Mở cửa du lịch: Hoặc thay đổi tư duy hoặc sẽ tụt hậu!

Ngày 15/3 vừa qua đánh dấu 1 năm Việt Nam mở cửa trở lại du lịch, tuy nhiên, trái với rất nhiều những kỳ vọng ồn ào được đặt ra trước đó, mở cửa khá sớm nhưng du lịch Việt đã trở thành 'kẻ đi trước về sau' khi tỷ lệ đón khách quốc tế thua xa các nước láng giềng.

Rất nhiều nguyên cớ đã được đưa ra để lý giải cho thực tế bẽ bàng này, tuy nhiên, sự thay đổi trong tư duy làm du lịch mới thực sự là yếu tố căn cốt để ngăn du lịch Việt ngày càng tụt hậu so với khu vực và thế giới.

 Người nước ngoài dạo chơi tại phố cổ Hội An, Quảng Nam, ngày 24/3/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

Người nước ngoài dạo chơi tại phố cổ Hội An, Quảng Nam, ngày 24/3/2022. Ảnh: Nguyễn Đông

1. Chở khách Nhật từ Tân Sơn Nhất, tài xế taxi thu cước 1,2 triệu với 7km, gấp 10 lần giá hiển thị trên đồng hồ; “Chặt chém” du khách cuốc xe cao gấp 10 lần cước phí, tài xế bị phạt 11 triệu đồng… những kiểu “ăn chặn”, “bắt nạt” du khách tưởng chừng đã “xưa như diễm” khi du lịch Việt nhiều năm qua liên tục hô hào cải tiến, cải tổ thực tế vẫn liên tục được phản ánh trên mặt báo thời gian qua. Thậm chí nói không quá lời, đó vẫn là vấn nạn, là mảng tối xấu xí cần phải được nhanh chóng loại bỏ, nếu không hệ quả sẽ không chỉ là việc khiến du khách phẫn nộ không có ý định quay trở lại mà còn làm xấu đi bộ mặt văn minh của đất nước.

Điều chua chát là nạn “chặt chém” không là “vấn nạn” duy nhất cứ mãi bám chặt, làm cản chân du lịch Việt. Tại Hội thảo “Mở visa, phục hồi du lịch” do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây, TS. Phạm Trung Lương - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch trước câu hỏi: “Tại sao trong một thời gian rất dài khách quốc tế lại ngại đến Việt Nam? Tại sao họ chưa chọn Việt Nam? Việt Nam mở cửa đầu tiên sau COVID-19 nhưng lại phục hồi chậm nhất?”, đã cho rằng có nhiều yếu tố quyết định ảnh hưởng việc lựa chọn điểm đến sau dịch. Đó là hình ảnh điểm đến, các giá trị hấp dẫn. Thứ hai là điều kiện để tiếp cận điểm đến, trong đó có visa. Tiếp theo là đường bay thẳng để du khách dễ dàng đến Việt Nam.

Thật đáng tiếc, cho tới nay, đó vẫn là một trong những “điểm nghẽn” chính yếu nhất của du lịch Việt. Trong đó, chính sách visa - thị thực liên tục được nhắc đến như một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất. Phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cũng cho thấy, việc cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5-25% mỗi năm. Điều này chứng minh, những thay đổi về chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn luôn là “chìa khóa” thu hút khách quốc tế, tạo ra sự bứt phá ngoạn mục cho du lịch.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, dù đã được mang ra mổ xẻ, phân tích rất nhiều nhưng đến nay, câu chuyện visa Việt Nam dành cho khách quốc tế bị đánh giá “thiếu thân thiện” vẫn chưa có hướng giải quyết.

Cách đây hơn một năm, chia sẻ tại Diễn đàn Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã thẳng thắn chỉ ra rằng, nếu như đa phần các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống, thì Việt Nam vẫn yêu cầu thị thực đối với hầu hết khách du lịch.

Đáng nói hơn, Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia… Chưa hết, chi phí thị thực du lịch cấp khi nhập cảnh tại cửa khẩu của Việt Nam cao gần gấp hai lần so với các nước như Campuchia, Lào hay Indonesia.

