Mở cửa kinh tế, những đòi hỏi từ thực tế: DN thiếu lao động trầm trọng
Mừng vì các địa phương dần mở cửa ngày 30/9, song nhiều doanh nghiệp cũng đau đầu lo giải bài toán thiếu nhân lực trầm trọng.
Lao động thất nghiệp, DN thiếu lao động!
Giám đốc Công ty TNHH May Đồng Tiến (Biên Hòa, Đồng Nai) Nguyễn Văn Hoàng chia sẻ, công ty ông có tới 8.000 người lao động (NLĐ), song hiện thiếu nhân lực trầm trọng do họ đã về quê tránh dịch.
Đến nay, công ty chưa lên được phương án đưa NLĐ trở lại khi quy định lưu thông liên tỉnh ở các tỉnh phía Nam “chưa thông”.
Công nhân Công ty may Thiên Lộc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhưng rất khó khăn vì các chi phí quá nhiều
“Công ty đang nỗ lực thực hiện 3 tại chỗ song mới huy động chưa đến 10% nhân lực. Hiện, 2 cơ sở 3.800 lao động thì chỉ có 80 người đi làm để phục vụ đóng hàng, còn hoạt động sản xuất đều phải dừng lại”, ông Tiến nói và cho biết, dù tỉnh đã có văn bản hướng dẫn nhưng ở TP Biên Hòa, các phường, xã đều nằm trong diện “vùng đỏ”.
Tương tự, Công ty TNHH Công nghiệp Đức Bổn (Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM) trước đây có 1.200 công nhân may xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phòng Nhân sự công ty cho biết, khi dịch bùng phát, công ty thực hiện “3 tại chỗ” nhưng cũng chỉ đủ điều kiện cho 25% công nhân tham gia.
Những công nhân còn lại, công ty trả lương từ đầu tháng 7 đến ngày 15/8, sau đó tạm hoãn hợp đồng. Hiện, khoảng 300 công nhân vẫn đang ở quê.
“Công ty đã xây dựng kế hoạch để mở cửa trở lại từ sau ngày 1/10, phương án từ 15% đến 30%, 50%..., còn 100% như trước đây thì chưa biết ngày nào. Lý do là không đủ lực lượng lao động sản xuất. Rất nhiều công nhân về quê hiện chưa được tiêm vaccine đầy đủ”, ông Trung nói.
Sau 3 tháng đóng cửa, Công ty Cổ phần Thực phẩm Agrex Saigon (chuyên sản xuất thực phẩm chế biến xuất khẩu) giờ muốn hoạt động trở lại nhưng chưa biết cách nào đưa công nhân về lại TP.HCM, nhất là khi nhiều người chưa được tiêm vaccine.
“Chưa kể với quy định chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động 30% nhân sự thì với đặc thù của ngành thực phẩm, chúng tôi không thể khép kín dây chuyền. Ít nhất cũng phải 70% nhân lực, tức là cần 600 - 700 công nhân”, Tổng giám đốc Agrex Saigon Phạm Hải Long nói.
Nguy cơ mất đơn hàng, mất thị trường
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo khảo sát tháng 9 của VCCI, trung bình có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.
Trong đó, khoảng 92% DN quy mô lớn báo cáo tình trạng cho thôi việc NLĐ. Còn ở các nhóm quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 81%, 94% và 90%. Tình trạng NLĐ mất việc làm phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL và các tỉnh duyên hải miền Trung, tỷ lệ lần lượt là 95%, 93% và 92%.
Điển hình như Tập đoàn Pouchen (Đài Loan) với khoảng 150.000 lao động làm việc ở nhà máy tại TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tiền Giang gần 1 tháng nay đã dừng sản xuất do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, trong khi vẫn phải trả lương cho NLĐ khoảng 1 triệu USD mỗi ngày.
