Mô hình canh tác lúa do Bình Điền chủ trì thực hiện cho hiệu quả kinh tế cao

Mô hình 'Canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long', do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chủ trì thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng, giúp nông dân tiết kiệm hơn 15% chi phí và lợi nhuận tăng hơn 31%.

Đây là mô hình nằm trong Dự án Khuyến nông Trung ương, do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền chủ trì, triển khai tại 4 tỉnh, thành Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ và Đồng Tháp trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025.

Mô hình lúa giảm phát thải phát triển vùng nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện trên 50ha bằng giống ST25, tại tỉnh Sóc Trăng cho lợi nhuận cao.

Mô hình lúa giảm phát thải phát triển vùng nguyên liệu Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện trên 50ha bằng giống ST25, tại tỉnh Sóc Trăng cho lợi nhuận cao.

Lợi nhuận tăng hơn 31%

Ngày 31/3 vừa qua, Trung tâm Giống nông nghiệp và Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo sơ kết mô hình “Canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu Đồng bằng sông Cửu Long”, với sự tham gia của đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, cùng hơn 150 nông dân trong và ngoài mô hình đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Mô hình trình diễn trên 50ha lúa, với 17 hộ tham gia, thực hiện tại Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương (ấp Trà Coi B, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng), với mục tiêu xây dựng 1 mô hình 50ha canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, sử dụng giống cấp xác nhận, ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ.

Đồng thời, áp dụng gói kỹ thuật thâm canh đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật 3G3T, 1P5G, quy trình canh tác lúa chất lượng cao phát thải thấp theo quyết định 145 của Cục Trồng trọt; giảm được chi phí sản xuất trên 15% trên cơ sở giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chi phí khác so với sản xuất đại trà và phát triển bền vững.

Ông Mai Quốc Biên - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương cho biết, toàn hợp tác xã có 540ha, riêng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 có 50ha tham gia mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Qua thời gian thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là giảm chi phí sản xuất, như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông dân tăng lợi nhuận so với canh tác truyền thống.

“Năng suất cao hơn, trong khi chi phí sản xuất giảm đáng kể. Đây là điểm nhấn quan trọng giúp bà con gia tăng lợi nhuận. Hợp tác xã dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trong vụ hè thu 2025, đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn để hướng dẫn bà con áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, nhân rộng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường”, ông Biên khẳng định.

Nông dân tham quan mô hình trồng lúa phát thải thấp, tại Hợp tác xã Nông sản Mỹ Hương.

Các nông dân tham gia mô hình cho biết, quy trình gieo sạ và canh tác phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đồng ruộng, làm đất phải tuân thủ: không đốt đồng, sử dụng máy thu gom rơm; cho nước vào ngâm đất khoảng 7 ngày… đến việc bón phân, quản lý sâu bệnh hại, quản lý nước. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy trình cho thấy, giống hỗ trợ thuộc cấp xác nhận với số lượng 70kg/ha. Phương pháp gieo sạ cụm vùi phân, lượng giống sử dụng trong mô hình đã giảm hơn 40% so với phương pháp sạ lan bằng tay 120kg/ha.

Tại hội thảo, ông Ngô Nam Thạnh - Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp và Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, hạch toán kinh tế ruộng mô hình trình diễn cho thấy, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha, giá bán 9.200 đồng/kg, tổng chi phí thực hiện mô hình là 22.530.000 đồng/ha, tổng thu 59.800.000 đồng/ha, lợi nhuận 37.270.000 đồng/ha.

“So sánh hiệu quả kinh tế giữa trong và ngoài mô hình thì tổng chi phí thực hiện mô hình giảm 4.510.000 đồng/ha tương đương 16,4% so với ngoài mô hình, lợi nhuận trong mô hình cao hơn ngoài mô hình 15.034.000 đồng/ha tương đương 67,6%. Tuy nhiên, so sánh này hơi bấp bênh khi sử dụng không cùng giống lúa, nhưng kết quả này cũng khẳng định mô hình cho lợi nhuận cao hơn 31%.

