'Mở cửa' sang châu Âu: Nâng cao vị thế lao động Việt trên bản đồ quốc tế

Mỗi bước tiến vững vàng khi ra thế giới của lao động Việt Nam không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn đang góp phần nâng cao vị thế của người Việt Nam trên bản đồ lao động quốc tế.

Lao động Việt Nam làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lao động Việt Nam làm thủ tục để đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc mở cửa thêm các thị trường xuất khẩu lao động thu nhập cao không chỉ là cơ hội để người lao động Việt Nam vươn xa, mà còn là hy vọng đổi đời cho hàng nghìn gia đình trong năm mới Ất Tỵ.

Những thị trường ở khu vực châu Âu như Đức, Ba Lan, Hy Lạp, Romania… đang mở ra những “cánh cửa” mới với mức lương hấp dẫn từ 50 đến 100 triệu đồng/tháng, đem lại cơ hội làm việc trong môi trường hiện đại và chuyên nghiệp.

Thêm “cánh cửa” cho lao động đi châu Âu

Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa gần 160.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. Lao động Việt Nam ngày càng có thêm nhiều sự lựa chọn khi đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… các quốc gia trong khu vực châu Âu đang ngày càng mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc.

Những hiệp định của Việt Nam với EU như EVFTA đang mở ra thêm những “cánh cửa” hợp tác lao động giữa hai bên. Cơ hội việc làm tại các nước châu Âu ngày càng mở rộng, đặc biệt trong các ngành y tế, công nghệ, xây dựng, logistics và nông nghiệp. Đây đều là các thị trường không chỉ cung cấp mức lương hấp dẫn mà còn có chế độ phúc lợi tốt.

Đến nay, đã có Đức, Romania và mới đây là Ba Lan ký thỏa thuận với Việt Nam về hợp tác lao động. Còn lại các quốc gia khác trong khu vực châu Âu hoặc chưa có hợp tác hoặc hợp tác mới chỉ dừng lại ở mức hợp đồng nhỏ lẻ giữa các doanh nghiệp hai nước mà chưa được quy định cụ thể ở cấp cơ quan chức năng.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác về lao động giữa hai bên, Bộ trưởng Bộ Lao động và Xã hội liên bang Đức Hubertus Heil cho biết đến năm 2025, những người sinh sau thế chiến thứ 2 ở Đức đều đến tuổi nghỉ hưu và đến năm 2035, Đức sẽ có hơn 7 triệu lao động cần thay thế. Thiếu hụt lao động là vấn đề rất lớn đối với quốc gia này trong tương lai.

Theo vị lãnh đạo này, để giải quyết vấn đề thách thức, Đức đã tăng cường đào tạo lực lượng lao động trong nước, tuy nhiên số lượng lao động này không đáp ứng đủ trong bối cảnh già hóa dân số. Do đó, quốc gia này cần bổ sung số lượng lớn lao động nước ngoài và Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, có nhiều tiềm năng về nguồn nhân lực.

Cơ hội đi làm việc tại EU đang ngày càng rộng mở hơn khi ngay trong tháng 1/2025, Bộ Lao động Thương binh-Xã hội cùng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan ký kết Bản ghi nhớ thúc đẩy đưa chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan.

 Bộ Lao động Thương binh-Xã hội cùng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan ký kết Bản ghi nhớ thúc đẩy đưa chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động Thương binh-Xã hội cùng Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan ký kết Bản ghi nhớ thúc đẩy đưa chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề và lao động thời vụ Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhấn mạnh Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng trong lĩnh vực lao động đối với Phần Lan, ông Arto Olavi Satonen, Bộ trưởng Việc làm, Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan cam kết hỗ trợ các nhà tuyển dụng và chuyên gia để đảm điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển dụng thành công.

“Duy trì các tiêu chuẩn đạo đức và quy trình tuyển dụng suôn sẻ vẫn luôn là những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Phần Lan khẳng định tiếp tục là đối tác đáng tin cậy trong tuyển dụng quốc tế đồng thời mang lại chất lượng cuộc sống cao và nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho lao động Việt Nam,” Bộ trưởng Arto Olavi Satonen khẳng định.

Mặc dù tiềm năng hợp tác lao động là rất lớn, tuy nhiên số lượng lao động Việt Nam sang châu Âu còn khá khiêm tốn so với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm, chỉ chiếm chưa đến 10%. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đẩy mạnh ký kết các hiệp định, bản ghi nhớ về hợp tác lao động để tạo hành lang pháp lý, “mở cửa” thị trường, tạo thêm các cơ hội việc làm tại châu Âu cho lao động Việt Nam. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đàm phán để ký kết bản ghi nhớ hợp tác lao động với Hy Lạp.

Nâng cao vị thế trên bản đồ lao động quốc tế

Khẳng định chủ trương đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài nhằm phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trình độ tay nghề cho lao động Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhận định khu vực châu Âu là thị trường trọng điểm, có nhiều tiềm năng như thu nhập cao, môi trường an ninh, chính trị, xã hội ổn định, quan hệ tốt đẹp với Việt Nam. Bên cạnh đó, lao động Việt Nam đã bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường lao động quốc tế.

Hiện nay, tiềm năng và dư địa hợp tác giữa Việt Nam và EU nói chung và từng nước châu Âu nói riêng về lao động đang rất lớn. Hầu hết các nước trong EU đang có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực, bù đắp thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Trong khi đó, Việt Nam là nước có dân số trẻ, cần giải quyết việc làm, đào tạo kỹ năng nghề, tác phong lao động công nghiệp.

Tin tưởng người lao động sẽ là những nhịp cầu nối, góp phần làm bền chặt hơn mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong EU, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh: “Với thế mạnh của Việt Nam là dân số trẻ, người lao động Việt Nam thông minh, cần cù, chịu khó, ham học hỏi và các nước trong khối Liên minh châu Âu có nhu cầu tiếp nhận, sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài thì hợp tác lao động sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, sẽ có nhiều hơn nữa những thanh niên của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực EU làm việc.”

Những ngành nghề như y tế, công nghệ, xây dựng hay dịch vụ tại các quốc gia trong khu vực châu Âu đang chờ đợi bàn tay khéo léo và tinh thần chăm chỉ của người Việt. Để chuẩn bị cho hành trình đó, người lao động cần trang bị hành trang về chuyên môn, ngôn ngữ và cả sự tự tin để hòa nhập vào văn hóa mới. Hành trình này có thể đầy thử thách, nhưng từng giọt mồ hôi và nỗ lực sẽ đổi lại bằng cơ hội tích lũy tài chính, kinh nghiệm. Mỗi bước tiến ra thế giới không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc, khẳng định rằng người Việt Nam có thể đứng vững và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ lao động quốc tế./.

Các thị trường xuất khẩu lao động càng hấp dẫn thì các thông tin tuyển dụng lừa đảo lại càng nhiều, do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc cơ quan lao động nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ và làm thủ tục đưa đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14).

Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước địa chỉ: dolab.molisa.gov.vn (tại mục: danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động). Người lao động cần đối chiếu, kiểm tra thông tin doanh nghiệp để đảm bảo là doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép (tên, địa chỉ, mã số thuế...).

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/mo-cua-sang-chau-au-nang-cao-vi-the-lao-dong-viet-tren-ban-do-quoc-te-post1007927.vnp