Mở cửa du lịch: Sát 'giờ G' tour khách Tây vẫn ế vì 'bắt cách ly, test liên tục'
Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, họ đang trong tình trạng 'ế tour', chưa thể bán các sản phẩm tới du khách quốc tế vì hướng dẫn mở cửa du lịch từ 15/3 còn thiếu thống nhất.
Ngày mở cửa cận kề, tour... vẫn ế
Trước thời điểm dự kiến mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới (15/3/2022) chỉ một tuần, các doanh nghiệp vẫn đang ngày ngày mong ngóng quyết định phê duyệt chính thức từ Chính phủ. Việc chưa có phương án mở cửa thống nhất, rõ ràng khiến các doanh nghiệp không thể tự tin giới thiệu, bán tour cho du khách quốc tế.
Các doanh nghiệp cũng e ngại, việc mở cửa "nửa kín nửa hở" sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Campuchia...
Ông Hà Đức Mạnh - Giám đốc công ty du lịch Amica Travel chuyên thị trường khách Pháp bày tỏ quan điểm: "Chúng ta không thể "ảo tưởng" rằng, du khách đang đứng sẵn trước cửa nhà mình và khi mình mở cửa, họ sẽ tấp nập đổ vào. Hoàn toàn không có chuyện đó. Thực tế, khi có phương án mở cửa, chúng tôi phải trình bày rất rõ với họ mở cửa như thế nào, thuận tiện ra sao, ưu điểm là gì, thậm chí phải chèo kéo bằng các hình thức truyền thông, quảng cáo, tung nhiều sản phẩm hấp dẫn... thì họ mới tới".
Ông Mạnh cho biết, hiện tại cũng có những khách hàng thân thiết tại Pháp đã liên lạc tới công ty ông để tìm hiểu việc du lịch Việt Nam trong tháng 4, tháng 5, một số khác thì tìm hiểu tour vào tháng 6, tháng 7.
"Tuy nhiên họ mới chỉ đang tham khảo chứ chưa hoàn toàn chắc chắn chốt tour. Chúng tôi cũng chưa biết các quy định cụ thể để tự tin giới thiệu, cập nhật cho họ", ông Mạnh chia sẻ. "Theo tôi, sẽ còn phải rất lâu sau thời điểm 15/3, các doanh nghiệp mới đón được lượng khách quốc tế khả quan", ông Mạnh nói thêm.
Trong chương trình thí điểm từ tháng 11/2021 đến nay, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam đã đón hơn 4.000 khách Nga đến với Khánh Hòa nhưng ông Bùi Quốc Đại, Trưởng phòng Điều hành công ty này vẫn bày tỏ lo ngại số lượng khách đến Việt Nam sau ngày 15/3 sẽ không nhiều.
Ông cho biết ngày 17/3 công ty sẽ có đoàn khách Nga, song sản phẩm vẫn phải xây dựng theo quy định đợt thí điểm giai đoạn hai (trước 15/3), tức là du khách ở trong khu nghỉ dưỡng 3 ngày đầu tiên và khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới có thể tham gia các tour du lịch.
Ông Đại cho rằng nếu quy định này không thể bỏ sau 15/3, doanh nghiệp du lịch sẽ mất đi phân khúc khách hàng tầm trung, vì chi phí ở khu nghỉ dưỡng 3 ngày đã chiếm tới 50% cả kỳ nghỉ.
Nếu mất đi dòng khách này thì không thể lấp đầy các chuyến bay thuê bao và làm giá tour tiếp tục tăng cao. Cũng theo ông Đại, việc yêu cầu khách cách ly 72 giờ và test liên tục cũng sẽ không phù hợp với thị trường khách đến từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, châu Á.
"Du khách tới từ các quốc gia trong khu vực thường chỉ du lịch tại Việt Nam ngắn ngày, vì thế, nếu yêu cầu trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú thì họ khó lòng chấp nhận. Trong khi đó, từ ngày 1/3, du khách tới Thái Lan theo chương trình Test & Go sẽ chỉ phải chờ kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ nhất tại khách sạn hoặc tàu thủy, tùy theo đường nhập cảnh. Các quốc gia lân cận như Philippines, Campuchia cũng đã rất cởi mở. Theo tôi đề xuất của Bộ Y tế đang nâng mức quy định cho du lịch khó hơn cả đợt thí điểm đón khách thứ hai", ông Đại nêu ý kiến.
Nhiều doanh nghiệp cũng kêu khó khi Việt Nam chỉ chấp nhận thời hạn không quá 6 tháng của giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 trong khi hầu hết quốc gia châu Âu là 9 tháng.
