Nên có cơ chế thành lập cơ quan đại diện cấp vùng

Quốc hội đang tiến hành xem xét cho ý kiến dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Có nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với việc thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Điều này thể hiện rõ quyết tâm đổi mới đất nước và tầm nhìn chiến lược để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.

Đối với đạo luật quan trọng này, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nên bổ sung quy định về thành lập cơ quan đại diện cấp vùng trong phạm vi một tỉnh, thành phố để đảm bảo việc quản lý, điều hành thông suốt, không trì trệ, gián đoạn, vừa đảm bảo việc điều phối, xử lý kịp thời các tình huống phức tạp, phát sinh nhưng vượt quá khả năng xử lý, ứng phó của một đơn vị hành chính cấp xã.

Thứ nhất, nhiều tỉnh, thành sau khi sáp nhập có diện tích rất lớn, địa hình chia cắt, có nhiều vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, đi lại khó khăn... Do đó, cần có quy định linh hoạt, phù hợp với thực tiễn khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, vì thế việc thành lập cơ quan đại diện cấp vùng để điều phối hoạt động của vùng sao cho phù hợp là rất cần thiết.

Bởi có một số vấn đề lớn vượt ra khỏi tầm xử lý, quản lý của một xã, phường và không thể làm được như quản lý về hệ thống giao thông, xử lý tình huống bất ngờ về thiên tai, bão lũ hay các vấn đề phát sinh hằng ngày như khai thác các địa điểm du lịch, nơi chôn cất, tâm linh...

Thứ hai, hiện nay Quốc hội đang lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tại dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phép Quốc hội được quy định phù hợp với tình hình thực tế. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 111 Hiến pháp: “2. Chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.”.

Như vậy, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cụ thể hóa mô hình này, có thể cho phép thành lập cơ quan đại diện cấp vùng hoặc liên vùng nhằm điều phối hoạt động của nhiều xã liền kề khi cấp tỉnh khó có thể bao quát hết hoặc khó quản lý sâu sát, kịp thời, hiệu quả.

Thứ ba, việc thiết lập cơ chế cơ quan đại diện cấp vùng trong phạm vi một tỉnh, thành phố không phải là một cấp hành chính. Điều này vẫn đảm bảo chính quyền địa phương 2 cấp nhưng về mặt địa danh lại có ý nghĩa rất lớn về mặt lịch sử, kinh tế, văn hóa. Khi đó các khu vực, vùng trước đây từng là các thành phố, đô thị cấp huyện hoặc địa danh gắn với danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng vẫn giữ được tên gọi, giữ được những bản sắc, nét văn hóa đặc thù riêng có...

Mặt khác, cơ quan đại diện cấp vùng còn làm cầu nối, đầu tàu tập hợp nguồn lực, sức mạnh, để tạo sự liên kết giữa đơn vị hành chính cấp xã trong khu vực phát triển, đi lên, thúc đẩy thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của vùng.

Ngoài ra, việc thành lập cơ quan đại diện cấp vùng còn góp phần xử lý vấn đề trước mắt khi sáp nhập chưa thể tập trung ngay vào các khu hành chính của tỉnh mới.

Nhiều tỉnh đang tính toán, đề xuất thành lập cơ sở 2, cơ sở 3 khi có 2, 3 tỉnh cùng sáp nhập nhưng khó khăn về đi lại, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu công tác, ăn ở của cán bộ, công chức bị sáp nhập và nơi học tập, sinh hoạt cho con em họ...

Cử tri rất mong muốn Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung về thành lập cơ quan đại diện cấp vùng để giải quyết kịp thời những vấn đề khẩn cấp, phức tạp, vượt quá khả năng giải quyết của một đơn vị hành chính cấp xã hoặc các nhiệm vụ đột xuất, bất thường cần có sự điều phối, phản ứng nhanh, kịp thời một cách hiệu quả.

Đồng thời, góp phần thiết lập cơ chế điều hành sáng tạo, năng động, linh hoạt cho các địa phương kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh để đảm bảo việc quản lý, điều hành thông suốt, không trì trệ hay gián đoạn.

ThS, luật gia PHẠM VĂN CHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/nen-co-co-che-thanh-lap-co-quan-dai-dien-cap-vung-135038.html