Về tình hình sâu bệnh hại xuất hiện trong và ngoài mô hình ở vụ Đông Xuân 2024 - 2025, các đối tượng dịch hại chủ yếu là bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông. Bệnh đạo ôn xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh, tỷ lệ nhiễm ở các khu vực trong mô hình khoảng 3 - 5%, ngoài mô hình và khu vực lân cận khoảng 8 - 10%, và đã được nông dân khắc phục kịp”, ông Thạnh đánh giá.

Cần mở rộng mô hình

Bên cạnh hiệu quả đạt được, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp và Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho rằng, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do áp dụng cơ giới hóa và lượng giống gieo sạ thấp một số nông dân ở các địa phương chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới do sợ rủi ro trong sản xuất.

Điều kiện canh tác và tập quán địa phương, nông dân tham gia mô hình không thể áp dụng việc rút nước đợt 1 từ 12 - 22 NSS theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp vì việc giữ nước thời điểm này để hạn chế cỏ dại. Đồng thời, giá lúa biến động nhiều trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025 so với vụ Hè Thu 2024 nên một số hộ nông dân trong mô hình còn gặp khó khăn, thu nhập chưa ổn định dẫn đến chưa an tâm thực hiện.

Do áp dụng cơ giới hóa và lượng giống gieo sạ thấp một số nông dân ở các địa phương chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới do sợ rủi ro trong sản xuất.

Do áp dụng cơ giới hóa và lượng giống gieo sạ thấp một số nông dân ở các địa phương chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới do sợ rủi ro trong sản xuất.

Thông tin về mô hình, ông Trần Tấn Thành - Trưởng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho rằng, trong bối cảnh khu vực này đang triển khai đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, Bình Điền đã tích cực tham gia bằng việc hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải.

Cụ thể, công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện chương trình “Canh tác lúa thông minh” từ năm 2016, giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ từ trên 150kg/ha xuống còn dưới 80kg/ha. Ngoài ra, việc quản lý nước tưới theo phương pháp ướt - khô xen kẽ (AWD) đã được áp dụng, giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm nước.

Đặc biệt, Bình Điền đã hỗ trợ nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng, hoàn trả dinh dưỡng cho đất và giảm ngộ độc hữu cơ. Việc này không chỉ cải thiện độ phì nhiêu của đất mà còn giảm lượng phân bón hóa học cần thiết, góp phần giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Trong đó, dự án đã hỗ trợ nông dân 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chi phí gieo sạ.

“Mô hình nông dân sử dụng giống ST25 đặc trưng của địa phương, Phân chuyên dùng của Công ty Cổ Phần Phân Bón Bình Điền bao gồm phân hữu cơ Dưỡng Rễ Tốt Cây, Đầu Trâu TEA1, TEA2, quản lý dịch hại theo quy trình Much More Rice của Công ty Bayer và giảm giống bằng thiết bị sạ cụm của Công ty Sài Gòn Kim Hồng cho thấy, lúa canh tác trong mô hình cho năng suất cao, tiết kiệm được chi phí và lợi nhuận tăng hơn. Đồng thời, việc áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải đã giúp giảm lượng phân đạm từ 30 - 40% so với tập quán canh tác của bà con nông dân”, ông Thành cho biết.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh, dự án khuyến nghị mở rộng mô hình ra vụ Hè Thu 2025 và các vụ tiếp theo. Đồng thời, tích hợp vào đề án phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu và lúa gạo phát thải thấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Việc ứng dụng công nghệ và thiết lập hệ thống MRV sẽ giúp nông dân tiếp cận chính sách tín chỉ carbon, mở ra cơ hội thu nhập mới từ nông nghiệp xanh.

Mô hình "Canh tác lúa giảm phát thải" không chỉ là một dự án kỹ thuật, mà còn là sự thay đổi trong tư duy canh tác, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, hiệu quả và bền vững. Đây là bước đi quan trọng của Việt Nam trên hành trình xây dựng "gạo xanh - sống lành", nâng cao vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Long Vân

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/mo-hinh-canh-tac-lua-do-binh-dien-chu-tri-thuc-hien-cho-hieu-qua-kinh-te-cao/20250331033657303