Mở công viên nhưng đừng 'thả nổi' hoạt động

Công viên Thống Nhất cũng giống như nhiều địa điểm công cộng khác, khi người dân tiếp cận dễ dàng hơn thì những hình ảnh lộn xộn cũng xuất hiện nhiều hơn.

Chủ trương “mở rào” công viên lớn của Hà Nội với việc thí điểm tại công viên Thống Nhất thể hiện sự lắng nghe, cầu thị của ban ngành các cấp, đặt lợi ích của người dân là trung tâm mọi hoạt động.

Tuy nhiên, với những bất cập hiện hữu, “bàn tay” quản lý cần được thể hiện rõ ràng hơn nữa để việc thí điểm không uổng phí, để những lần triển khai tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.

Phương tiện giao thông hòa lẫn với dòng người đi bộ, khiến du khách đối mặt với nguy hiểm

Phương tiện giao thông hòa lẫn với dòng người đi bộ, khiến du khách đối mặt với nguy hiểm

Khuôn viên đông nghịt du khách vào dịp cuối tuần là minh chứng rõ nhất cho sự thành công của việc mở rào công viên Thống Nhất, dù có thể hơi muộn màng. Hoa và những tổ hợp trang trí được sơn sửa, chăm sóc; những đoàn tàu lăn bánh trở lại sau cả thập kỷ cùng tiếng cười nói của con trẻ;… công viên lớn nhất thủ đô thực sự “sống lại” như mong muốn của nhân dân và chỉ đạo của người đứng đầu Thành phố.

Song, công viên Thống Nhất cũng giống như nhiều địa điểm công cộng khác, khi người dân tiếp cận dễ dàng hơn thì những hình ảnh lộn xộn cũng xuất hiện nhiều hơn. Đó là tình trạng xả rác bừa bãi, nguy cơ mất an toàn và vệ sinh môi trường khi chó thả rông, không đeo rọ mõm, phương tiện giao thông hòa lẫn với dòng người đi bộ.

Du khách đối mặt với nguy hiểm, còn những con đường vốn đã hư hỏng sẽ còn tiếp tục nứt toác dưới những bánh xe, như thực tế “công viên lớn nhỏ thi nhau xuống cấp” mà VOV Giao thông đã từng phản ánh.

Đây là lúc “bàn tay” quản lý của các cơ quan có thẩm quyền cần được thể hiện rõ ràng hơn để không gian công cộng không bị biến thành “cái chợ”. Đầu tiên, như các chuyên gia đã phân tích, công ty chủ quản cần sớm hoàn thiện và thực hiện đề án cải tạo, nâng cấp công viên, tiến tới mở rào hoàn toàn càng sớm càng tốt.

Trong đó, cần phân định rõ từng khu vực chức năng: bãi để xe, khu giải trí, khu vực nhà hàng dịch vụ,… tránh lộn xộn, nhếch nhác; đánh giá hoạt động thường xuyên và yêu cầu trả mặt bằng nếu sử dụng không hiệu quả.

Chú trọng quản lý việc xã hội hóa các dịch vụ để có thêm kinh phí đầu tư cho hoạt động của công viên, công khai, minh bạch để người dân giám sát, tránh thất thu, tiêu cực.

Nhiều hạng mục trò chơi như đu quay, tàu lượn,… đã rỉ sét

Nhiều hạng mục trò chơi như đu quay, tàu lượn,… đã rỉ sét

Các hạng mục cần sớm được sửa chữa, nâng cấp, như trò chơi: đu quay, tàu lượn,… để du khách không khỏi bất an với hình ảnh thiết bị rỉ sét. Một công trình rất thiết thực khác là hệ thống nhà vệ sinh công cộng cũng cần được tăng cường cả số lượng và chất lượng.

Du khách sẵn sàng trả phí để sử dụng dịch vụ chất lượng, nên việc duy trì nhà vệ sinh sạch sẽ có thu phí hợp lý sẽ góp phần phục vụ tốt hơn và hạn chế tình trạng phóng uế bừa bãi.

Sau cơ sở hạ tầng thì việc duy trì lực lượng giám sát là vô cùng cần thiết để ngăn chặn vi phạm. Một công viên rộng tới 50ha mà chỉ có vài đồng chí công an phường đứng chốt, dăm ba nhân viên bảo vệ đi tuần tra, nhắc nhở thì việc xử lý vi phạm chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Do vậy, cần tăng quân số, tăng mức đãi ngộ gắn với trách nhiệm cho nhân viên an ninh, lực lượng bảo vệ.

Thực tế, với những vi phạm như vứt rác, phóng uế, đi xe vào công viên, thả rông chó,… chỉ cần có nhân viên nhắc nhở chứ chưa cần xử phạt thì đa phần người dân sẽ chấp hành. Còn với những trường hợp cố tình vi phạm thì lực lượng bảo vệ cần phối hợp chính quyền địa phương để xử phạt nghiêm, tạo tính răn đe.

Bên cạnh lực lượng an ninh thì việc tăng cường các biển bảng chỉ dẫn cũng rất quan trọng. Những tấm biển tuyên truyền quy định pháp luật, các chế tài xử phạt được lắp đặt ở nhiều vị trí thay vì chỉ một vài biển bảng ở cổng vào như hiện nay, cộng với hệ thống camera theo dõi sẽ có tác động nhất định đến ý thức người dân.

Và cuối cùng, cần huy động thêm nguồn sức mạnh to lớn từ cộng đồng trong công tác kiểm tra, giám sát, cả hoạt động của du khách lẫn cơ quan quản lý, vận động người dân vượt qua tâm lý ngại va chạm để cùng lên tiếng trước các hành vi vi phạm, hoặc phản ánh kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền.

Những kênh tiếp nhận phản ánh cần được công bố rộng rãi ở nhiều vị trí để người dân nắm bắt, có đội ngũ thường trực tiếp nhận thông tin và chuyển sang đơn vị chức năng kịp thời xử lý các vấn đề nổi cộm.

Chỉ khi cơ quan quản lý có trách nhiệm và cộng đồng cùng chung tay xây dựng thì hoạt động tại không gian công cộng mới đi vào nền nếp và người dân yên tâm thụ hưởng./.

Minh Hiếu/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mo-cong-vien-nhung-dung-tha-noi-hoat-dong-post1006906.vov