Mở đường băng để kinh tế tư nhân cất cánh
Trải qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân không chỉ dần phục hồi mà còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nghị quyết số 68-NQ/TW Bộ Chính trị vừa ban hành nhấn mạnh nội dung phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Điều đó cho thấy, kinh tế tư nhân có đủ điều kiện để bứt phá.

Nghị quyết 68 là kim chỉ nam cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới. Ảnh: Quang Vinh.
Đã có “đường băng” chính sách, doanh nghiệp tăng tốc
Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách lớn nhằm phát huy vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ vậy, những năm qua, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh.
Trải qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã dần được phục hồi, không những thế, kinh tế tư nhân còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm. Cùng với đó đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN. Trách nhiệm xã hội của DN, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên. Trong số này, đã xuất hiện một lực lượng DN tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị DN, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 tiếp tục nhấn mạnh nội dung phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Nghị quyết 68 ra đời với tư duy đổi mới mang tính bước ngoặt, đột phá sẽ huy động hết tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân.
Ngay sau khi Nghị Quyết ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách để lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68. Các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách và lãnh đạo các bộ, ngành, Chính phủ tập trung thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách về: hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; tiếp cận nguồn vốn; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; chính sách về thuế, phí, lệ phí; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra; không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.
Các đại biểu cũng đề xuất cơ chế đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia; mô hình hợp tác công tư; khung pháp lý ưu đãi cho hoạt động nghiên cứu phát triển, quỹ đầu tư mạo hiểm; cơ chế thế chấp bằng tài sản vô hình; hỗ trợ DN tư nhân tiên phong vươn ra thế giới; vấn đề về phá sản; tránh hành vi hạn chế cạnh tranh, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ; cơ chế kết nối doanh nghiệp, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân…
Tạo đà để doanh nghiệp phát triển
Theo chia sẻ của bà Phan Thị Châm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng (tỉnh Thái Bình), nhiều DN hiện đang gặp khó khăn do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Nghị quyết 66-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản tháo gỡ các "điểm nghẽn" từ quy định pháp luật và đến năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN. “Chúng tôi rất kỳ vọng vào những cải cách pháp luật sắp tới. Một hệ thống pháp luật ổn định, rõ ràng, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của DN, Nghị quyết sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, giúp DN yên tâm đầu tư, phát triển” – bà Châm bày tỏ.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng DN trong việc tham gia xây dựng và phản biện chính sách. Việc này không chỉ giúp pháp luật sát thực tiễn hơn mà còn bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thi hành.
Theo bà Châm, Nghị quyết nhấn mạnh vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và sự tham gia thực chất của người dân, tổ chức, DN trong quá trình xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Đây là cơ hội để DN đóng góp ý kiến, phản ánh thực tiễn, giúp chính sách pháp luật sát với cuộc sống.

Thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: HPG
Đánh giá Nghị quyết 68 là bước ngoặt thay đổi về chất, mở ra tư duy mới trong xây dựng, thực thi chính sách để DN tư nhân "dám làm lớn", ông Nguyễn Vân- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, đội ngũ DN nhỏ và vừa Việt Nam, trong đó có các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cung ứng linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang thiếu và yếu về nguồn lực cũng như còn khó khăn trong tiếp cận đổi mới khoa công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, nguồn vốn tài chính, đất đai, hạ tầng…
Vì thế, với những biến động mang tính chất toàn cầu, cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ đã không ít lần đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… qua đó hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.
"Những chỉ đạo, định hướng, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết 68 chính là những điều cộng đồng DN cần lúc này; đồng thời sẽ trở thành kim chỉ Nam cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" - ông Nguyễn Vân nêu rõ.
