'Mở đường' cho báo chí phát triển trong kỷ nguyên số
Việc sửa đổi Luật Báo chí là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Luật khi được sửa đổi cần nhìn nhận rõ những thách thức mà báo chí hiện nay đang đối mặt để có sự điều chỉnh, giúp thúc đẩy nền báo chí phát triển.
Sáng 16.5 tại Hà Nội, Hội thảo Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ VHTTDL - Hội Truyền thông số Việt Nam chỉ đạo, giao cho Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức.

Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình phát biểu tại hội thảo
Dự và chủ trì Hội thảo có PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy; Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng.
Cùng dự Hội thảo, còn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan báo chí, chuyên gia, diễn giả, nhà tài trợ, nhà báo, phóng viên...
Xu thế hình thành các tổ hợp truyền thông
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng việc sửa đổi Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu khai mạc hội thảo
Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Tại hội thảo, đại diện các bộ, ban, ngành, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các chuyên gia truyền thông, nhà báo, nhà khoa học, luật sư... đã tập trung thảo luận 3 nội dung lớn:
Thứ nhất, trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn các cơ quan báo chí, việc xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông như thế nào để phát huy hiệu quả và phát triển bền vững?
Thứ hai, vấn đề liên kết trong hoạt động của cơ quan báo chí như thế nào để phát huy được nguồn lực của xã hội nhằm phát triển cơ quan báo chí?
Thứ ba, báo chí đang phải cạnh tranh ngày càng khốc liệt với mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới về tốc độ và mức độ lan tỏa thông tin. Các quy định pháp luật cần được hoàn thiện theo phương hướng nào để cơ quan báo chí có thể cạnh tranh thông tin, định hướng, dẫn dắt thông tin trên không gian mạng?

Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc
Trình bày tham luận Một số vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi), Cục Trưởng Cục Báo chí (Bộ VHTTDL) Lưu Đình Phúc cho biết, Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22.9.2024 của Chính phủ đã thông qua 4 chính sách đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).
Chính sách 1: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí (gồm 7 vấn đề); Chính sách 2: Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí (gồm 5 vấn đề); Chính sách 3: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí (gồm 4 vấn đề); Chính sách 4: Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã bám sát ý kiến chỉ đạo Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể hóa 4 chính sách nêu trên.
Dự thảo luật lần này bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó điểm nhấn là nguyên tắc quản lý báo chí chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Dự kiến có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng được quy định chi tiết.
Dự thảo luật lần này cũng sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng ‘‘báo hóa” tạp chí - một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua.

TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử (Tạp chí Cộng sản) trình bày tham luận
Cụ thể, loại hình báo chí được chia thành báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng.
Báo in gồm báo và tạp chí. Báo điện tử gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.
Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung mô hình tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện. Theo đó, tổ hợp có thể bao gồm nhiều đơn vị trực thuộc, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, có thể tự chủ tài chính hoặc liên doanh, liên kết.
Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện được phép có cơ quan báo chí trực thuộc, có cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình chủ trì phiên thảo luận
“Các kênh nội dung của báo chí trên mạng xã hội, ứng dụng internet bắt buộc phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nội dung phát hành phải tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.
Nhà nước sẽ đầu tư công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên môi trường mạng, đảm bảo an toàn thông tin và hiệu quả quản lý.
Dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung 2 hành vi bị nghiêm cấm, gồm trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất và phát tin, bài như cơ quan báo chí và đưa thông tin gây phương hại đến quan hệ đối ngoại, ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế, hình ảnh quốc gia.
Dự thảo Luật cũng đề cập quyền giám sát của Hội Nhà báo Việt Nam, việc cấp và thu thẻ nhà báo, rõ hơn quy trình xuất, nhập khẩu báo chí, mở rộng chủ thể tham gia là cơ quan báo chí hoặc doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu.

Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm
Đồng thời, sẽ có quy định điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ phát hành báo chí nhập khẩu.
Trình bày tham luận với chủ đề Phát triển mô hình tổ hợp báo chí, kinh nghiệm từ Trung Quốc, TS. Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử (Tạp chí Cộng sản) nêu rõ, Trung Quốc coi báo chí là đơn vị sự nghiệp, nhưng hoạt động và quản lý theo mô hình doanh nghiệp. Đây là quan điểm mới mang tính đột phá về doanh nghiệp báo chí, có tính đặc thù của Trung Quốc.
Từ thực tiễn hình thành và phát triển các tập đoàn truyền thông của nước ngoài, TS. Lê Hải cho rằng, việc hình thành các tổ hợp truyền thông hoạt động tương tự như các tập đoàn truyền thông của nước ngoài là nhu cầu phát triển khách quan nội tại của báo chí Việt Nam. Việc tổ chức các tổ hợp truyền thông tại Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết.
Mở ra kỷ nguyên mới cho báo chí phát triển
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí lần này không chỉ là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn, mà còn mang ý nghĩa kiến tạo, nhằm mở đường cho báo chí bước vào “hành trình 100 năm mới”.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng
Thứ trưởng Thường trực Lê Hải Bình cho biết, việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí lần này là những bổ sung cơ bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo có thể yên tâm làm nghề trong những năm tới.
Trong dự thảo mới có một số nội dung đáng chú ý cần được tiếp thu các ý kiến đóng góp, gồm câu chuyện kinh tế báo chí, chuyển đổi số như thế nào và vấn đề về tổ hợp truyền thông.
Thứ trưởng Lê Hải Bình cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng Luật, phải bám sát các văn bản, nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật cùng thực tiễn để tiếp tục kịp thời tham mưu, điều chỉnh nếu có phát sinh.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đánh giá, dự thảo luật mới rất rõ ràng, có sự chuyển tiếp quản lý giữa 2 Bộ, đồng thời có những điều khoản đã thể chế hóa những văn bản dưới luật trước đây, mở điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động trên các hạ tầng không gian.
Ông Nguyễn Thamh Lâm cũng cho rằng, hoạt động báo chí trên không gian mạng được dự thảo thiết nêu rất rõ, song cần làm rõ thêm về mô hình kinh doanh của báo chí. Ngoài ra, nên làm rõ việc Nhà nước đầu tư và mua dịch vụ công nghệ thông tin trên nền tảng số; cũng như mô hình sự nghiệp công lập đối với cơ quan báo chí.

Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, Luật Báo chí mở ra kỷ nguyên phát triển mới của báo chí, do đó nên tư duy về thiết kế, hoàn thiện pháp luật cần bám sát theo định hướng đó.
Ngoài ra, khi xây dựng luật phải nghiên cứu tham khảo từ quốc tế để so sánh, song cần nghiên cứu một cách khách quan để thấy được báo chí Việt Nam đang đứng trước những thách thức gì?
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cho ý kiến đóng góp về các vấn đề như kinh tế báo chí, đơn vị chủ quản báo chí, cơ chế hoạt động cho báo chí…
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng, Luật Báo chí (sửa đổi) cần tháo gỡ các vướng mắc về kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí. Qua đó, "mở đường" cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập
Thứ trưởng đánh giá, các ý kiến đều thể hiện sự tâm huyết, vì sự phát triển của báo chí nước nhà. Các ý kiến sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Thứ trưởng cũng mong muốn các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm tổ chức cuộc hội thảo tiếp theo để tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Báo chí.