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, việc đưa NLĐ quay trở lại sản xuất như thế nào, đảm bảo phòng dịch ra sao trong bối cảnh “sống chung với dịch bệnh” là giải pháp cần được bàn giữa DN và chính quyền địa phương, bởi nó phụ thuộc vào tình hình thực tiễn của từng địa bàn. Về phía Tổng liên đoàn cũng đã có gói hỗ trợ tiền ăn cho công nhân 1 triệu đồng/người cho mỗi đợt thực hiện “3 tại chỗ” để giảm gánh nặng cho DN. Ước tính, đợt giãn cách vừa qua của các tỉnh phía Nam, con số hỗ trợ khoảng hơn 1.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục hỗ trợ những đơn vị quay trở lại sản xuất.
Công ty Furukawa Denko - sản xuất phụ tùng điện cho ô tô xuất khẩu có nhà máy tại TP.HCM với 8.000 NLĐ và tỉnh Bến Tre với 4.600 NLĐ đang phải dừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu của Toyota, Honda. Một số dây truyền sản xuất tại Nhật Bản phải dừng hoạt động do thiếu phụ tùng.
Hay Tập đoàn Foxconn đã mua lại công ty con của Tập đoàn Sharp tại Việt Nam có trụ sở tại Bình Dương, hiện đang cần gấp khoảng 6.000 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất iPhone 13 trên toàn cầu, nhưng nhà máy đang bị phong tỏa để phòng chống dịch, khoảng 2.000 người không được đi làm.
Khách hàng của Foxconn thông báo, nếu không hoạt động trở lại, các đơn hàng này sẽ chuyển về Trung Quốc…
Đối với lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chỉ có khoảng 30% các nhà máy ở khu vực phía Nam duy trì được sản xuất kiểu cầm chừng, 70% không đủ điều kiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất. Số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ khoảng 20 - 30%.
Theo ông Nam, khảo sát mới đây cho thấy, trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm và ít nhất 300.000 lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo.
Dù vậy, chi phí để đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt, trung bình từ 30 - 50% đang tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát từ Hiệp hội cho thấy, chỉ khoảng 30 - 40% DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc trung bình mất khoảng 3 - 6 tháng để khôi phục được 50% công suất; 9 tháng đến 1 năm để khôi phục được 70% và mất 1,5 - 2 năm mới khôi phục được 100% nếu bắt đầu mở cửa sản xuất trong tháng 10…
Tương tự, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Các DN chưa có phương án thật sự tối ưu để tuyển lao động bởi việc giãn cách ở mỗi địa phương một kiểu.
Dự kiến, nếu TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam mở cửa trở lại trong tháng 10/2021, rất khó để công nhân quay trở lại làm việc bởi chỉ còn vài tháng nữa sẽ đến Tết.
Nhiều người có thể sẽ chọn ở nhà hoặc làm việc gần nhà mà không quay trở lại. Chưa kể, việc hạn chế đi lại là rào cản trong vấn đề tìm nguồn lao động thay thế.
Ông Giang nhận định, thâm hụt lao động từ nay đến cuối năm sẽ vào khoảng từ 35 - 37%. Lực lượng lao động có tuyển mới cũng không bù đắp được số NLĐ đã thiếu hụt từ việc dịch chuyển về các tỉnh.
Trong khi, lực lượng lao động mới phải đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm.
Hiệp hội đã đưa ra 3 kịch bản dự báo: Trong nửa cuối tháng 9, nếu các DN phía Nam không thể tái sản xuất thì xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt hơn 25 tỷ USD.
Còn nếu các DN đồng loạt hoạt động trở lại trong tháng 10/2021, nguồn lao động đáp ứng được 40%, công nhân được tiêm 2 mũi vaccine, xuất khẩu toàn ngành đạt 30 - 33 tỷ USD. Còn với kịch bản tăng trưởng kỳ vọng, xuất khẩu toàn ngành đạt 39 - 40 tỷ USD như kế hoạch năm đã đặt ra...
Bài toán nhân lực, cách nào?