Hơn nữa, theo ông Vân, cùng với cuộc tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính đang được thực hiện quyết liệt, DN tư nhân còn được thụ hưởng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tài chính... sẽ vừa góp phần giải quyết nhiều khó khăn, vừa thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mạnh dạn mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Doanh nghiệp tư nhân yên tâm làm ăn
Nghị quyết 68 đề ra chủ trương chuyển hướng từ quản lý sang kiến tạo. Tức là các cơ chế, chính sách đưa ra cần tạo điều kiện, môi trường để DN, doanh nhân được tự do hoạt động, kinh doanh.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Kinh tế -Tài chính của Quốc hội, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển thì không để DN tư nhân phải tự mày mò, tự tìm hướng đi. Bởi nếu như vậy các DN sẽ tự cạnh tranh với nhau và làm giảm sút động lực phát triển.
Khi Nhà nước sử dụng cơ chế đặt hàng, có nghĩa là Nhà nước đang mong muốn các DN đi theo một hướng sản xuất nào đó đáp ứng mục tiêu của mình.
Đồng thời, hoạt động đặt hàng của Nhà nước cũng thể hiện rõ sự cam kết bảo vệ thị trường cho DN đó. Khi người ta phát triển theo lĩnh vực này, sản phẩm đưa ra sẽ được xã hội, Nhà nước sử dụng và tiêu thụ. Bên cạnh đó sẽ có nguồn lực cung cấp cho các DN được đặt hàng.
Chính các giải pháp đặt hàng như thế sẽ giúp các DN tư nhân yên tâm tập trung toàn bộ nguồn lực, thậm chí có thể huy động vốn ngoài để đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại nhất, tạo ra sản phẩm theo nhu cầu đặt hàng.
Từ đó sẽ tạo ra sự liên kết, thu hút các DN khác cùng tham gia, bắt tay với những DN được Nhà nước đặt hàng, tạo ra chuỗi cung ứng và chính điều đó sẽ tạo ra những trụ cột cho các lĩnh vực của nền kinh tế nhờ vào khu vực DN tư nhân.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Nghị quyết 68 ra đời với tư duy đổi mới mang tính bước ngoặt, đột phá sẽ huy động hết tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân để họ trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Điều này tạo đà cho phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới.
Còn ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội chia sẻ, cộng đồng DN cần chuẩn bị cho một thời kỳ phát triển cởi mở hơn, mới mẻ hơn. Tư duy quản lý nhà nước sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, duy trì trật tự cạnh tranh công bằng, bình đẳng và quyết liệt. Cạnh tranh sẽ gia tăng, thậm chí là khốc liệt hơn trên thị trường.
Với nhiều DN, giấy phép kinh doanh có điều kiện như tấm “bùa hộ mệnh”, có được là yên tâm làm ăn. Nhưng chuyển sang hậu kiểm, nếu DN không kịp thời chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, rất có thể sẽ bị đào thải trong cạnh tranh.
Bản chất của DN, doanh nhân là tạo ra của cải, nguồn lực, việc làm cho xã hội, nền kinh tế. Họ sẽ tận dụng mọi phương thức kinh doanh để tạo ra lợi nhuận, nhưng mức lời càng cao, rủi ro về kinh tế hay pháp lý càng lớn. Đây có thể nói là cuộc đại phẫu để nâng cao năng lực cạnh tranh. DN phải tự nâng cấp mình, từ quản trị, tư duy, cách thức kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp cần có tư duy “vượt lên trên sự tuân thủ”. DN nào chủ động thu thập thông tin, có chất lượng, có uy tín, thí dụ có báo cáo tài chính rõ ràng, đáng tin cậy, sẽ có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận với các nguồn lực khi nhiều định chế trung gian được phát triển. Hiện quy định pháp luật không yêu cầu DN nhỏ và vừa có báo cáo tài chính, kiểm toán, nhưng nếu thực hiện một cách minh bạch, họ sẽ trở thành đối tác đáng tin cậy hơn trên thị trường.
Nói như ông Mạc Quốc Anh - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, lợi thế của DN tư nhân luôn là tinh thần linh hoạt, dám chấp nhận rủi ro. Nghị quyết 68 đã dựng “vùng an toàn” về pháp lý và tầm nhìn; DN cần biến vùng an toàn đó thành bàn đạp tăng trưởng bằng thực lực và trách nhiệm xã hội.
