Mở đường đưa cam Hàm Yên xuống núi
Quãng đường từ chân núi Phù Lưu lên đến điểm tập kết cam Hàm Yên, nếu tính diện tích chỉ rộng 500 - 600m2...
Phá đá mở đường lên núi
Từ trung tâm xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) vượt gần chục km đường bê tông được xây dựng từ chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (chương trình 135), là lên đoạn đường qua con suối nhỏ lởm chởm đá để đến khu trồng cam sành Hàm Yên nổi tiếng của tỉnh Tuyên Quang. Giữ chắc tay lái, anh Sơn, một cán bộ dân quân tự vệ xã Phù Lưu, gằn ga xe máy lao vút theo con đường đất rộng 3 - 5m do người dân chung sức mở lên núi Đá Lăn, nơi những triền cam trĩu quả đang mùa bội thu. Nhờ khí hậu trên núi mát lành và thổ nhưỡng phù hợp, nơi đây trở thành vựa cam nổi tiếng Hàm Yên.
Anh Sơn cho biết: “Trước đây, khi chưa có con đường đất người dân tự làm này, người lên núi trồng cam vất vả lắm, tất cả các công đoạn từ vận chuyển phân bón, đưa cam đã thu hoạch xuống núi chỉ bằng những con đường mòn cheo leo bên vách núi dựng đứng, vô cùng nguy hiểm. Để vận chuyển cam xuống dưới cho thương lái mua, các chủ vườn phải thuê người, thuê ngựa gánh và thồ cam xuống chân núi. Vì đường khó đi, vận chuyển xa, mất thời gian nên cam thường bị thương lái ép giá”.
"Hiện nay, tính sơ sơ, tại Phù Lưu cũng có đến 40 tỷ phú “chân đất” đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/hộ/năm chủ yếu từ việc trồng cam, thu nhập bình quân theo đầu người toàn xã đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Nhiều nhà tầng mọc lên, xe hơi, tiện nghi phục vụ sinh hoạt cũng được người dân sắm sửa."
Ông Đỗ Hữu Ước
Chủ tịch UBND xã Phù Lưu
Dù đang bận rộn với việc phân loại cam mới thu hái nhưng nghe PV hỏi về con đường đất lên núi, chị La Thị Na (làng Khiên, xã Phù Lưu) lập tức dừng lại, vui vẻ kể, đây là điểm tập kết cam thứ hai tính từ chân núi lên, mới mở cách đây 3 ngày. “Từ ngày có con đường này, xe tải của thương lái mua cam lên đến tận vườn nhà, không mất sức vận chuyển lại tiết kiệm chi phí, các chủ vườn như chúng tôi phấn khởi lắm”, chị Na nói.
Chị Na kể, vài năm trước, khi chưa có đường lớn, từ việc chăm sóc cam, thu hái, gùi cam xuống núi rất vất vả, mất thời gian, có những đợt giá cam thấp, chủ vườn đành để cam thối trên cây, tự rụng vì tiền bán cam không đủ để chi trả cho công đoạn hái và vận chuyển, chưa nói đến việc chăm sóc hàng ngày. “Thế nhưng, 5 năm qua, từ ngày người dân bắt tay “phá đá mở đường” lên núi, tình trạng ấy không còn xảy ra nữa, mỗi dịp vào vụ thu hoạch, ai cũng phấn khởi”, chị Na hồ hởi.
Đặt gùi cam lên chiếc cân nằm giữa điểm tập kết, anh Triệu Giáo Hào (trú tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) lau mồ hôi cho biết, đây là gùi thứ 2 anh gánh được trong sáng nay. “Mỗi gùi nặng 80 -100kg, mỗi kg cam gánh về, tôi được trả 1.000 đồng, tính ra mỗi lượt gánh được 80 - 100 nghìn đồng. Ngày nào chủ vườn cần thu hoạch nhiều thì mình gánh được 4 - 5 chuyến, thu nhập bình quân 400 nghìn đồng/ngày”, anh Hào nói.