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Sunkyo (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: Công ty có 6.000 NLĐ nhưng hiện sản xuất “3 tại chỗ” với khoảng 2.500 nhân sự.
Tuy nhiên, khu vực nhà xưởng chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng vài trăm người. Để giữ chân NLĐ, công ty phải thuê khách sạn cho gần 2.000 người với giá trung bình 600 triệu đồng/đêm, chưa kể chi phí xét nghiệm, ăn uống, vận chuyển đi lại.
Để nuôi quân, công ty vẫn phải trả lương cơ bản cho những lao động chính trong các tháng dịch.
Tương tự, Công ty giày Thiên Lộc (Q.12, TP.HCM) bình thường cũng có 2.600 lao động nhưng nay hoạt động chỉ với 70 người để duy trì những công việc cơ bản, còn lại phải cho tạm hoãn hợp đồng.
Ông Hà Quang Tuyến, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, trong thời gian chờ giải quyết chính sách BHXH, công ty đã quyết định chi 7 tỷ đồng để hỗ trợ mỗi công nhân 3 triệu đồng; phối hợp với địa phương tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân và xây dựng lộ trình đón công nhân trở lại làm việc từ đầu tháng 10.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty may Thành Công (KCN Tân Bình), công ty có nhiều chi nhánh tại các tỉnh phía Nam với 7.200 công nhân.
Những người làm việc “3 tại chỗ” ngoài lương 100% còn có chế độ khuyến khích khác. Với những người xin nghỉ không lương trong 3 tháng dịch, công ty cũng đã hỗ trợ 3 triệu đồng/3 tháng, tuy nhiên sẽ được chi trả cho những ai trở lại làm việc.
Cùng với chính sách chăm lo NLĐ, để giải quyết vấn đề nhân lực, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, vaccine là “chìa khóa”. Còn DN cần xây dựng nhiều kịch bản, ứng phó linh hoạt trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh.
Giám đốc Công ty TNHH May Đồng Tiến Nguyễn Văn Hoàng đề xuất: Ngoài giải pháp vaccine, cần cho phép DN được lấy NLĐ từ các địa bàn không có ca lây nhiễm, thực hiện các xét nghiệm để đưa vào làm việc…
Tập đoàn Foxconn cũng đề nghị tỉnh Bình Dương hỗ trợ công ty một số biện pháp duy trì sản xuất như hỗ trợ họ thiết lập khu nhà ở dã chiến gần nhà máy đủ cho 2.000 lao động theo các quy định về giãn cách và giao cho họ chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý; hỗ trợ họ tuyển dụng thêm 6.000 lao động mới.
Chủ tịch VASEP kiến nghị thêm, dừng áp dụng “3 tại chỗ”; lưu tâm hơn đến sản xuất trong hoàn cảnh sống chung với dịch; Không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây truyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.
Với tình hình mới, đại diện VCCI cho rằng, khi thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch cần chuyển từ phương pháp “Chọn - Cho” sang phương pháp “Chọn - Bỏ” (ngoài các việc phải được thực hiện theo yêu cầu kiểm soát dịch, tất cả các việc khác được phép thực hiện bình thường, miễn là bảo đảm yêu cầu 5K).
Các địa phương cần chủ động nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho DN tại địa phương thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về. Còn DN cũng cần chủ động xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn hơn, có kế hoạch phát triển hậu đại dịch...
TP.HCM chuẩn bị đủ vaccine để tiêm cho công nhân
Trả lời câu hỏi của PV về việc “TP có đủ vaccine để tiêm cho lực lượng công nhân trở lại làm việc sau ngày 30/9 hay không”, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết: TP chuẩn bị số vaccine để tiêm cho 7,2 triệu người.
Trong số này có cả lực lượng công nhân trước đây làm việc tại TP và nay đã về quê. Nếu họ trở lại sau ngày 30/9 thì vẫn có đủ vaccine để tiêm.