'Mở đồng' thu hoạch lúa Đông - Xuân trúng mùa, được giá
'Tết Quý Mão năm 2023, nông dân chúng tôi ăn Tết lớn, bởi vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023 đạt năng suất cao, giá bán tốt', đó là lời tâm tình của hầu hết bà con nông dân tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) khi chúng tôi có dịp gặp gỡ để tìm hiểu về mùa vụ lúa Đông - Xuân (vụ lúa đón Tết), đang bước vào giai đoạn thu hoạch tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nhanh tay dùng chiếc cào chuyên dụng trang lúa ra đều khắp mặt sân để phơi số lúa thu hoạch cách đó một ngày, ông Huỳnh Minh Dũng, ngụ xã Phú Tâm, huyện Châu Thành bộc bạch: “Tôi có 10ha canh tác lúa. Trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, tôi xuống giống lúa OM 5451, đã thu hoạch 4ha/10ha, năng suất 5,5 tấn/ha, giá bán 6.600 đồng/kg. Diện tích lúa còn lại là 6ha, giống lúa Đài thơm 8, tầm 6 ngày tới sẽ thu hoạch, ước năng suất 6 tấn/ha, thương lái thu mua lúa có giá 7.000 đồng/kg. Tính toán sau vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 250 triệu đồng/10ha. Số tiền trên ngoài đảm bảo tiêu dùng trong mấy ngày Tết đến xuân về, tôi còn dùng đầu tư cho vụ mùa tiếp theo”.
Cách nơi ông Huỳnh Minh Dũng phơi lúa khoảng 500 mét là ruộng lúa của ông Trần Phước Lợi, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành đang giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Diện tích lúa 2ha của gia đình ông Lợi chín vàng, từng bông lúa trĩu hạt. Ông Phước Lợi tâm tình: "Tôi đã nhận tiền đặt cọc thu mua lúa của thương lái cách đây 1 tuần, giống lúa canh tác là Đài thơm 8, giá bán 7.000 đồng/kg. Giá lúa này cao hơn so cùng kỳ vụ Đông - Xuân năm trước vài trăm đồng và năng suất lúa cũng cao hơn tầm 50 - 100kg/ha, lúa ít bị dịch bệnh, góp phần giảm chi phí đầu tư trong suốt mùa vụ". Theo ông Lợi, sản lượng lúa trong vụ Đông - Xuân, năm 2022 - 2023 thu hoạch ước 12 tấn/2ha, trừ các khoản chi phí đầu tư lợi nhuận tầm 50 triệu đồng/2ha. Lợi nhuận trên được xem như là vụ mùa thành công của bà con nông dân canh tác lúa trước tình hình giá vật tư đầu vào cho mùa vụ đều tăng.
Kể từ lúc giá phân bón, xăng dầu, các dịch vụ phục vụ cho canh tác lúa tăng cao, đa số bà con đều chọn phương án canh tác lúa theo quy trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022. "Để giảm lượng giống lúa gieo sạ, tôi sạ lúa bằng máy sạ cụm, giúp giảm lượng giống 50%. Ngoài ra, tôi còn thuê máy bay không người lái để phun thuốc dưỡng cho cây lúa, góp phần cho lúa sinh trưởng tốt, hạt lúa chắc khỏe. Nhờ áp dụng các quy trình canh tác lúa khoa học, năng suất lúa vụ Đông - Xuân đạt 6 tấn/ha. Theo đó, tôi có tổng diện tích lúa là 1,5ha, giống lúa gieo sạ Đài thơm 8, đã thu hoạch 0,5ha và diện tích còn lại 5 ngày nữa thu hoạch dứt điểm. Dự tính, trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022, lợi nhuận thu về hơn 36 triệu đồng/1,5ha” - ông Lâm Anh Tài, nông dân xã Phú Tâm, huyện Châu Thành thông tin.
Theo đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, diện tích xuống giống toàn tỉnh là 171.000ha. Hiện tại đã thu hoạch hơn 5.000ha, tập trung ở một số huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú. Dự kiến lúa Đông - Xuân sẽ thu hoạch dứt điểm vào tháng 4/2023. Giá bán lúa thơm nhẹ, chất lượng sẽ cao hơn so cùng kỳ năm trước 600 - 700 đồng/kg; nhóm giống ST cao hơn 400 - 500 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Diện tích lúa Đông - Xuân còn lại trên đồng đang giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, đòng trổ thì bà con nông dân cần quan tâm đến việc cung cấp đủ nước cho ruộng lúa, phòng ngừa các dịch bệnh như: rầy nâu, muỗi hành, đạo ôn, cháy bìa lá...
Theo ghi nhận của chúng tôi, vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, bà con nông dân trúng mùa, trúng giá, qua đó, sẽ tạo động lực, niềm vui để bà con chuyên canh trồng lúa đầu tư sản xuất các vụ mùa mới. Cùng với đó, lợi nhuận từ tiền bán lúa sẽ góp phần cho bà con ăn Tết sung túc, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.