Cũng theo Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Chính sách cấp thị thực như vậy đã làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN”. “Việt Nam có quá nhiều thứ để khám phá, không thể đi hết trong một tháng”, “tôi được miễn visa và có thể đi lại nhiều lần trong 3 tháng. Điều này giúp tôi không tốn thời gian tính toán lịch trình để vừa khít 30 ngày như ở Việt Nam”… những chia sẻ này của du khách có lẽ cũng là nỗi đau đáu của bất cứ người làm du lịch nào.

Theo ông Phạm Hà - CEO Lux Group, các nước hút khách quốc tế, đặc biệt khách giàu, bằng chính sách “visa vàng”, “second home”. Về thời gian lưu trú, Thái Lan kéo dài từ 30 lên 45 ngày. Đài Loan tái áp dụng chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi theo đoàn qua các công ty lữ hành. Hàn Quốc nối lại visa multiple (cho phép khách ra vào nhiều lần) với thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, trong khi Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan 64. Còn Việt Nam hiện là 25 quốc gia, thời gian lưu trú thường chỉ 15 ngày.

 Năm 2022 Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách. Ảnh: Thanh Niên

Năm 2022 Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách. Ảnh: Thanh Niên

2. Lượng khách chỉ nên chỉ là những… con số để tham khảo, thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách đến Việt Nam như lâu nay, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn cũng là một “điểm nghẽn” tư duy nữa mà những người làm du lịch Việt cần phải thay đổi. Khách đến Việt Nam chi tiêu ít là thực tế không phải bây giờ mới xảy đến mà đã là thực tế được chỉ ra từ lâu.

Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cùng lưu trú khoảng thời gian hơn 9 ngày, nhưng trung bình một khách đến Thái tiêu 2.500 USD, còn tại Việt Nam chỉ 1.200 USD. Theo ông Chính, quan trọng nhất là số tiền thu được từ khách, theo ông Chính, có khi khách ít còn mừng hơn nếu số tiền thu được nhiều hơn, bởi khách quá đông cũng sẽ gây hại cho môi trường, trong khi xu hướng chung của thế giới là du lịch bền vững. “Chúng ta cần thay đổi quan điểm, lượng khách chỉ nên là con số để tham khảo; quan trọng là doanh thu của ngành du lịch chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của đất nước”, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group cho rằng: “Thay vì chỉ tập trung vào hoàn thành con số, chúng ta nên làm sao để khách chi tiêu nhiều hơn, ở dài ngày hơn, khiến họ cảm thấy vui sau chuyến đi, muốn quay lại hay giới thiệu cho bạn bè, người thân về Việt Nam”.

Ông Phạm Hà lấy Thái Lan làm ví dụ, rằng du lịch Thái Lan rất giỏi trong việc buộc khách phải mở hầu bao, như cung cấp nhiều dịch vụ và khéo léo trong cách bán hàng. Họ đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, mua sắm hoàn thuế và nhiều dịch vụ hấp dẫn khác mà luật pháp không cấm. Còn đến Việt Nam, khách Tây vẫn phải đi ngủ sớm, không có nhiều dịch vụ đáng tiêu tiền.

Cũng theo Chủ tịch Lux Group, du khách cao cấp có nhu cầu tìm về những điểm đến mới, xanh hơn, thuận tiện, nhiều trải nghiệm, giàu cảm xúc cho thân, tâm và tuệ. Chúng ta phải đặt khách hàng làm trung tâm, thỏa mãn họ mọi điểm chạm để khách đi rồi muốn quay lại thay vì một đi không trở lại. Muốn vậy khách đến Việt Nam phải dễ dàng hơn, đến rồi được tiêu nhiều tiền hơn, vui hơn.

Rõ ràng, từ câu chuyện chặt chém, chính sách visa, công tác quảng bá tiếp thị, xây dựng sản phẩm du lịch, thông điệp hút khách... rất nhiều những điểm nghẽn đang ngáng đường du lịch Việt. Việc khôi phục nhanh ngành du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân, hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước liên quan đến ngành du lịch, vì thế, câu chuyện gỡ những điểm nghẽn ấy cần phải được chung tay làm ngay.

Như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023: “Trách nhiệm phát triển du lịch nhanh, bền vững là của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp; không phải trách nhiệm của riêng ai”. Nếu không có sự chung tay và thay đổi tư duy một cách quyết liệt tích cực hơn nữa, du lịch Việt rất có thể sẽ còn tiếp tục tụt lại phía sau.

Trang Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mo-cua-du-lich-hoac-thay-doi-tu-duy-hoac-se-tut-hau-post239432.html