'Mở đường' phát triển đô thị
Đối với phát triển hệ thống đô thị, công tác quy hoạch luôn có vai trò đặc biệt quan trọng, được ví như một 'công cụ' quản lý, định hướng, 'đi trước mở đường' dẫn dắt cả quá trình phát triển đô thị. Bởi vậy, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể được coi là 'kim chỉ nam' cho phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, bộ mặt đô thị chuyển biến rõ rệt, nhất là đô thị TP. Điện Biên Phủ đã dần khẳng định vị trí, vai trò đô thị động lực, đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Cùng đó, không gian, kiến trúc, cảnh quan hệ thống đô thị ngày càng hiện đại, đồng bộ; môi trường được cải thiện theo hướng xanh - sạch - đẹp, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Qua từng năm, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đang dần hoàn thiện, từng bước mở rộng, tỷ lệ dân số đô thị gia tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 7 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III (TP. Điện Biên Phủ), 1 đô thị loại IV (TX. Mường Lay) và 5 đô thị loại V (thị trấn huyện lỵ các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Chà). Đến nay, 100% các đô thị, trung tâm huyện lỵ đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch chung xây dựng điều chỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển đô thị còn nảy sinh nhiều bất cập. Đó là đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỉ lệ đô thị hóa không đạt mục tiêu đề ra (đạt 28%), thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước; phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất, hạn chế tích tụ kinh tế. Các đô thị của tỉnh hiện đều ở quy mô vừa và nhỏ; hệ thống đô thị phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng. Đầu tư cho phát triển đô thị còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị cho phát triển đô thị.
Nguyên nhân hạn chế này là do một số địa phương chưa quan tâm nhiều tới vị trí, tầm quan trọng của vấn đề phát triển đô thị; một số địa phương vẫn chưa lập chương trình phát triển và đề án phân loại đô thị để trình duyệt, công nhận. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực phát triển đô thị của nhiều địa phương còn hạn chế... Điển hình đô thị thị trấn Tủa Chùa, qua thực tiễn quản lý và phát triển đô thị thị trấn trên địa bàn vẫn còn những hạn chế: Một số khu vực đã có quy hoạch chi tiết tuy nhiên chưa được bố trí kinh phí để cắm mốc giới ngoài thực địa; nhiều khu vực đô thị còn chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc đô thị… dẫn đến khó khăn trong quản lý trật tự cũng như cấp phép xây dựng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hướng tới phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, Quy hoạch tỉnh xác định đến năm 2030, hệ thống đô thị tỉnh có 11 đô thị, gồm 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32%. Trong đó, xây dựng TP. Điện Biên Phủ trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh là đô thị loại II; thị trấn Tuần Giáo và TX. Mường Lay đô thị loại IV; Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa đô thị loại V và hình thành mới 4 đô thị loại V, gồm các thị trấn: Thanh Xương (huyện Điện Biên), Nậm Pồ (huyện Nậm Pồ), Mường Nhé (huyện Mường Nhé) và đô thị Bản Phủ (huyện Điện Biên).
Quy hoạch đã xác định rõ phát triển hệ thống đô thị theo hướng hình thành các vùng đô thị lớn, nhằm tăng trưởng dân số, dịch vụ và việc làm. Đồng thời, gắn kết không gian phát triển đô thị với không gian phát triển kinh tế - xã hội các vùng, các trục động lực. Tập trung phát triển đô thị Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ gắn với trục động lực theo quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với Cảng Hàng không Điện Biên. Đây là trục động lực chính, quan trọng của toàn vùng, tạo sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa Điện Biên với các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc cũng như sang Lào.
Tương tự, quy hoạch tỉnh chú trọng phát triển đô thị gắn với các vùng kinh tế trọng điểm. Như vùng kinh tế Tủa Chùa, tập trung phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch. Trên cơ sở đó, huyện Tủa Chùa đề ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thực hiện 50% tiêu chuẩn của các tiêu chí đô thị loại IV trở lên. Huyện Tủa Chùa tập trung thực hiện giải pháp phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc. Theo đó, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông, điện chiếu sáng, nâng cao tỷ lệ cây xanh; ưu tiên ngầm hóa hệ thống điện, thông tin liên lạc. Tập trung phát triển đô thị gắn với lợi thế về du lịch, nông nghiệp trên địa bàn. Thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển đô thị.
Quy hoạch tỉnh là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức thực hiện phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, phù hợp với định hướng của hệ thống đô thị quốc gia và với cấu trúc chiến lược tổng thể kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn, đô thị bền vững thông minh, đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện được chủ trương đó, các địa phương tập trung triển khai thực hiện lập quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị… Đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án ưu tiên trong chương trình phát triển đô thị. Đầu tư nâng cấp kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị đảm bảo yêu cầu phát triển dân số và kinh tế - xã hội khu vực đô thị; nâng cao năng lực quản lý, quản trị đô thị để thu hút người dân sinh sống tại các đô thị.