"Các doanh nghiệp du lịch chịu tổn thương rất lớn sau dịch Covid-19 kéo dài đằng đẵng hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp. Nếu không có chính sách mở cửa hợp lý, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội vàng để cứu sống "ngành công nghiệp không khói". Tôi e rằng, nếu còn cách ly, còn yêu cầu test Covid-19 liên tục, còn các ràng buộc phức tạp của từng địa phương cá thể thì chúng ta sẽ không đón nổi khách nào", bà Bùi Băng Giang - Giám đốc công ty lữ hành Asia Exotica chuyên thị trường khách nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha bày tỏ. "Chúng ta không nên chủ quan nhưng không thể chỉ mở cửa cầm chừng mãi được", bà nói thêm.
Thiếu chuyến bay, hệ thống lưu trú, nhà hàng... ít ỏi
Theo bà Giang, một khó khăn lớn với việc đón khách quốc tế trở lại Việt Nam chính là việc thiếu đường bay. Trước đây, thị trường khách quốc tế nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có thể tới Việt Nam hàng ngày với các chuyến bay của nhiều hãng hàng không lớn Qatar, Emirates, Turkish, Vietnam Airlines, ThaiAirway, Cathay Pacific... thì nay, rất ít hãng đã mở lại.
"Hiện tại, Thái Lan đã đón 5-6 chuyến bay của Emirates mỗi ngày. Chỉ con số này cũng đủ cho thấy sự chênh lệch trong khả năng cạnh tranh của nền du lịch nước ta và nước bạn", bà Giang cho biết.
Chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng trực tiếp tới công ty Anex Việt Nam. Ông Đại cho biết, thời điểm này, số lượng chuyến bay đưa du khách Nga sang Việt Nam đã giảm 25%, từ 8 chuyến xuống 6 chuyến/tháng.
Theo các doanh nghiệp du lịch này, họ còn gặp khó khăn khi các đối tác như khách sạn, resort, nhà hàng bị ảnh hưởng lớn sau dịch Covid-19, đội ngũ nhân lực ngành du lịch hạn chế.
"Rất nhiều đối tác thân thiết của chúng tôi trước đây như khách sạn, nhà hàng chuyên đồ Pháp đã đóng cửa rất lâu, có nơi nhân sự tan rã, chủ doanh nghiệp chuyển nghề. Những bên còn duy trì hoạt động thì cũng cần thời gian dài dể tuyển lại nhân viên, đào tạo đầu bếp, đầu tư cải tạo cơ sở vật chất... Có điều, với chính sách hiện tại, họ cũng không dám đầu tư mạnh tay do không dám chắc sẽ có khách", ông Hà Đức Mạnh - Giám đốc công ty du lịch Amica Travel chia sẻ.
Nhiều quốc gia đã có chính sách mở cửa du lịch rất ổn định, các dịch vụ lưu trú, nhà hàng hoạt động trơn tru, đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Điển hình có thể kể tới Dubai. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua, một số đoàn khách Việt Nam đã thành công tới đây du lịch và có những trải nghiệm ấn tượng. Đây là trở thành địa điểm thu hút du khách Việt.
Ông Ngô Văn Thỏa, Giám đốc Công ty Du lịch Châu Mỹ (Pan American Travel) cho biết thủ tục để đoàn sang tới Dubai rất thuận lợi: visa hoàn thiện chỉ trong vòng 48 giờ, chỉ mất 40 phút để được nhập cảnh. Đặc biệt, chính sách về nhập cảnh, du lịch của Dubai rất ổn định, không có tình trạng “nay mở, mai đóng”; các chính sách bảo hiểm y tế cho du khách cũng tiện lợi.
“Mới đây nhất, vào ngày 4/3 chúng tôi tiếp tục có một đoàn khách tới Dubai. Phía Dubai đã không còn yêu cầu kết quả test PCR với Covid-19 nữa mà du khách chỉ cần đưa giấy chứng nhận tiêm đủ vaccine. Thủ tục ngày càng trở nên nhanh chóng”, ông Thỏa cho biết.
Philippines hay Thái Lan với những chính sách mở cửa thông thoáng cũng đã thu hút rất đông du khách Việt Nam. Bộ Du lịch Philippines ngày 3/3 cho hay: phần lớn khách quốc tế đến quốc gia này là từ Mỹ, Canada, Anh, Hàn Quốc, Australia, Đức và Việt Nam. Chưa phải mùa cao điểm nhưng quốc gia này đã đón lượng khách tăng "đột biến".