Mở đường qua nghịch cảnh
Một loạt thỏa thuận quan trọng đã được ký kết hoặc tái cam kết giữa các quốc gia. Trong bối cảnh thế giới cùng lúc đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng cả về kinh tế và an ninh phi truyền thống như hiện nay, việc triển khai thực hiện các thỏa thuận ấy sẽ góp phần 'biến nguy thành an'.
Một loạt thỏa thuận quan trọng đã được ký kết hoặc tái cam kết giữa các quốc gia. Trong bối cảnh thế giới cùng lúc đối mặt nhiều cuộc khủng hoảng cả về kinh tế và an ninh phi truyền thống như hiện nay, việc triển khai thực hiện các thỏa thuận ấy sẽ góp phần “biến nguy thành an”.
1 Cố vấn Kinh tế của Nhà trắng La-ri Cắt-lâu (Larry Kudlow) khẳng định: Mỹ vẫn thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, dù quan hệ giữa hai nước đang đi xuống. Lời khẳng định được Cố vấn kinh tế của Nhà trắng đưa ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh do đại dịch Covid-19 bùng phát, cũng như những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan dịch bệnh này, các biện pháp trừng phạt qua lại lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hồi tháng 1 vừa qua, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần hai năm giữa hai nước. Theo đó, Trung Quốc cam kết mua thêm lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ trong hai năm tới. Cụ thể, Trung Quốc sẽ mua thêm 32 tỷ USD các mặt hàng nông nghiệp, bao gồm thịt bò, đậu nành và hải sản, 52,4 tỷ USD sản phẩm năng lượng, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu thô và than đá, 37,9 tỷ USD hàng hóa dịch vụ và 77,7 tỷ USD hàng hóa công nghiệp.
2 Tại hội nghị trực tuyến Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng Tài chính Nhóm G7 kêu gọi tất cả các nước chủ nợ thực thi đầy đủ thỏa thuận của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), về việc tạm thời giãn nợ cho các nước nghèo và tuân thủ tiêu chuẩn minh bạch dữ liệu nợ. Theo kế hoạch, ngày 18-7, các bộ trưởng tài chính G20 thảo luận trực tuyến về việc hoãn nợ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc, tác động nặng nề tới các nước vay nợ.
Đến nay, 41 quốc gia đã đệ đơn xin trợ giúp theo Sáng kiến Hoãn nợ của G20 (DSSI) và Câu lạc bộ Pa-ri (Paris) đã ký thỏa thuận với 20 quốc gia. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Đa-vít Man-pát (David Malpass) đã ủng hộ gia hạn việc hoãn trả nợ cho đến năm 2021, đồng thời lưu ý rằng một số nước đang nợ nhiều sẽ cần được xóa nợ để không bị rơi vào “bẫy nghèo đói” dài hơn.
3 A-rập Xê-út (Saudi Arabia) và I-rắc (Iraq) xác nhận cam kết tuân thủ đầy đủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác. Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út đánh giá cao cam kết của I-rắc trong thỏa thuận, khi tỷ lệ tuân thủ mức cắt giảm của quốc gia này trong tháng 6 vừa qua đã đạt gần 90%. Bộ trưởng Dầu mỏ I-rắc cho biết nước này sẽ duy trì cam kết, tiến tới mục tiêu đạt 100% mức cắt giảm kể từ đầu tháng 8 tới, nhằm bù đắp cho sản lượng dư thừa trong tháng 5 và tháng 6.
Trước đó, OPEC và các nước đối tác (OPEC+), đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5-2020 sau khi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sụt giảm mạnh. Kế hoạch cắt giảm sản lượng này sẽ kéo dài đến cuối tháng 7, sau đó duy trì ở mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12-2020. Tuy nhiên, một số thành viên OPEC đã không thực hiện đầy đủ thỏa thuận.
4 Anh cam kết nỗ lực đạt được nguyên tắc cơ bản cho một thỏa thuận thương mại tự do thời hậu Brexit với Liên hiệp châu Âu (EU) trong các cuộc đàm phán hiện nay. EU và Anh đã khởi động năm tuần đàm phán quan trọng về một thỏa thuận xác định quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn hậu Brexit. Vòng đàm phán mới tại Brúc-xen (Brussels, Bỉ) này là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên được tổ chức kể từ khi nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19. Theo kế hoạch, vòng đàm phán trên sẽ diễn ra lần lượt tại Brúc-xen và Luân Đôn trong tháng 7 này và tháng sau. Các cuộc đàm phán tới đây được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tháo gỡ những mâu thuẫn vốn đã cản trở tiến trình đàm phán trong suốt nhiều tháng qua.
Hiện tiến trình đàm phán bị cản trở do các vấn đề như quyền tiếp cận đánh bắt cá của EU tại vùng lãnh hải của Anh, sự tuân thủ của Anh đối với các quy định của EU nhằm tạo ra một sân chơi công bằng và các chính sách về hải quan cho vùng lãnh thổ Bắc Ai-len (Ireland) thuộc Anh. Sản lượng dầu mỏ đã được cắt giảm mạnh trong thời gian qua.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/the-gioi-tuan-qua/mo-duong-qua-nghich-canh-609021/