Hai năm nay, anh Hào từ Hà Giang xuống Tuyên Quang để trông vựa cam giúp các chủ vườn, mỗi năm, anh được trả 40 triệu đồng tiền công trông và chăm sóc vườn cam. Khi vào mùa thu hoạch, anh tranh thủ lúc làm xong việc ở vườn thì đi gánh cam thuê. “Nhờ đường mới mở, mỗi lượt gánh chỉ mất nửa thời gian so với trước kia, lại đỡ mất sức”, anh Hào vui vẻ cho biết.
Con đường nối khát vọng làm giàu
5 năm qua, ông Nông Văn Thuyết (thôn Pá Han, xã Phù Lưu) vẫn cùng các hộ dân có vườn cam trên đồi này góp tiền thuê máy xúc lên san gạt đất đồi, cùng nhau phát cây, chuyển đá làm đường lên núi. Sau mỗi đợt làm đường, các hộ dân sẽ tính tổng chi phí rồi chia trung bình cho từng gốc cây, mỗi gốc cây khoảng 20 - 30 nghìn đồng. Sau đó, nhân lên với số gốc mỗi hộ mình trồng để ra số tiền phải góp.
“Vườn cam nhà ông trồng khoảng 300 gốc ở gần đỉnh núi, đến giờ, con đường đất rộng mới mở tới điểm tập kết cách vườn khoảng 500m. Trung bình, gia đình tôi góp khoảng 6 - 9 triệu đồng/đợt làm đường. Tương lai, tuyến đường sẽ được nối dài lên đến đỉnh núi. Để có đường đẹp, thuận lợi cho sản xuất cam thì dù có tốn tiền, tốn sức và phải hiến hàng chục gốc cam nữa, chúng tôi cũng sẵn sàng”, ông Thuyết nói.
Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu chia sẻ, 5 năm qua, từ những mong muốn hết sức giản dị để đảm bảo an toàn cho người trồng, hái, vận chuyển cam và cũng để giảm chi phí, sức người trong sản xuất, người dân nơi đây đã góp sức, góp tiền thuê máy để phá đá, san đất làm đường lên núi.
“Tại những vườn cam có đường đi qua, nhiều hộ còn hiến vài chục gốc cam đã đến thì ra trái để lấy đất làm đường. Rồi, người dân cùng nhau san đồi tạo những điểm tập kết bằng phẳng ngay lưng chừng núi rộng hàng trăm m2. Tại đây, cam được tập kết với số lượng lớn và xe ô tô có thể đón những chuyến cam ngay tại vườn đi tiêu thụ khắp nơi”, ông Ước kể.
Có đường, khát vọng làm giàu của người dân Phù Lưu như được chắp thêm đôi cánh. Và câu chuyện làm đường trên núi đá nơi đây được truyền đi, khắp các thôn, bản, nhà nhà hò nhau đoàn kết mở đường. Từ thôn Khuổi Nọi, Nặm Lương, Trò, Mường, Quang đến Nà Có, Bản Ban…; những con đường nội đồng, đường vào khu vực trồng cam dài trung bình 0,3 - 1km cứ thế được nhân lên theo thời gian từ sức mạnh đoàn kết và khát khao phát triển kinh tế.
Ông Ước cho biết thêm, từ năm 2011 đến nay, Phù Lưu đã có hơn 60km đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm, giao thông nội đồng được hoàn thiện nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Và hơn 20km đường đất rộng từ 3 - 5m qua khu vực trồng cam do người dân tự vận động nhau làm nên.
Là vựa cam của huyện Hàm Yên, Phù Lưu hiện có hơn 2.400 ha cam và hàng trăm ha diện tích đất sản xuất lúa màu. “Những tuyến đường lên những triền cam hay vươn ra những cánh đồng trù phú như nối dài khát vọng làm giàu của người dân. Thương hiệu cam sành Hàm Yên cũng vì thế mà lan tỏa khắp mọi miền đất nước”, ông Ước chia sẻ.
Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/mo-duong-dua-cam-ham-yen-xuong-nui-d243013.html