Mỏ đá Hóa An: Khai thác trong phạm vi được giao
Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh phản ánh mỏ đá Hóa An đã tự ý mở rộng khai thác ra ngoài phạm vi được tỉnh giao, nhưng thực tế mỏ vẫn khai thác trong phạm vi được cấp phép.
Vẫn nằm trong phạm vi
Từ thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Giải Phóng (xã Cam Phước Đông). Từ con đường liên thôn Giải Phóng - Tân Hiệp nhìn lên ngọn núi trước mặt thấy rõ núi bị khai thác nham nhở, lên đến tận đỉnh núi. Ông N.V.P, người dân thôn Giải Phóng nói: “Bây giờ, họ khai thác lên tận đỉnh núi, ngoài phạm vi khai thác của mỏ. Hàng ngày, chúng tôi thấy xe tải leo lên núi, chở đá đi lại, diện tích khai thác mở rộng gấp 1,5 lần trước đây”.
Trao đổi về thông tin phản ánh của người dân, ông Đặng Hữu Hồng - Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Đá Hóa An 1 khẳng định: “Mỏ không khai thác ngoài phạm vi cho phép. Mỏ đá Hóa An được UBND tỉnh cấp phép từ năm 2011, tổng diện tích gần 26ha. Thời gian qua, mỏ khai thác, sản xuất đều đặn và đến nay diện tích khai thác vẫn còn. Hiện trạng mỏ khai thác trên đỉnh núi vẫn nằm trong tọa độ được giao. Trước đây, mỏ chưa khai thác khu vực này, hiện nay mới bắt đầu khai thác tới nên người dân tưởng mỏ tự ý khai thác vượt phạm vi”.
Ông Đoàn Công Nhân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Cam Ranh khẳng định, hiện tại, mỏ đá Hóa An vẫn khai thác trong phạm vi được giao. Đơn vị này đang đề nghị tỉnh cấp phép mở rộng diện tích khai thác vì bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam nên một phần diện tích dự án bị thu hồi.
Kiến nghị hỗ trợ di dời
Mới đây, Công ty TNHH Đá Hóa An 1 cùng 3 doanh nghiệp khai thác đá khác tại xã Cam Phước Đông là: Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Tiến Lộc, Công ty TNHH Phước Thành và Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Đạt có đơn đề nghị hỗ trợ di dời. Các doanh nghiệp cho rằng, việc triển khai thi công cao tốc Bắc - Nam đã làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp như: Trữ lượng khai thác giảm, một phần diện tích đất dự án bị thu hồi, việc di dời máy móc thiết bị làm ảnh hưởng đến năng suất… “Chỉ riêng việc tháo máy nghiền cũng phải mất 1-2 tháng, khi lắp ráp lại mất 2-3 tháng nữa. Doanh nghiệp chịu thiệt hại khi không thể sản xuất. Điều quan trọng là địa phương phải cho các công ty thuê quỹ đất để di dời máy móc thiết bị, diện tích cho thuê phải đủ lớn và gần khu vực khai thác”, ông Hồng nói.
Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất Cam Ranh, tuy tỉnh, thành phố đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tháo dỡ, di dời, nhưng đến nay, qua kiểm tra, các doanh nghiệp vẫn chưa tháo dỡ, di dời tài sản và tiếp tục khai thác khoáng sản trong phạm vi thu hồi đất để phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Đạt vẫn sử dụng giàn khoan, nổ mìn tại vị trí nam hầm Dốc Sạn nằm trong phạm vi thu hồi đất.
Ông Đoàn Công Nhân cho biết, việc giao đất hay mặt bằng di dời là thẩm quyền của UBND tỉnh. Hiện nay, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra để tham mưu hướng giải quyết về vấn đề này.
V.L