Mở cửa cho sản xuất kinh doanh, quyết không mở cửa cho dịch bệnh
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động phát triển KT-XH và đời sống nhân dân. Nhất là việc chưa hiểu đúng và thực hiện công tác phòng, chống dịch theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ của một bộ phận người dân, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Nhìn qua biểu đồ số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh từ ngày 27/1/2022 đến nay có chiều hướng tăng rất nhanh. Đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Đảo - những nơi mà trước Tết Nguyên Đán vốn là vùng xanh an toàn trong thời gian dài.
Thời điểm cuối ngày 27/1/2022, tỉnh ghi nhận số ca nhiễm ở mức hơn 9.500 ca, với số lượng ca nhiễm mới dao động khoảng 300 ca/ngày. Đến 15 h ngày 16/2/2022, các trường hợp mắc Covid-19 trên toàn tỉnh đã tăng lên gần 23.000, trong đó có những ngày số ca nhiễm mới tăng lên hơn 1.000 ca.
Giữ vững thế chủ động từ xa, từ sớm
Hơn 2 năm qua, Vĩnh Phúc đã đương đầu với nhiều sóng gió do dịch Covid-19 gây ra, nhiều bài học thực tiễn đã được đúc rút. Một trong những kinh nghiệm quý giá để chiến thắng vẫn là chủ động trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống.
Ngay từ trước kỳ nghỉ lễ Tết Nhâm Dần 2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đã tiên lượng được tình hình dịch bệnh sẽ phức tạp, số ca nhiễm Covid-19 có khả năng tăng nhanh khi người dân về quê vui Xuân, đón Tết. Khi đó các khu điều trị tập trung rất khó có thể đáp ứng đủ số giường bệnh.
Để ứng phó với tình hình mới, giữ thế chủ động trong phòng chống dịch, ngày 4/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3033 nhằm thống nhất hướng dẫn tạm thời cho các địa phương về “Tổ chức thực hiện quản lý và chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú hoặc tương đương”.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 tháng, một số địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện song song việc điều trị F0 tại các cơ sở điều trị và điều trị tại nhà riêng/nơi lưu trú, dẫn tới chậm trễ trong thực hiện quy trình phòng, chống dịch, làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Vì vậy, để linh hoạt thích ứng với tình hình mới, các xã, phường, thị trấn đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh.
Chính quyền các địa phương phát huy tối đa tính chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo tốt nhất nhân lực, vật lực cho các trạm y tế lưu động, sẵn sàng thiết lập giường bệnh điều trị F0 ngay tại nhà riêng/nơi cư trú nếu đủ các điều kiện cần thiết và người bệnh ở thể nhẹ.
Tiếp tục áp dụng triệt để công thức chiến thắng Covid-19 “Vắc xin + 5K + Ý thức”. Tăng tốc thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 mùa Xuân năm 2022. Từ đó tăng độ bao phủ vắc xin, đẩy lùi dịch bệnh, mở rộng vùng xanh thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) phục hồi và phát triển.
Tích cực tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, doanh nghiệp (DN) theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ, mở cửa cho hoạt động SXKD, quyết không mở cửa cho dịch bệnh.
Linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành
Với mật độ số ca nhiễm/ tổng số dân cao như hiện nay, các địa phương trong tỉnh cần linh hoạt chuyển trạng thái, thích ứng với tình hình mới, nhất là trong chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn một số xã tại huyện Lập Thạch, ngày 12/2/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nhấn mạnh: “Chống dịch cần thực hiện đúng quy định, song lúc lo cho dân thì phải vận dụng sáng tạo, linh hoạt nhất có thể. Quyết không nhùng nhằng, thiếu quyết đoán để người dân chịu thiệt thòi, lo lắng”.
Các kịch bản diễn biến của dịch Covid-19 luôn được BCĐ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh xây dựng nhanh chóng, cụ thể và đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất, sau đó truyền tải đến chính quyền địa phương thông qua hệ thống các văn bản chỉ đạo của tỉnh.
Bất kể tình huống nào, diễn biến nào của dịch bệnh đều được dự báo trước. Chính quyền cấp huyện, cấp xã, phường cần bám sát hệ thống văn bản và áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất.
Trong công tác phối hợp với các DN, chính quyền địa phương cần đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa nhằm giảm tối đa nguy cơ phát tán vi rút SARS-CoV-2.
Trong thời gian vừa qua, đã có một số ít DN khi phát hiện người lao động dương tính với vi rút SARS-CoV-2, đã không thông báo với chính quyền địa phương hoặc nơi cư trú mà bỏ mặc người lao động, đẩy họ về với gia đình, cộng thêm sự thiếu nhận thức từ bản thân người bệnh, làm lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng, khiến tình hình dịch bệnh diễn biến càng phức tạp.
Để khẩn trương khôi phục và mở rộng vùng xanh, chính quyền các cấp và người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì ở mức độ cao, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới, quyết tâm khống chế hiệu quả dịch Covid-19 nhanh nhất có thể, tạo thuận lợi cho hoạt động SXKD, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kép ngay từ đầu năm.