Mở đợt cao điểm triệt phá hàng giả, hàng lậu
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm truy quyết buôn lậu, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, các bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương, lập tức triển khai kế hoạch thực hiện để cụ thể hóa chỉ đạo.

Không chỉ các bộ, ngành trung ương mà cả các địa phương cũng đồng loạt ra quân, siết chặt kiểm tra ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Ảnh tư liệu
Các bộ, ngành đồng loạt ra quân
Chỉ trong 2 ngày liên tiếp, người đứng đầu Chính phủ đã có công điện và chỉ thị liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, ngày 15/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 65/CĐ-TTg và ngày 17/5/2025 Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, mở đợt triển khai từ ngày 15/5 - 15/6/2025.
Rà soát quảng cáo sản phẩm liên quan đến sức khỏe
Mới đây, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu các cơ quan truyền thông rà soát quảng cáo sản phẩm, nhất là mặt hàng liên quan đến sức khỏe; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân vào công cuộc chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái
Quyết liệt triển khai các chỉ đạo, ngày 15/5, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BTC về triển khai tháng cao điểm tấn công trấn án tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng.
Cục Hải quan đã ban hành Công văn số 5214/CHQ-ĐTCBL tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong đó, chỉ đạo Chi cục Điều tra chống buôn lậu, chi cục Hải quan các khu vực, hải quan cửa khẩu, ngoài cửa khẩu tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả các biện pháp trong tháng cao điểm tấn công trấn áp tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới...
Lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc cũng đồng loạt triển khai đợt cao điểm đấu tranh, truy quét, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trên phạm vi toàn quốc từ ngày 17/5 - 17/6, đặc biệt là các hành vi vi phạm trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Cục yêu cầu các đơn vị tăng cường thu thập, phân tích thông tin về diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, dễ bị lợi dụng để đầu cơ, buôn lậu như: sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước sẽ trực tiếp kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm.
Cùng vào cuộc với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức kế hoạch cao điểm ngăn chặn thực phẩm giả, độc hại. Theo Kế hoạch số 02/KH-BNNMT do bộ này vừa ban hành, trọng tâm kiểm tra là an toàn thực phẩm, thực phẩm giả, độc hại, không rõ nguồn gốc; lâm sản, thủy sản; sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả; việc dùng chất kích thích tăng trưởng đối với mặt hàng hoa quả; việc sử dụng hóa chất quá mức nhằm tăng trọng, chống mất nước sau khi rã đông để gian dối về khối lượng, giảm chất lượng.
Kiến tạo môi trường kinh doanh tốt hơn
Không chỉ các bộ, ngành trung ương hành động khẩn trương, mạnh mẽ nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ trong việc tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi vi phạm, bảo vệ người tiêu dùng, ở các địa phương cũng đồng loạt ra quân, siết chặt kiểm tra trên cả thị trường truyền thống lẫn môi trường thương mại điện tử...
Trong ngày 20/5, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên toàn địa bàn tỉnh. Các đội quản lý thị trường trên địa bàn được yêu cầu xây dựng phương án kiểm tra cụ thể, dựa trên việc nắm chắc tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm.
Tại thành phố Huế, Sở Công thương đã tổ chức họp bàn và phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn công tác liên ngành nhằm triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm từ ngày 20/5 - 15/6/2025. Trong thời gian trên, đoàn liên ngành sẽ tập trung giám sát thị trường, thu thập và phân tích thông tin về cung cầu, giá cả hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, xăng dầu, đường, thuốc lá… Đây là những mặt hàng dễ bị lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, trục lợi bất hợp pháp.
Nhận xét về việc mở đợt cao điểm, tấn công mạnh mẽ vào hàng giả hiện nay của các bộ, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, sự vào cuộc của cơ quan nhà nước đã đem lại niềm tin cho người dân, làm cho môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn.
Để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, công tác chống buôn lậu, hàng giả phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho nhân dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững./.