi địa phương trên cơ sở nguồn lực kinh tế cần có sự hỗ trợ kịp thời bằng nhiều hình thức đối với các thầy cô, đặc biệt ở nơi khó khăn, gian khổ. Đó có thể là hỗ trợ phụ cấp hằng tháng; nơi ăn ở; điều kiện sinh hoạt, giảng dạy; giảm bớt áp lực thi tuyển, kiểm tra và hành chính; áp dụng chuyển đổi số trong hỗ trợ việc dạy và học; đồng thời bảo vệ, tôn vinh xứng đáng đội ngũ nhà giáo, lan tỏa truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng xác định đòi hỏi đất nước cần một đội ngũ trí thức, chuyên gia hùng hậu phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đào tạo được đội ngũ như vậy cần lực lượng đông đảo nhà giáo có năng lực chuyên môn cao và tâm huyết với sự nghiệp "trồng người".

Nghề giáo là nghề cao quý, cả xã hội tôn vinh người thầy! Dẫu biết khó khăn trong đời sống không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng chúng ta hy vọng mỗi thầy, cô giáo mãi nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn dù phải cải thiện bằng mớ cá suối, luống rau tự trồng vẫn luôn đem hết kiến thức, kỹ năng truyền dạy cho lớp lớp thế hệ học trò bằng tấm lòng cao cả nhất.

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mo-ca-suoi-cua-nguoi-thay-vung-cao-711334