Giảm số lượng biên chế phải song hành nâng chất lượng
Lâu nay, chúng ta thường nghe nói vấn đề 'bộ máy cồng kềnh'. Mới đây, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra một số ví dụ để dư luận có thể hình dung ra câu chuyện 'bộ máy cồng kềnh' là như thế nào.
Cụ thể, hiện ngân sách chi gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ các hoạt động. Nếu điều hành ngân sách như vậy thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
“Đất nước muốn phát triển, muốn dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Chỉ còn 30% ngân sách thì tiền đâu để phục vụ quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội?”, Tổng Bí thư nêu thực tế, cho biết các nước khác chi thường xuyên khoảng 40%, trên 50% ngân sách phục vụ cho phát triển, quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Đó cũng là lý do chưa thể tăng lương vì tăng lương trong khi “bộ máy cồng kềnh” thì sẽ tốn 80 - 90% ngân sách, sẽ không còn tiền để chi cho các hoạt động khác.
Một hệ lụy khác khi “bộ máy cồng kềnh”, là một số cơ quan, đơn vị “dẫm chân nhau” hoặc chưa rõ trong một số chức năng, nhiệm vụ, nên có thể “một chuyên viên có ý kiến khác là toàn bộ hệ thống lại phải dừng lại để đánh giá, hết tháng này đến tháng kia không giải quyết được”. Vấn đề cát, đá, sỏi là một ví dụ cho sự chồng chéo trong quản lý. Ngành Giao thông vận tải nêu quan điểm khai thác cát sỏi liên quan vấn đề giao thông; ngành Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm cát sỏi là tài nguyên; còn ngành Xây dựng lại tập trung vào khía cạnh vật liệu xây dựng.
Tổng Bí thư cho biết, từ Đại hội 12, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá “bộ máy nhà nước cồng kềnh”, hoạt động kém hiệu quả, cần sắp xếp tinh gọn. Tuy nhiên, việc sắp xếp hiện nay mới làm từ dưới lên, sáp nhập huyện, xã chứ chưa làm tới tỉnh; sắp xếp ở một số Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ, ngành chứ chưa làm ở Trung ương. “Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có Bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở? Không có Sở nữa thì làm sao huyện có Phòng?”, Tổng Bí thư nói, “tới đây Trung ương, các ban của Đảng, Quốc hội, Chính phủ phải gương mẫu vì không tinh gọn bộ máy không thể phát triển”.
Câu chuyện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế; xuất phát cả từ chủ trương lẫn yêu cầu thực tiễn; như vậy chắc chắn phải ngày càng đẩy mạnh. Vấn đề là làm sao phải thực hiện theo cách thực chất, hiệu quả, khoa học. Mới đây, trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư một lần nữa nhắc đến vấn đề này, chỉ ra thời gian qua tinh giản biên chế mới giảm số lượng, chứ chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Đó là những nhận định rất đúng đắn. Khi mà bộ máy tinh gọn hiệu quả; cán bộ, công chức có thu nhập đủ sống và yêu nghề, “vừa hồng, vừa chuyên”; không còn những người làm việc với tâm lý “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; thì nhất định năng suất lao động sẽ tăng lên, hiệu quả của bộ máy hành chính ngày càng cao, tiết kiệm được ngân sách cho Nhà nước; đồng thời bớt lãng phí thời gian và tiền bạc cho người dân, doanh nghiệp; để dành nguồn lực cho việc phát triển đất nước.