TS Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Thái Hưng (Thái Nguyên):
Phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài
Từ Nghị quyết 68, cộng đồng DN kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất, nâng cao chất lượng của khu vực kinh tế tư nhân, đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Trước bối cảnh nền kinh tế và chính trị quốc tế có nhiều biến động phức tạp, Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo kịp thời. "Đây là một định hướng rất đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn, tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 đã khơi dậy cho đội ngũ kinh doanh lòng tự hào dân tộc. Cộng đồng DN tin tưởng Nghị quyết sẽ sớm đi vào thực tiễn và chúng tôi quyết tâm chung sức, phát huy những giá trị của khối tư nhân. Nghị quyết cũng đã cho thấy sự khơi thông mọi nguồn lực để khu vực kinh tế tư nhân thực sự là lực lượng quan trọng nhất trong việc đóng góp vào mục tiêu xây dựng đất nước.
Đây cũng được xem là bước tiến đột phá về tư duy phát triển đối với khối DN tư nhân. Kinh tế tư nhân cùng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng. Nghị quyết còn trân trọng, nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khẳng định vai trò của doanh nhân là những người "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".
Cộng đồng DN cho rằng, tư duy đột phá này là cam kết chính trị mạnh mẽ: Nhà nước sẽ giữ vai trò kiến tạo, DN là trung tâm, phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài.
T.Hằng (ghi)
Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:
Tránh thiệt hại cho cá nhân, doanh nghiệp
Nghị quyết 68 nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế thì ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự kinh tế, hành chính trước, cho phép các DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Đây là điều mà ai cũng mong chờ.
Thêm nữa, nghị quyết cũng nêu rõ trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Điều này rất quan trọng với doanh nhân. Khi người kinh doanh sai phạm thì ưu tiên xử lý kinh tế trước sau đó mới xét đến có phạt tù hay không. Hay nói cách khác là pháp luật vẫn tạo cơ hội cho người ta có cơ hội được làm lại.
Một điểm nữa là nghị quyết cũng phân biệt rõ giữa thể nhân và pháp nhân, tức là phân biệt rõ giám đốc và DN. Giám đốc vi phạm là trách nhiệm của cá nhân chứ không kéo DN vào. Niêm phong tài sản của cá nhân chứ không niêm phong tài sản, trụ sở DN. Sẽ không còn câu chuyện niêm phong cả nhà máy làm vật chứng của vụ án. Điều này giúp tránh thiệt hại cho cá nhân, DN, tạo sự an tâm lớn cho doanh nhân hoạt động.
H.H (ghi)
Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính):
Nghị quyết 68 khẳng định yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế
Trước đây, trong thực tế, DN nhà nước và DN FDI thường được ưu tiên hơn so với DN tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. Có thời kỳ, DN nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi DN tư nhân thì vô cùng khó khăn.
Nghị quyết 68 khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi tin rằng việc thực thi sẽ là yếu tố quyết định thành công.
Về lý do Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả – vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là chiến lược lâu dài – là bởi: Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng hơn 20% GDP; khu vực DN nhà nước cũng tương đương. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước chiếm hơn 50%. Nếu mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8% và xa hơn là tăng trưởng hai con số thì vai trò của kinh tế tư nhân là cực kỳ quan trọng.
Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, dịch chuyển chuỗi cung ứng, thuế tối thiểu toàn cầu... khu vực FDI cũng cần thận trọng. DN nhà nước thì đang được tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu. Vì vậy, nếu muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn, khu vực tư nhân vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận, tuy số lượng DN tư nhân tăng, nhưng đa phần còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, tỉ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp (dưới 20%), trong khi 70% giá trị xuất khẩu vẫn thuộc về FDI. Vậy nên, định hướng phát triển nhanh, mạnh nhưng phải bền vững, nghĩa là không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt mà còn đảm bảo vai trò lâu dài, song hành cùng nhà nước, là hoàn toàn xác đáng và cấp thiết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-duong-bang-de-kinh-te-tu-nhan-cat-canh-10305537.html