Mở cửa đón khách, cơ hội vàng để phục hồi ngành du lịch

Theo lộ trình, du lịch Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3, đón khách quốc tế ở tất cả các địa phương thay vì thí điểm như hiện nay. Toàn ngành du lịch, các địa phương, nhất là doanh nghiệp đều mong chờ ngày này, bởi đây thực sự là dấu mốc quan trọng, tạo điều kiện cho sự phục hồi trở lại của du lịch Việt Nam, sau thời gian dài kiệt quệ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vẫn đang hoàn thiện phương án mở cửa du lịch; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như các doanh nghiệp đón khách.

Đồ họa: Hồng Vân

Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch sắp tới, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, có rất nhiều các công việc cần triển khai đồng bộ. Trong đó chú trọng đến công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu mở cửa trở lại. Đồng thời, ngành du lịch cần xây dựng được những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh mới, đây cũng là vấn đề rất quan trọng để tạo ra sức hấp dẫn mới của các điểm đến tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch cũng cần phải đổi mới, triển khai quảng bá xúc tiến trên nền tảng số và tăng cường công tác chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Cuối cùng là công tác an ninh môi trường, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Cần có những chuẩn bị rốt ráo để trước ngày 15/3, sẽ có những sản phẩm, những hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp, địa phương, trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối lại được các thị trường và có nguồn khách quay trở lại Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết thêm, vấn đề cốt lõi để bảo đảm sự phục hồi của du lịch Việt Nam là nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm cơ sở vật chất, củng cố nhân lực du lịch. Bởi lẽ, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nguồn nhân lực du lịch bị thiệt hại nặng nề, nhiều lao động rời khỏi ngành, nhiều nơi cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp...

Do vậy, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục có những đề xuất kéo dài chính sách hỗ trợ liên quan đến tài chính, tín dụng… cho doanh nghiệp, người lao động trong ngành; đề xuất các chương trình đào tạo, đào tạo lại cho lao động du lịch. Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch.

Gỡ bỏ rào cản để sẵn sàng đón khách

Kiến nghị phục hồi và mở rộng chính sách miễn thị thực

Theo khảo sát gần đây của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tại các nước châu Âu, sau khi lệnh hạn chế đi lại được gỡ bỏ, nhu cầu đi du lịch đường dài của khách thường trên 15 ngày và kéo theo nhu cầu chi tiêu cao hơn.

Do đó, TAB kiến nghị kéo dài thời gian lưu trú của công dân các nước châu Âu, mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam như Úc, New Zealand, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh nên nhanh chóng mở web về xuất nhập cảnh mà không đợi đến ngày 15/3 để khách có thể đăng ký thị thực ngay.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, theo đề xuất, các quy định mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới được kỳ vọng sẽ linh hoạt hơn.

Đối với khách du lịch quốc tế đến bằng đường hàng không có thể lựa chọn xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR có giá trị 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh có giá trị 24 giờ trước khi xuất cảnh. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách không phải xét nghiệm tại sân bay mà về thẳng cơ sở lưu trú đã đăng ký và xét nghiệm tại đây.

Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, khách sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như điều kiện của khách nội địa.

Đối với khách đến bằng đường bộ và đường biển sẽ xét nghiệm nhanh ngay tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Khách du lịch được yêu cầu cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch bệnh theo quy định và duy trì kết nối liên tục trong thời gian du lịch ở Việt Nam. Ngoài ra, khách cần có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19, với mức trách nhiệm tối thiểu là 10.000 USD.

Theo lý giải của Bộ VHTT&DL, quy định khách du lịch “có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh là phù hợp với thực tế. Lý do là khách du lịch ở thị trường xa có thời gian bay dài, hoặc khách có thể gặp những vấn đề bất khả kháng, khách quan khiến chậm trễ nhập cảnh như chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc phải nối chuyến mất nhiều thời gian…

Để linh hoạt hơn, Bộ VHTT&DL đã đề xuất trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không), khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm

SARS-CoV-2. Nếu kết quả âm tính được tham gia các hoạt động du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt nếu có có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh) tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh cũng được tham gia du lịch, không phải thực hiện biện pháp cách ly.

Theo Bộ VHTT&DL, các quy định này hướng đến sự bình đẳng cho khách du lịch, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch quốc tế và nội địa, đồng thời tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Trong đó có khách du lịch đường biển, vì dòng khách này thường chỉ đi tham quan theo chương trình du lịch trong ngày, mặt khác các điều kiện an toàn phòng, chống dịch được đảm bảo.

Theo dự thảo phòng chống Covid-19 với người nhập cảnh đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế cũng đề xuất người nhập cảnh qua đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp PCR trong 72 giờ hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong 24 giờ trước khi về Việt Nam, trừ trẻ em dưới 2 tuổi. Giấy chứng nhận xét nghiệm được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp. Những đề xuất nêu trên của Bộ Y tế đã “cởi mở” hơn so với quy định hiện hành và được cho là sẽ gỡ bỏ những rào cản y tế, góp phần thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam ngay khi du lịch mở cửa.

Nhiều thủ tục xét nghiệm, doanh nghiệp lo Việt Nam kém hấp dẫn

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa có thư gửi Thủ tướng Chính phủ nêu lên các rào cản y tế gây trở ngại cho du khách quốc tế vào Việt Nam.

Cụ thể trong thư, hai đơn vị này cho biết những quan ngại liên quan đến các điều kiện y tế được đề xuất, cũng như các khuyến nghị về vấn đề này; cho rằng các quy định cần đơn giản nhất đến mức có thể và tránh lặp lại những sai lầm tương tự ở một số điểm đến du lịch quốc tế khác làm cho các điểm đến này kém hấp dẫn.

Trong đó, phản hồi về các điều kiện áp dụng cho du khách quốc tế và các khuyến cáo của Bộ Y tế, hai đơn vị trên bày tỏ lo ngại các yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 đối với du khách trước khi nhập cảnh và các thủ tục xét nghiệm sau đó sẽ vô cùng bất lợi, làm giảm đáng kể số lượng du khách muốn đến Việt Nam. Điều đó sẽ đặt Việt Nam vào tình thế rất bất lợi khi phải cạnh tranh với các nước khác để thu hút đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế.

Ngoài ra, các đề xuất này thể hiện sự phân biệt đối xử không nên có đối với du khách quốc tế về các điều kiện xét nghiệm và cách ly cao hơn nhiều so với người Việt Nam đi lại nội địa, cũng trái với chỉ đạo của Chính phủ về thích ứng với Covid và các xu thế trên thế giới.

Hai đơn vị trên khuyến nghị nên đi theo những gì đại đa số các quốc gia đang làm, đó là loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm trước khi bay và ngay khi đến, tất cả du khách quốc tế và du khách nội địa được đối xử giống nhau; làm rõ các chứng chỉ tiêm vắc xin đang trong thời hạn chưa quá 6 tháng kể từ mũi tiêm cuối cùng và chấp nhận hầu hết các loại chứng chỉ.

Bên cạnh đó, tất cả du khách có kết quả xét nghiệm dương tính sau khi nhập cảnh chỉ cần được cách ly tại khách sạn hoặc nơi cư trú cho đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính như đang áp dụng đối với du khách nội địa.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/mo-cua-don-khach-co-hoi-vang-de-phuc-hoi-nganh-du-lich-101552.html